Lạ lùng món "tôm bò trên cây" của người xứ Lạng

Khôi Vũ

(Dân trí) - Gọi là "tôm rừng" là bởi loài này có hình dáng khá giống với loài tôm nhưng lại thuộc dòng côn trùng. "Tôm rừng" có kích thước nhỏ, con nào to chỉ bằng ngón tay út của người lớn.

Kì lạ món tôm bò trên cây của người xứ Lạng

Nhắc đến ẩm thực Lạng Sơn, nhiều người nghĩ ngay đến các món ăn nổi tiếng như: khâu nhục, vịt quay, thịt lợn quay… Nhưng còn có một món ăn dân dã mang hương vị núi rừng của người Tày, Nùng ở một số vùng miền núi - ngon, lạ miệng nhưng không phải ai cũng biết, đó là "tôm rừng".

Món ăn lạ này tuy ngon nhưng giá thành khá cao, khoảng hơn 300.000 đồng/kg, và không phải lúc nào cũng có. "Tôm rừng" sống ở trong rừng rậm, để bắt chúng lại tùy thuộc theo mùa.

Vào mùa mưa rào tháng 6, tháng 7 Âm lịch là thời điểm tốt nhất để người Nùng lên núi trồng ngô cũng là thời gian họ đi sâu vào trong rừng săn mật ong và bắt "tôm rừng".

Gọi là "tôm rừng" là bởi loài này có hình dáng khá giống với loài tôm nhưng lại thuộc dòng côn trùng. "Tôm rừng" có kích thước nhỏ, con nào to chỉ bằng ngón tay út của người lớn. Và loài này có đôi chân tựa như con cào cào, toàn thân có màu xám trong, hơi nhàn nhạt.

Đầu tôm rừng nhỏ như con tôm nhưng lại ít râu hơn. Và có lẽ chính từ hình dáng kỳ dị cùng thói quen ưa sống ở những nơi có khí hậu ẩm ướt, cây cối rậm rạp, hay trú trong hốc cây to mà chỉ trong rừng sâu mới có, người ta mới gắn cho chúng cái tên khá lạ "tôm rừng".

Lạ lùng món tôm bò trên cây của người xứ Lạng - 1

"Tôm rừng" bám trên cây.

"Tôm rừng" dù là món khoái khẩu, khá lạ và độc đáo, nhưng cũng kén người ăn vì có thể gây dị ứng.

Theo kinh nghiệm của người săn bắt thì tôm rừng thường chỉ sống trong hốc cây. Những khu rừng gần nơi con người sinh sống còn khá ít "tôm rừng" bởi nhiều người săn bắt. Để bắt được "tôm rừng" người dân phải đi xa vào các khu rừng sâu.

Loài "tôm rừng" rất khôn, chúng biết có người đến gần là thi nhau chạy trốn. Thợ săn phải dùng một cái vợt để bắt "tôm rừng". Khi vợt thường chỉ bắt được khoảng 10 con/lần. Các con "tôm rừng" khác rất nhanh chạy thoát thân vào các hốc cây và không bò ra ngoài nữa.

Lúc đấy người bắt tôm phải lấy cành cây luồn vào trong mà nhẹ nhàng lùa đuổi chúng ra. Một người luồn cành cây, một người chờ sẵn thấy chúng thò ra là phải chộp ngay lấy.

"Tôm rừng" sau khi bắt được, muốn chế biến thành món ăn phải cẩn thận nhặt bỏ đầu rồi rửa sạch. Món "tôm rừng" ngon nhất vẫn là rang với lá gừng, lá chanh. "Tôm rừng" được rang với gừng và nêm thêm chút muối, mắm là có thể thưởng thức được. 

Lạ lùng món tôm bò trên cây của người xứ Lạng - 2

"Tôm rừng" được rang với lá gừng ăn rất thơm ngon.

Món "tôm rừng"  khi đó dậy lên mùi thơm ngây ngất pha chút bùi bùi không thể nào cưỡng lại được.

Ngày xưa hoàn cảnh khó khăn nhà nào cũng thiếu thức ăn, người trong làng kéo nhau đi bắt từng con tôm, con tép, đào từng củ sắn, củ mài… để ăn cho qua ngày. Bây giờ xã hội đã phát triển, có rất nhiều đồ ăn ở ngoài chợ, ngoài phố, trong siêu thị, nhưng "tôm rừng" vẫn là món ngon nhiều người tìm kiếm.

Đến mùa "tôm rừng" người trong xóm núi lại đi săn tôm bán để kiếm chút tiền chi trả cho sinh hoạt hàng ngày, hoặc nhớ hương vị của nó, thì chế biến cải thiện cho bữa ăn của gia đình thêm phong phú.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm