Lăng mộ Hoàng đế bị phế truất chỉ 27 ngày sau khi lên ngôi chứa vàng, ngọc

Huy Hoàng

(Dân trí) - Bên trong lăng mộ của Hoàng đế Lưu Hạ, người tại vị trên ngai vàng ngắn nhất trong lịch sử Trung Quốc, các nhà khảo cổ học phát hiện thấy vô số cổ vật bằng vàng, ngọc.

Lưu Hạ là vị vua thứ 9 của nhà Hán, bị phế truất chỉ 27 ngày sau khi lên ngôi, qua đó trở thành vị Hoàng đế tại vị ngắn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông sinh vào năm 92 trước Công nguyên ở tỉnh Sơn Đông, là con trai thứ 5 của Hán Vũ Đế Lưu Triệt.

Theo tài liệu cổ do nhà sử học thời Tống Tư Mã Quang biên soạn, thuở nhỏ, Lưu Hạ sống ở Xương Ấp Quốc, nay là thành phố Xương Ấp thuộc tỉnh Sơn Đông.

Lăng mộ Hoàng đế bị phế truất chỉ 27 ngày sau khi lên ngôi chứa vàng, ngọc - 1
Hình ảnh phác họa Hoàng đế Lưu Hạ (Ảnh: Baidu).

Trong sử ký có đoạn mô tả về việc "Lưu Hạ từ sớm đã có thói quen ăn chơi phóng đãng, ngay cả khi vào kinh kế vị, ông vẫn dung túng cho thuộc hạ cưỡng bức mỹ nữ".

Cũng theo sử ký ghi lại, sau khi lên ngôi, Hoàng đế Lưu Hạ không bỏ thói quen cũ, quên hết việc triều chính, mải mê "quan hệ với các cung nữ của Chiêu Đế".

Cuối cùng, Lưu Hạ bị các quan đại thần trong triều dâng tấu cáo buộc tội "hoang dâm vô độ, làm loạn nhà Hán". Hoàng thái hậu đã phế truất Lưu Hạ, lập cháu 4 đời của Hán Vũ Đế là Lưu Tuân lên ngôi, hiệu là Hán Tuyên Đế. Điều này khiến ông lập kỷ lục tồn tại gần 2.100 năm, trở thành vị Hoàng đế tại vị thời gian ngắn nhất trong lịch sử.

Sau khi Lưu Hạ bị truất ngôi, mọi tước vị xã hội của ông cũng bị xóa bỏ và sống phần đời còn lại của mình như một thường dân.

Tuy nhiên, kết quả từ những cuộc khai quật gần đây tại lăng mộ của Lưu Hạ cho thấy ông hoàn toàn không bị coi là dân thường sau khi bị phế truất.

Lăng mộ Hoàng đế bị phế truất chỉ 27 ngày sau khi lên ngôi chứa vàng, ngọc - 2
Những tấm vàng miếng tìm thấy trong lăng mộ (Ảnh: Xinhua).

Sử sách ghi lại, sau khi bị truất ngôi, Lưu Hạ được Tuyên Đế giáng phong làm Hải Hôn hầu. Ông sống phần đời còn lại trong một ngôi nhà ở bên hồ. Năm 59 trước Công nguyên, Hải Hôn hầu qua đời, hưởng dương 33 tuổi.

Năm 2011, các nhà khảo cổ học Trung Quốc phát hiện thấy lăng mộ của Lưu Hạ ở gần Nam Xương, vốn là thủ phủ tỉnh Giang Tây. Đây được xem là lăng mộ của vị Hoàng đế được bảo tồn lâu nhất trong triều đại Tây Hán (206 trước Công nguyên - 9 sau Công nguyên).

Năm 2016, hài cốt của vị Hoàng đế này được tìm thấy. Bên trong lăng mộ, nhóm khảo cổ học phát hiện ra hàng nghìn món cổ vật quý giá làm từ ngọc bích, vàng, đồng và nhiều thẻ tre.

Những món đồ tạo tác bằng vàng, ngọc quý giá trong lăng mộ cho thấy rõ ràng Hoàng đế Lưu Hạ không bị đối xử như một thường dân khi chết. Dù bị phế truất, nhưng ông vẫn được coi là một quý tộc, hưởng những đặc quyền riêng nhờ thân phận là hậu duệ của Hán cao tổ Lưu Bang, người là một trong những Hoàng đế có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Lăng mộ Hoàng đế bị phế truất chỉ 27 ngày sau khi lên ngôi chứa vàng, ngọc - 3
Bảo tàng Lưu Hạ tức Hải Hôn hầu ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, hiện là một trong những điểm đến lịch sử thu hút khách du lịch (Ảnh: China Daily).

Ông Yang Jun, chuyên gia nghiên cứu đến từ viện khảo cổ và di tích văn hóa tỉnh Giang Tây, nhận định, kho báu bên trong lăng mộ của Lưu Hạ thể hiện "di sản của Hán Vũ Đế rất to lớn", qua đó "làm rõ nét hơn sự hùng mạnh của triều đại nhà Hán".

Từ năm 2015 đến nay, lăng mộ của Lưu Hạ trở thành một trong những điểm khảo cổ quan trọng nhất để giới chuyên môn tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa quý tộc nhà Hán.

Tới nay, lăng mộ khai quật được 4 triệu đồng tiền đồng, 480 miếng vàng cùng hàng nghìn thẻ tre. Đây cũng là con số lớn nhất được tìm thấy trong một ngôi mộ nhà Hán. Hiện một số điểm khảo cổ ở Trung Quốc đang trở thành điểm đến hút khách du lịch.