Loài cua sống trên cạn "siêu hiếm", bất ngờ trở lại sau 225 năm biến mất

Huy Hoàng

(Dân trí) - Kể từ khi được nhìn thấy lần cuối cùng vào năm 1796, loài cua nước ngọt siêu hiếm này tưởng chừng đã tuyệt chủng, nhưng nay chúng bất ngờ xuất hiện sau 225 năm "mất tích".

Loài cua biết hít thở không khí, "mất tích" suốt hơn 2 thế kỷ

Việc truy tìm những loài quý hiếm được cho là đã tuyệt chủng chưa bao giờ dễ dàng, nhưng vào tháng 1/2021, chuyên gia Pierre A Mvogo Ndongo quyết định tới Sierra Leone (quốc gia thuộc Tây Phi) để tìm kiếm loài cua được xếp vào nhóm siêu hiếm. Ông cho biết có cảm giác như "mò kim đáy bể".

Loài cua sống trên cạn siêu hiếm, bất ngờ trở lại sau 225 năm biến mất - 1
Loài cua cực hiếm sống trên cạn, biết hít thở không khí, tưởng chừng đã tuyệt chủng (Ảnh: Project).

Chuyến thám hiểm của Mvogo Ndongo chủ yếu tìm kiếm loài cua nước ngọt sống trên cạn, được mô tả có màu cầu vồng. Lần cuối cùng chúng được nhìn thấy vào năm 1796. Chúng sống trong hang trên nền của những khu rừng nhiệt đới. Vốn là một giảng viên đến từ Viện thủy sản và khoa học tại Đại học Douala ở Cameroon, ông Mvogo Ndongo cho biết, hầu hết cua nước ngọt ở châu Phi chỉ sống trong môi trường sông, suối hoặc hồ nước.

"Loài cua hiếm này rất độc đáo. Chúng có thể hít thở không khí giúp thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt trong rừng nhiệt đới và cách xa nguồn nước. Khác với nhiều loài cua trên cạn, loại cua này thậm chí có thể trèo cây, sống trong kẽ đá, đào hang dưới đầm lầy hoặc ở nền đất rừng", chuyên gia Mvogo phân tích. Ngoài Sierra Leone, chỉ Guinea và Liberia là những quốc gia ở châu Phi có loại cua hiếm này.

Sau 3 tuần làm việc với người dân các địa phương, chuyên gia Mvogo đi khắp các tỉnh từ bắc, nam và đông nam của Sierra Leone, nhưng không tìm được bất cứ manh mối nào.

Loài cua sống trên cạn siêu hiếm, bất ngờ trở lại sau 225 năm biến mất - 2
Chúng đã mất tích suốt một thời gian dài (Ảnh: The Guardian).

Thường thì các chuyên gia sẽ tiến hành cuộc khảo sát dựa trên những manh mối có sẵn từ người đi trước. Nhưng lần này, Mvogo bắt đầu từ con số 0.

"Trong suốt 225 năm qua, không ai nhìn thấy chúng nữa. Thông tin duy nhất là ở Sierra Leone, nơi chúng xuất hiện. Chúng tôi bắt đầu khảo sát trong các cánh rừng, nhưng tất cả đều mơ hồ", ông Mvogo nói.

Phát hiện bất ngờ

Khi nhóm chuyên gia tới khảo sát khu vực rừng núi thuộc phía nam Freetown, họ đã hỏi người dân địa phương liệu có biết loài cua nào sống trên cạn, cách xa nguồn nước như sông, suối hay không. Cuối cùng, một người đàn ông đưa họ tới trang trại ở bìa rừng của anh ta. Đây là nơi họ tìm thấy chúng.

Tận khi vào sâu trong rừng, Mvogo mới tìm thấy con cua quý hiếm này. Chúng sống trong hang sâu tới mức ông và nhóm cộng sự phải cẩn thận đào đất bằng cuốc và dao rựa, làm sạch đất bám trên người chúng, qua đó lộ những mảnh vỏ màu hồng đúng như mô tả trước kia. Đây là mẫu vật sống đầu tiên kể từ khi được nhìn thấy sau thời gian dài.

Loài cua sống trên cạn siêu hiếm, bất ngờ trở lại sau 225 năm biến mất - 3
Hành trình đi tìm loài cua quý hiếm này được ví như "mò kim đáy bể" vì gần như không có dữ liệu gì (Ảnh: Earth).

Cùng với loài cua Sierra Leone, các chuyên gia còn phát hiện ra 2 loài cua nước ngọt mới. Tuy nhiên, môi trường sống của chúng đang bị đe dọa bởi nạn chặt phá rừng bừa bãi để đốn củi và lấy đất làm nông nghiệp.

"Tưởng chừng như chúng đã tuyệt chủng, nên với phát hiện mới này, chúng tôi thấy vui buồn lẫn lộn. Tuy nhiên, chúng ta cần sớm có biện pháp can thiệp khẩn cấp để bảo vệ chúng lâu dài", Neil Cumberlidge, Giáo sư của khoa sinh học tại Đại học Bắc Michigan, một trong những cộng sự hợp tác cùng chuyên gia Mvogo trong chuyến thám hiểm lần này, cho biết. 

Sau khi phát hiện ra nơi ở của chúng, các chuyên gia hy vọng giới chức địa phương sớm có biện pháp bảo vệ. "Dữ liệu mới nhất cho phép chúng tôi đánh giá tình trạng loại này có thể trong nhóm cực kỳ nguy cấp tức là sắp tuyệt chủng. Bước tiếp theo là lập kế hoạch hành động cùng các nhà bảo tồn ở Sierra Leone để cứu chúng thoát khỏi nguy cơ này", Giáo sư Neil nhấn mạnh.