Loài cá nặng 1,5 tấn, có ngà "độc nhất vô nhị" trên thế giới
(Dân trí) - Kỳ lân biển là một loài cá voi đặc biệt sống quanh năm ở vùng biển Bắc Cực. Loài kỳ lân vô cùng độc đáo này sở hữu chiếc ngà lớn và nhọn như mũi kiếm có thể dài tới hơn 3 m.
Chiếc ngà của kỳ lân biển - thường thấy nhất ở cá đực - thực sự là một chiếc răng tiến hóa với khả năng cảm nhận và có tới 10 triệu đầu dây thần kinh bên trong. Một số loài kỳ lân biển có tới hai ngà, trong khi những loài khác không có. Những chiếc ngà hình xoắn ốc nhô ra khỏi đầu và có thể dài tới hơn 3 m.
Kỳ lân biển nặng tới 1,5 tấn và có thể dài tới 5,5 m. Người ta ước tính chỉ còn khoảng 170.000 con kỳ lân biển trên toàn thế giới và chúng được xếp vào loại đang bị đe dọa.
Kỳ lân biển được tìm thấy ở biển Bắc Cực và có thể sống tới khoảng 50 năm. Đồ ăn yêu thích của chúng chủ yếu bao gồm cá tuyết Bắc Cực và cá bơn xanh. Ngoài ra chúng cũng có thể ăn mực nang, tôm và mực ống.
Kỳ lân biển đực được phân biệt bởi một chiếc ngà dài, thẳng, hình xoắn ốc, đó chính là một chiếc răng nanh dài phía trên bên trái. Kỳ lân biển là một trong nhiều loài được Carl Linnaeus - cha đẻ của ngành phân loại học hiện đại - mô tả trong ấn phẩm Systema Naturae của ông vào năm 1758.
Giống như cá voi trắng, kỳ lân biển là loài cá voi cỡ trung bình. Đối với cả hai giới, không bao gồm ngà của con đực, tổng chiều dài cơ thể kỳ lân biển có thể từ 3,95 đến 5,5 m. Những con đực lớn hơn một chút so với những con cái. Trọng lượng trung bình của một con kỳ lân biển trưởng thành là 800 - 1.600 kg.
Vào khoảng 11 đến 13 tuổi, con đực trở nên trưởng thành về giới tính còn con cái trưởng thành về giới tính vào khoảng 5 đến 8 tuổi. Kỳ lân biển không có vây lưng và các đốt sống cổ của chúng được nối với nhau giống như hầu hết các loài động vật có vú khác, không hợp nhất như ở cá heo và hầu hết các loài cá voi khác.
Kỳ lân biển là loài săn mồi chuyên biệt duy nhất ở Bắc Cực. Vào mùa đông, nó săn mồi động vật đáy, chủ yếu là cá bẹt, dưới lớp băng dày. Trong suốt mùa hè, kỳ lân biển chủ yếu ăn cá tuyết Bắc Cực và cá bơn. Mỗi năm, chúng di cư từ các vịnh vào đại dương khi mùa hè đến. Vào mùa đông, kỳ lân biển đực đôi khi lặn sâu tới 1.500 m với những lần lặn kéo dài tới 25 phút. Kỳ lân biển, giống như hầu hết các loài cá voi có răng, giao tiếp bằng "tiếng nhấp", "tiếng huýt sáo" và "tiếng gõ".
Kỳ lân biển có thể sống tới 50 năm. Chúng thường chết do ngạt thở sau khi bị mắc kẹt do sự hình thành của băng biển. Các nguyên nhân khác dẫn đến cái chết, đặc biệt là ở những kỳ lân biển con là do đói và bị cá voi sát thủ săn đuổi. Kỳ lân biển bị người Inuit ở miền bắc Canada và Greenland săn bắt hàng trăm năm nay để lấy thịt và ngà.
Những con vật huyền thoại này có hai chiếc răng. Ở con đực, chiếc răng nổi bật hơn mọc thành một chiếc ngà xoắn ốc. Chiếc răng ngà mọc ngay trên môi trên của kỳ lân biển. Các nhà khoa học không chắc chắn về mục đích của chiếc ngà, nhưng một số người tin rằng nó nổi bật trong nghi lễ giao phối, có lẽ được sử dụng để gây ấn tượng với con cái hoặc để chiến đấu với những kẻ cầu hôn đối thủ. Con cái đôi khi phát triển một chiếc ngà nhỏ của riêng mình, nhưng không nổi bật như ngà của con đực.
Kỳ lân biển bị ảnh hưởng và đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Ngoài ra loài này còn bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn do chúng giao tiếp bằng âm thanh. Khi băng ở biển Bắc Cực rút đi do hiện tượng ấm lên toàn cầu, ngày càng có nhiều tàu vận chuyển đi qua Bắc Cực và điều đó có nghĩa là vùng biển này đang trở nên ồn ào hơn. Đó có thể là một vấn đề lớn đối với kỳ lân biển.