Lên Tây Bắc, thưởng thức đặc sản từ… rêu

(Dân trí) - Rêu vốn dĩ chỉ được coi là 1 loại thủy sinh, nhưng với người dân tộc Tày, rêu đá là một nét văn hóa đặc sắc trong văn hóa ẩm thực. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.

Rêu sông, suối là một món ăn từ xa xưa được nhiều dân tộc: Nùng, Thái, Mông, Mường… ưa thích. Rêu nướng được coi là đặc sản trong ẩm thực của người Tày.

Rêu đá là đặc sản chỉ có ở vùng Tây Bắc, thường mọc bám vào các gờ đá nơi lòng suối. Rêu được chia thành 3 loại. “Cui” là loại rêu mọc thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm. “Cay” là loại rêu có sợi mọc rời rạc màu xanh. Và với loại rêu mọc thành từng mảng ở ao hoặc các khe suối, không bám chặt vào đá thì được gọi là “tau”.

Rêu sau khi được lấy từ suối lên.
Rêu sau khi được lấy từ suối lên.

Theo kinh nghiệm của người Tày, khi đi tìm rêu nên chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Khi vớt rêu, phải đứng ở dưới suối, hứng nước chảy từ trên rồi lấy tay quơ ngang nhưng chỉ được chọn những rêu non. Rêu chỉ sống trong 7 ngày, tức là khi nó mọc lên 3-4 ngày là phải vớt ngay. Nếu để quá thời gian đó, rêu sẽ chuyển màu trắng, không thể dùng làm thức ăn.

Hái rêu là một công việc vất vả, nhưng việc đập rêu, loại bỏ tạp chất còn nhọc hơn. Các đám rêu ngậm nước nhiều, khi nhấc ra khỏi mặt nước nặng trĩu tay, phải từ từ cho rêu chảy hết nước rồi bỏ vào giỏ.

Sau đó là công đoạn đập rêu. Để những cục rêu lên thớt hoặc một hòn đá tảng to có mặt phẳng và đập cho rong rêu bong ra các tạp chất. Phải đập sao cho khéo để rêu không bị nát, dễ mất chất dinh dưỡng và màu xanh tự nhiên. Sau khi được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, rêu có thể chế biến thành nhiều món.

Lên Tây Bắc, thưởng thức đặc sản từ… rêu - 2

Rêu suối tuy nhiều, nhưng những loại rêu ngon thì ít. Hơn nữa, rêu ăn được cũng theo mùa, bởi vậy đối với bà con dân tộc Tày, rêu cũng là một món ăn quý. Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ.

Nếu thực khách muốn thưởng thức món canh rêu tươi, người Tày sẽ đem rêu nấu với xương hầm hoặc nước luộc gà, cho mắm muối và các gia vị rồi ăn nóng. Với món nộm rêu, người ta thường lấy rêu non, đồ cho chín rồi trộn cùng súp, mì chính và các gia vị. Đây là những món ăn được coi là đặc trưng của người dân tộc Tày.

Món canh rêu thanh mát.
Món canh rêu thanh mát.

Rêu còn có thể được chế biến thành nhiều món khác như rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị rồi đem nướng.

Người Thái có thể dùng rêu nướng không với các loại dong, lá chuối hoặc nướng cùng cá suối, thịt lợn, thịt gà và ớt. Đơn giản và hợp khẩu vị của nhiều người là món rêu nướng trên than hồng. Chọn loại rêu dài bằng ngón tay trộn cùng muối, ớt, rau mùi, hành, sả, “mắc khén” bọc trong lá chuối đã được hơ nóng cho mềm và tránh rách, rồi nướng trên than hồng cho tới khi xém lớp lá bên ngoài.

Rêu nướng là món ăn thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của người Tây Bắc.
Rêu nướng là món ăn thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của người Tây Bắc.

Nhiều nơi còn dùng ống nứa non thay lá chuối nên rêu nướng có vị ngọt đặc trưng. Sau khi nướng, rêu đá trở nên mỏng tang, giòn, và vô cùng thơm ngon. Người ăn chơi nhấm nháp rêu đá nướng với rượu, người lại ăn kèm với xôi đồ thơm phức.

Người Tày có câu: “Quẹ chí áp, táp chí hơ”, có nghĩa là nướng quẹ phải đặt áp vào than, nước ngọt và thơm của nó chưa kịp rớt xuống thì quẹ đã chín. Khi nướng, không phải xoay nhiều lần mà nướng chín một bên, sau đó nướng tiếp bên còn lại. Khi dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là quẹ đã chín. Ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ khách quý mới được đãi món rêu khô này.

Theo kinh nghiệm dân gian, rêu nướng không chỉ là món ăn được nhiều đồng bào dân tộc ưa thích mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm