Lễ hội tắm tập thể lớn nhất hành tinh, hơn 400 triệu người cùng tắm
(Dân trí) - Một trong những nghi thức quan trọng của buổi lễ là các tín đồ sẽ ngâm mình trong dòng nước sông Hằng linh thiêng để gột rửa bản thân trong lễ hội tôn giáo lớn nhất hành tinh ở Ấn Độ.
Hàng triệu tín đồ Hindu đang thực hiện nghi thức tắm trong dòng nước linh thiêng khi lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới năm nay diễn ra tại bang Uttar Pradesh ở phía bắc Ấn Độ kể từ ngày 13/1.
Dự kiến sẽ có hơn 400 triệu tín đồ và du khách từ khắp nơi tới thành phố Prayagraj để tham dự ngày hội Maha Kumbh Mela. Những người hành hương sẽ tới tắm tập thể ở nơi có 3 dòng sông hợp lưu tại thành phố này với mục đích thanh tẩy tội lỗi, giúp giải thoát về tinh thần.
"Là người theo đạo Hindu, đây là lễ hội lớn nhất trong năm và không thể bỏ lỡ", chị Reena Rai, 38 tuổi, một tín đồ đã di chuyển hơn 1.000km từ bang Madhya Pradesh để tới kịp vào ngày khai hội.
Được biết, từ năm 2017, UNESCO đã công nhận lễ hội này là "Di sản Văn hóa Phi vật thể" của nhân loại.
Để tổ chức lễ hội năm nay, giới chức Ấn Độ đã lên kế hoạch và chi hàng trăm triệu USD nhằm xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, phục vụ lượng khách khổng lồ đổ về thành phố Prayagraj, vốn là nơi sinh sống của khoảng 6 triệu người.
Cụ thể, khoảng 160.000 lều, 150.000 nhà vệ sinh và 1.249km đường ống dẫn nước được lắp đặt tại khu vực có tổng diện tích 4.000ha (tương đương với 7.500 sân bóng đá tiêu chuẩn). Toàn bộ được chia thành 25 khu vực với nhiều tiện ích khác nhau. Chi phí ước tính cho lễ hội hơn 700 triệu USD.
Trước đó vào năm 2013, hàng chục du khách và tín đồ bị thiệt mạng hoặc bị thương trong một vụ chen lấn tại nhà ga xe lửa. Những tai nạn thương tâm như vậy không phải là chuyện hiếm trong các lễ hội tôn giáo ở Ấn Độ.
Bởi vậy năm nay, nhằm kiểm soát an ninh, giới chức địa phương cho biết đã áp dụng biện pháp an toàn bổ sung tại thành phố Prayagraj nhằm bảo vệ du khách.
Quanh thành phố có vòng an ninh với các trạm kiểm soát do hơn 1.000 cảnh sát điều hành. Cùng với đó, hơn 2.700 camera an ninh sử dụng trí tuệ nhân tạo được bố trí khắp thành phố do hàng trăm chuyên gia giám sát tại các địa điểm quan trọng.
Lần đầu tiên, hệ thống máy bay không người lái trên không được áp dụng để giám sát từ trên cao. Ngoài ra, Ấn Độ cũng triển khai máy bay không người lái dưới nước với khả năng lặn sâu 100m nhằm đảm bảo an ninh 24/24.
Bên cạnh đó, giới chức địa phương cũng triển khai thêm biện pháp bảo vệ người hành hương khi bố trí hơn 300 thợ lặn luôn sẵn sàng ứng phó trường hợp xảy ra trên sông Hằng cùng hệ thống bệnh viện dã chiến với hàng trăm phương tiện cứu thương túc trực 24/7.
Do lượng lớn người hành hương tới đây bằng tàu hỏa nên chính quyền bổ sung thêm 3.000 chuyến tàu đặc biệt và hơn 13.100 dịch vụ tàu hỏa.
Giới chức bang Uttar Pradesh cho biết, hệ thống hạ tầng cơ sở cũng được xây mới gồm 14 cây cầu vượt mới, 11 hành lang đường bộ mới, 7.000 xe bus, 550 xe bus đưa đón người hành hương và 30 cầu phao bổ sung nhằm cải thiện khả năng kết nối.
Ban tổ chức cho biết, tổng số người tham gia năm nay dự kiến vượt quá con số dự kiến tới 6 lần.
"Khoảng 400 triệu tín đồ và du khách sẽ đổ về thành phố này. Hãy tưởng tượng công tác chuẩn bị cần phải kỹ lưỡng ra sao", ông Vivek Chaturvedi, phát ngôn viên của ban tổ chức chia sẻ.
Lễ hội sẽ kết thúc vào ngày 26/2.