Làng gốm 500 tuổi ở Hội An
(Dân trí) - Du khách đến phố cổ Hội An thường thấy các bà các chị hàng rong bày bán những con thổi hay những quà lưu niệm khác được chế tác từ đất nung. Đó chính là những món quà từ làng gốm Thanh Hà - làng gốm có hơn 500 tuổi ở Hội An.
Từ trung tâm phố cổ Hội An đi về hướng tây độ chừng hơn 3km là đến làng gốm Thanh Hà. Làng gốm hình thành từ thế kỷ 15 bên dòng hạ lưu sông Thu Bồn đến nay vẫn còn nhiều nhà nghề đỏ lửa.
Theo nhiều ghi chép, tổ tiên của làng nghề di cư từ tỉnh Thanh Hóa phía Bắc vào đến đây và an cư lạc nghiệp. Làng nghề có thời kỳ phát triển cực kỳ hưng thịnh. Có thời ở Thanh Hà nhà nhà làm gạch. Khi ấy “từ sáng sớm đã nghe tiếng người vác đất đổ thành “cây” kêu phành phạch, rồi tiếng nhồi đất đổ vào khuôn in gạch. Những buổi chiều trời sắp mưa giông, mọi người lại tất tả, vội vã lo thu dọn sân gạch đang phơi hay đậy lại những hàng gạch chưa nung” (ghi chép ở Công viên đất nung Thanh Hà).
Sau một thời gian dài suy thoái, làng nghề lại trở mình sống lại theo bước chân du khách đến thăm làng gốm ngày một đông hơn. Có thể nói làng gốm Thanh Hà ngày nay như một bảo tàng sống với những nguồn tư liệu quý giá để tìm hiểu nghề gốm cổ truyền Việt Nam, cũng như đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân nơi đây.
Down, một nghệ sỹ nghệ thuật sắp đặt đến từ Hà Lan đã có nhiều năm làm việc với chất liệu đất sét nói rằng khi ông ta nhìn thấy bàn chuốt xoay đều, và những sản phẩm gốm dần hình thành dưới đôi bàn tay điêu luyện của nghệ nhân làng nghề nơi đây, ông ta có cảm nhận như nhìn thấy một dãy ngân hà.
“Tôi đã thử làm gốm theo cách của nghệ nhân làng gốm Thanh Hà. Và tôi thật sự nể phục họ. bàn chuốt xoay với tốc độchậm,và tư thế ngồi chuốt gốm cũng khá khó khăn, thế nhưng họ làm công việc của họ trông thật nhẹ nhàng, uyển chuyển. Tôi khó có thể làm được như họ trong cùng một điều kiện như thế” - Down nói với PV Dân trí khi ông ở lại làng gốm Thanh Hà đến 3 tuần để tìm hiểu làng nghề truyền thống có hơn 500 tuổi ở Hội An.
Đến Hội An, tự thuê một chiếc xe đạp với giá thuê từ 10- 20 nghìn đồng để đạp xe đến làng gốm, mua một tấm vé tham quan làng gốm 15 nghìn đồng (bao gồm trong đó một món quà lưu niệm của các nghệ nhân làng gốm) và tìm hiểu làng nghề truyền thống, tìm hiểu bản sắc văn hóa bản địa trong khung cảnh làng quê yên bình giữa mênh mông sông nước Thu Bồn sẽ là một trải nghiệm đẹp mà không hề quá tốn kém trong kỳ nghỉ ở Hội An.
Khánh Hiền