Lăng mộ Khổng Minh và bí ẩn chưa có lời giải

(Dân trí) - Địa điểm thực sự về nơi an táng của Khổng Minh Gia Cát Lượng ở đâu vẫn còn là dấu hỏi, đến nay hậu thế chưa tìm ra lời giải đáp.

Gia Cát Lượng, tên tự là Khổng Minh, là nhà chính trị, nhà quân sư kiệt xuất của Trung Quốc trong thời Tam Quốc. Ông đồng thời là nhà ngoại giao cự phách, nhà phát minh tài ba. Đóng góp lớn nhất của ông là việc hình thành thế chân vạc Tam Quốc, liên minh Thục – Ngô chống Ngụy. Khổng Minh được công nhận là một trong những chiến lược gia xuất sắc nhất trong thời đại của ông, được so với nhà chiến lược tài ba khác là Tôn Tử.

Hình tượng Gia Cát Lượng được tái hiện trên nhiều thước phim dã sử
Hình tượng Gia Cát Lượng được tái hiện trên nhiều thước phim dã sử

Năm 54 tuổi, ông mắc bệnh nặng rồi qua đời ở doanh trại. Cả đời tận trung vì sự nghiệp chấn hưng nhà Thục Hán, nhưng nơi an táng thực sự của Khổng Minh ở đâu, đến nay hậu thế vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Theo di nguyện của ông sau khi chết muốn đặt mộ tại núi Định Quân. Ngọn núi thuộc tỉnh Thiểm Tây. Do đỉnh núi rất bằng phẳng, có thể đóng cả vạn quân nên mới có tên là Định Quân.

Địa hình núi rất phức tạp với sườn núi uốn lượn nhấp nhô, được coi là rất tốt về phong thủy. Ngay dưới chân núi, du khách sẽ thấy khu mộ Gia Cát Lượng và đền thờ mang tên ông. Theo sử sách Trung Quốc ghi lại, do dự đoán được vận mệnh, Gia Cát Lượng căn dặn, sau khi chết, quân sỹ đem bỏ xác ông vào quan tài rồi khiêng về Hán Trung. Khi dây thừng đứt tại đâu, nơi đó sẽ lấy làm mộ.

Một trong những phần mộ của Gia Cát Lượng
Một trong những phần mộ của Gia Cát Lượng

Quân sỹ nghe theo, khiêng quan tài đi. Tuy nhiên, khiêng thời gian rất dài mà dây thừng không đứt. Đến núi Định Quân bỗng nhiên sợi dây chắc chắn đứt phụt khiến quan tài rơi xuống. Quân sỹ vội vàng đào huyệt chôn thì bỗng khu đất xung quanh quan tài sụt xuống, vừa đủ lấp trọn cỗ quan Gia Cát Lượng. Sau đó, khu vực đặt mộ không xây kín, cũng không để lại bất cứ dấu hiệu gì dễ phát hiện. Người ta còn xây thêm nhiều phần mộ giả xung quanh để chống lại mộ tắc. Ngôi mộ ngày nay người đời vẫn gọi là “Mộ thật của Gia Cát Vũ Hầu”, thực tế không phải phần mộ thật. Người Trung Quốc tương truyền, ngôi mộ nào có dòng chữ “Mộ Vũ Hầu” mới chính là nơi an nghỉ thực tế của Khổng Minh.

Ngày nay, có ngôi mộ mang tên “Mộ Vũ Hầu” đặt ở góc tây bắc núi Định Quân, có diện tích hơn 300 mẫu. Nhưng các chuyên gia lại nhận định, ngay cả nơi này cũng không phải ngôi mộ thật.

Trên khắp đất Trung Quốc, người đời còn lập nên nhiều đền thờ để tưởng nhớ vị tướng tài ba này. Trong đó, nổi tiếng nhất là đền thờ ở huyện Miễn, dưới chân núi Định Quân. Kế đến là miếu Vũ Hầu ở Thành Đô; miếu Vũ Hầu ở thành Bạch Đế, Trùng Khánh.

Huy Hoàng

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm