Ký sự Slovenia - dành cho những người thích du lịch thiên nhiên

(Dân trí) - Từ ngày cô người mẫu xinh đẹp Melanie lên chức đệ nhất phu nhân nước Mỹ, người ta nghe nói nhiều hơn tới địa danh Slovenia. Theo tục truyền của người dân bản xứ, khi Chúa tung từ cái bị của mình ra làm nên các nước trên thế giới, một hại bụi nhỏ bị dính lại ở đáy bị. Sau này Chúa ném hạt bụi đó xuống giữa châu Âu, làm nên nước Slovenia bé nhỏ được đền bù bằng tất cả báu vật mà các nước khác có: rừng, biển, núi non, sông hồ, hang động…

Thời mới sang du học ở châu Âu, tôi còn rất mơ hồ, lẫn lộn Slovenia với Slovakia vì nhớ rằng, thời trước chỉ có nước “Nam tư cũ”. Trên thực tế, từ năm 1948, lãnh đạo của Slovenia - ông Tito đã chống lại đường lối của Stalin để mở cửa về phía Tây. Và tới năm 1991, Slovenia chính thức trở thành một quốc gia độc lập.

Với tiềm năng có sẵn, đất nước bé nhỏ vỏn vẹn 2 triệu dân này đã phát triển rất nhanh trong thời gian qua, gia nhập EU và là một nước “ Đông âu cũ” đầu tiên tiêu tiền Euro. Ngoài những báu vật thiên nhiên, người Slovenia còn nổi tiếng về tính cần cù chịu khó, chăm chỉ và sạch sẽ.

Hồ Bled

Xứng đáng với tên gọi: “chiếc hộp báu vật”, hồ Bled như một viên ngọc xanh nằm giữa những dãy núi cao vút, trên đỉnh còn phủ tuyết trắng. Đây là trung tâm nghỉ mát nổi tiếng của Slovenia với nhiều thể loại thể thao như đua thuyền, bơi lội, đi xe đạp, leo núi…

Tôi tới hồ lúc nắng chiều sắp tắt. Cả mặt hồ óng ánh những tia màu bạc của mặt nước phản chiếu, lác đác vài chiếc thuyền giống hệt Gondola ở Venice chở khách về bến trong tiếng chuông nhà thờ. Phong cảnh thanh bình đẹp đến thắt tim. Bỗng dưng tôi nhớ tới hồ Gươm. Giữa hồ cũng có một hòn đảo nhỏ với mái nhọn của tháp chuông nhà thờ cổ mang tên: Mother of God. Muốn vào nhà thờ để kéo chuông, bạn phải mua vé. Đổi lại, nghe nói tháp chuông này rất linh thiêng, cầu được ước thấy.

Hồ Bled bình yên và phẳng lặng.
Hồ Bled bình yên và phẳng lặng.

Chu vi hồ Bled đúng bằng hai vòng hồ Gươm, đi bộ thong dong chắc chỉ mất khoảng 1 tiếng rưỡi. Ở mỗi hướng nhìn, hồ lại có cái đẹp riêng, không thể không dừng lại trầm trồ ngắm nghía, nhất là vào lúc hoàng hôn: chỗ lấp lánh ánh đèn của những tòa nhà nghỉ mát bên hồ, chỗ đỏ rực màu của trời chiều sau đỉnh núi, chỗ lên cao nhìn bao quát cả hòn đảo giữa hồ, chỗ lại gần nhà thờ đến mức nhìn rõ cả tháp chuông trên đỉnh.

Có lẽ hồ Bled của Slovenia cũng nổi tiếng như làng hồ Hallstatt của Áo, nên lượng du lịch tới đây khá đông. Muốn chụp ảnh hồ với mặt nước phẳng lặng, tôi phải dậy từ 6 giờ sáng. Tiết trời mùa thu lúc sáng sớm khá rét với làn sương mỏng là là trên mặt hồ. Không gian tĩnh lặng chỉ có tiếng chim sẻ, chim sáo đen líu ríu truyền từ cành này sang cành khác, vài người câu cá qua đêm và một hai người chạy tập thể dục sáng. Khi những tia nắng mặt trời bắt đầu le lói, không hiểu từ đâu một bầy thiên nga bơi tới. Chúng bơi rất chậm, vươn cái cổ dài mềm mại ngoái sang bên này bên kia như đôi chân các vũ nữ trong vở ba lê Hồ thiên nga.

Hồ Bled được ví như một viên ngọc xanh nằm giữa những dãy núi cao vút.
Hồ Bled được ví như một viên ngọc xanh nằm giữa những dãy núi cao vút.

Để ngắm toàn bộ hồ Bled từ trên cao, có hai khả năng: một là lên đỉnh ngọn núi cạnh đó bằng đường bộ, hai là đi xe lên thành cổ cạnh hồ bằng xe. Do đi cùng trẻ con nên chúng tôi chọn phương án hai. Ngày trời nắng, đứng từ trên thành có thể nhìn ra xa tới hàng chục km. Trời mùa thu xanh biếc, núi xanh sẫm hay trắng, cây ngả màu vàng ruộm và đỏ, nước hồ tùy chỗ ánh nắng chiếu vào mà đủ các mảng xanh ngọc hay xanh rêu khác nhau. Từng đấy thứ thôi cũng đủ xứng đáng để lên thành ngồi ăn sáng, mặc dù một số du khách lại bất bình vì “chẳng có gì xem mà cũng bán vé”.

Nơi thăm quan duy nhất trên thành là tháp thờ thánh chỉ vài mét vuông với một phần còn lưu giữ lại của bức tranh cổ được ghi chú thích đã 1000 năm. Sợ mình đọc không chính xác, khi xuống phòng bán đồ lưu niệm ở dưới, tôi có hỏi lại, anh bán hàng hãnh diện trả lời : “ Không phải 1000 năm đâu mà tới ngày hôm nay là 1006 năm rồi”.

Vintgar

Sông Radovna chảy len lỏi qua những khe núi Blejski Vintgar dài 1600m cũng là một địa điểm du lịch thiên nhiên đặc biệt của Slovenia. Đường đi bé tí tẹo, nhiều đoạn chỉ vừa cho một người chui qua, rất nhiều cầu gỗ bắc qua núi, mùa hè chắc chật cứng khách du lịch. Vậy mà tuyệt nhiên không thấy một túi rác nilon hay vỏ hộp nước vứt ra đường. Người Sloven rất có ý thức về môi trường, nếu bạn vứt rác bừa bãi, hoặc sẽ bị dân nhắc nhở bắt bỏ vào thùng rác, hoặc sẽ bị gọi công an đến phạt.

Khung cảnh hùng vĩ ở Vintgar.
Khung cảnh hùng vĩ ở Vintgar.

Đứng giữa những vách núi cao vút ngắm dòng chảy của sông, cảm thấy con người thật bé nhỏ, chỉ có cách sống theo quy luật và tôn trọng thiên nhiên. Cuối đường có trạm nghỉ dừng chân, uống cốc trà nóng rồi xuống điểm sông Radovna, chia tay khe núi chảy từ độ cao 16m xuống.

Hồ Bohinj

Cách hồ Bled khoảng vài chục km là hồ Bohinj to nhất Sloven, không được đi xe vòng quanh hồ vì có đoạn thuộc về rừng quốc gia. Tôi chưa từng thấy hồ nào mà nước lại trong và sạch đến như vậy. Đứng trên bờ nhìn rõ từng viên sỏi vàng long lanh dưới đáy.

Xung quanh hồ rất nhiều điểm cho thuê thuyền kanu nhỏ như một thân cây gỗ. Thoạt nhìn tưởng dễ, bởi có những phụ nữ đứng tuổi cũng chèo rất thành thạo, nhưng thực ra để giữ được thăng bằng trên chiếc thuyền đó cũng phải có thời gian luyện tập. Truyền thống các môn thể thao dưới nước của Sloven rất tốt, các đội bóng nước, chèo thuyền thường xuyên giật giải trong các kỳ thi đấu châu Âu và thế giới.

Slovenia có tới 150 ngọn núi cao trên 2000m so với mực nước biển. Khu trượt tuyết Vogel cạnh hồ Bohinj có cáp treo lên cao khoảng 1500m. Từ trên đó nhìn xuống, mặt hồ đúng như một tấm gương của tự nhiên, phản chiếu toàn bộ những dãy núi bao quanh.

Rừng quốc gia Triglav

Một nửa diện tích của Slovenia là rừng núi. Vậy nên ở đây người ta thường nói: “ai chưa trèo lên đỉnh núi ở Triglav, chưa phải là đàn ông”. Chúng tôi chỉ đi một đoạn trong rừng, trèo lên 500 bậc thang đá để tới xem thác nước Savica.

Rừng quốc gia Triglav.
Rừng quốc gia Triglav.

Trên đường đi, tôi nhớ đến một câu nói: “hạnh phúc không phải là điểm đến mà hạnh phúc là con đường đang đi”. Đúng thế thật, rừng Triglav mùa thu đẹp rất đặc biệt. Lá cây hầu như đã rụng hết, tạo nên một thảm lá vàng dày đặc, những thân cây thẳng đứng đều tăm tắp và rất nhiều những tảng đá vôi trắng nằm rải rác khắp khu rừng.

Hình ảnh giống trong chuyện Alice lạc vào xứ sở thần kỳ, có cảm giác như mỗi tảng đá đều là một sinh vật, bất cứ lúc nào cũng có thể di chuyển hay nhảy múa được, chỉ vì do một phép thần chú nào đó mà nằm im hóa đá dưới thân cây. Những bộ rễ cây gồ ghề, ngoằn nghèo bò lên trên mặt đất hoặc bao bọc xung quanh các tảng đá tự nhiên đánh dấu thâm niên của rừng.

Thác nước Savica hùng vỹ nhưng không kém phần thơ mộng.
Thác nước Savica hùng vỹ nhưng không kém phần thơ mộng.

Thác nước Savica chảy từ trong lòng núi đá xòe ra như bộ tóc của một cô gái. Có thể có nhiều thác nước to hơn thác Savica, nhưng điều đặc biệt ở đây là màu xanh của nước khi rơi xuống thung lũng giữa lòng núi, xanh đến nhức cả mắt và xóa sạch mệt mỏi của đoạn đường leo bậc tới đây.

Thủ đô Ljubljana

Với dân số chỉ 280 nghìn người, thủ đô của Slovenia được mệnh danh là “ thành phố của tình yêu” vì đi tới đâu cũng có hình trái tim. Trên cây cầu nhỏ bắc qua sông ở trung tâm thành phố, hàng nghìn chiếc khóa tình yêu đủ màu sắc, hình dáng treo dọc hai bên thành cầu. Chẳng biết những chiếc khóa đó có thật sự giữ lại được tình yêu hay không, nhưng cùng nhau đi thăm các thành phố đẹp chắc chắn là một trong những phương án hiệu quả.

Những ổ khóa treo trên cầu.
Những ổ khóa treo trên cầu.

Do chiều xuống ngại vào thăm bảo tàng trong thành cổ, chúng tôi chỉ đi dạo bên ngoài và ngồi dưới tán lá vàng ngắm thành phố. Hóa ra, người dân quanh vùng cũng lên đây rất nhiều, ai cũng cố gắng tận hưởng nốt những tia nắng vàng cuối thu. Ngay cạnh chiếc cầu có bốn con rồng biểu tượng của thành phố, có một cái chợ ngoài trời, món thịt băm nướng được tẩm ướp rất ngon, ăn một phần lại phải cho lũ chim sẻ và bồ câu vây quanh một phần.

Khi thành phố lên đèn, các cặp trai gái dập dìu dắt nhau đi dạo dọc bờ sông. So với tỷ lệ thành phố, khu trung tâm khá rộng rãi, không có xe cộ được vào nên yên tĩnh sạch sẽ hơn hẳn trung tâm các thành phố khác. Có người ví Slovenia sạch như Thụy Sỹ quả không sai. Ljubjana được vinh danh “Thành phố xanh nhất châu Âu năm 2016 ”

Hang đá vôi Postojnska và Skocjanske

Đối với tôi, ấn tượng nhất trong chuyến đi Sloven là khi chui xuống lòng hang đá vôi Postojnska. Nằm ở phía Nam gần với biên giới Ý, vùng núi Notranjska có hệ thống hang động tới hơn 8000 cái và hiện nay vẫn đang phát hiện ra tiếp.

Hệ thống hang động ở Slovenia khá phong phú và đa dạng.
Hệ thống hang động ở Slovenia khá phong phú và đa dạng.

Hang Postojnska được đánh giá là hang đá vôi to đẹp nhất châu Âu. Với chiều dài gần 21km và hơn 5km được mở ra cho khách du lịch viếng thăm, hang Postojnska là hang đá vôi duy nhất trên thế giới có đường tàu điện thâm niên 140 tuổi đi bên trong, được bầu là hang đá vôi có chiếu ánh sáng đẹp nhất, đường đi thuận tiện nhất và đón nhiều khách tới nhất trên thế giới.

Một chi tiết khá thú vị rằng, hang Postojnska được mắc điện trước cả khi thủ đô Ljubljiana có điện. Thật khó hiểu nổi. Có lẽ từ cách đây hơn 200 năm, hang đá vôi này đã là một địa điểm du lịch nổi tiếng, tất các các giới quý tộc, vua chúa, hoàng đế châu Âu đều đã có mặt tại đây. Hiện nay theo thống kê, đã có 36 triệu người từ 150 nước trên toàn thế giới tới thăm Postojnska.

Mặc dù lượng người rất đông, vé vào cửa tương đối đắt, nhưng có lẽ không thể chê trách gì được về khâu tổ chức. Tất cả các đoàn đều có hướng dẫn viên hay Audioguide chỉ dẫn tỉ mỉ. Trung bình, mỗi khách ở trong hang khoảng 2 tiếng, vậy mà không có một phút giây nào có thể cảm thấy chán hay mệt, bởi cảnh tượng trong hang vượt quá nhiều trí tưởng tượng của con người.

Các khối thạch nhũ với nhiều hình thù cho du khách thỏa sức tưởng tượng.
Các khối thạch nhũ với nhiều hình thù cho du khách thỏa sức tưởng tượng.

Hang được hình thành từ hàng triệu năm trước khi sông Pivka gặp vùng núi đá vôi: cứ một trăm năm, nếu không bị can thiệp vào, nhũ đá vôi mới dài ra 1cm. Qua đó mới có thể nhẩm tính được độ tuổi của những khối đá khổng lồ trong hang. Tùy theo mật độ canxi hay sắt trong vùng núi nước chảy qua mà các nhũ có màu sắc khác nhau: cái vàng óng, cái trắng tinh, cái đỏ rực… đủ các loại hình khối như hình tháp nghiêng Pisa, hình chúa Jesu, hình mẹ ôm con, hình hàm cá mập…

Hai nhũ đá trở thành biểu tượng của Postojnska là cặp đôi “cô dâu chú rể” cao mấy chục mét đứng cạnh nhau: một bên màu vàng đỏ, một bên trắng muốt trong một căn phòng đầy rèm nhũ óng ánh. Thiên nhiên thật khéo tạo lên những điều mà con người ta cũng khó hình dung ra nổi. Khi ra khỏi hang, cảm giác lâng lâng còn rất lâu, cứ như anh Từ Thức lạc vào động tiên rồi về lại làng mình không nhận ra ai nữa.

Vé vào động Postojnska có bán kèm vé vào thăm một lâu đài trong hang đá Predjama. Người thích lịch sử sẽ dừng tại đây lâu vì các truyền thuyết về chủ nhân lâu đài ly kỳ như Robin Hood. Tài tử Jackie Chan đã có lần chọn đây làm địa điểm quay phim và suýt bỏ mạng khi nhảy từ tường thành xuống vách đá dựng đứng. Xét về mặt nguyên lý hoạt động của lâu đài đá chắc hơi giống hầm trong địa đạo Củ Chi. Từ lâu đài, có hàng chục đường ngầm trong lòng núi thông suốt từ vùng này sang vùng khác, khiến các vua chúa Áo - Đức thời đó phải “bó tay”, không thể nào tấn công nổi.

Con người trở nên nhỏ bé giữa hang động kỳ bí.
Con người trở nên nhỏ bé giữa hang động kỳ bí.

Nếu như hang Postojsnka tạo cho con người ta cảm giác đúng như vừa trên Thiên đường trở về, hang Skocjan cách đó không xa - được UNESCO công nhận di sản thế giới từ năm 1986 mang lại cảm giác mạnh như thám hiểm dưới lòng đất. Hang Skocjan hùng vĩ hơn, nhiều thác nước và sông Reka chảy xiết hơn.

Chỉ đường đi được thắp đèn, sâu 180m dưới lòng đất và có chiếc cầu gỗ nổi tiếng bắc qua hai vách núi ở độ cao 41m. Những người sợ độ cao không nên đi vào hang này bởi cảm giác chênh vênh giữa các sườn núi theo suốt cả tuyến đường đi. Dấu vết của đoàn thám hiểm vào hang với những dây chằng bậc thang tự tạo vẫn còn ở mọi nơi. Có điểm đánh dấu cách đây hơn 100 năm, có lần nước sông đã lên cao hàng chục mét ngập cả đường đi.

Trong vài phút, cô hướng dẫn viên tắt hết đèn trong hang để trải nghiệm cảm giác tối hoàn toàn, chỉ nghe tiếng rì rầm của nước chảy trong hang đá. Chắc đã không ít người bỏ mạng khi khám phá hang này nên người Ý gọi hang này là “Cổng địa ngục” (San Canziano)

Piran

Biển Slovenia vỏn vẹn 43km. Phần lớn bãi biển là sỏi, nước trong nhưng lại nhiều con sứa. Thành phố biển Piran mang đặc phong cách Ý với quảng trường tròn giữa trung tâm ngay sát bến cảng, nhà thờ trên núi và những mái nhà ngói đỏ. Chúng tôi thuê phòng tại một khách sạn tư nhân. Anh chủ nhà niềm nở, vui vẻ, đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới và đặc biệt rất thích các nước châu Á như Myanmar, Lào, Campuchia… Anh ấy đã từng đến Viêtnam và hiện đang chat với một anh bạn ở Hạ Long.

Thành phố biển Piran mang đặc phong cách Ý.
Thành phố biển Piran mang đặc phong cách Ý.

Nếu đi bộ quanh thành phố Piran sẽ mất 30 phút, nhưng hai mẹ con tôi ra thuê xe đạp. Bà chủ nhà chẳng hỏi giấy tờ, cũng chẳng bắt đưa tiền đặt cọc, chọn cho chúng tôi hai cái xe nhỏ, lắp cả giỏ đựng đồ vào vì thấy tôi đeo túi máy ảnh. Bà ấy bảo đi một tiếng xong về cứ dựng xe trước cửa hàng, khóa lại vì lúc đó bà ấy đóng cửa rồi. Phải nói thêm rằng trong thành phố Piran cấm xe du lịch, chỉ người dân sống ở đó mới được đi xe vào và cũng rất ít chỗ đỗ xe, nên phóng xe đạp trên đường ven biển thật là sung sướng.

Piran chẳng có nhiều phố shopping hay cửa hàng souvenir, chỉ có không khí biển trong sạch, thơm lừng mùi hoa cỏ đến nỗi một cô gái đi ngược lại cũng có thể nhận ra mùi nước hoa cô ấy dùng. Dãy nhà hàng dọc bờ biển nhỏ, nhiều nhà hàng cổ, phục vụ nói tiếng Anh và tiếng Ý, luôn nở nụ cười trên môi. Khách khứa cũng toàn mặc quần áo thể thao hay đi giầy đạp xe, ghé vào uống cốc capuchino nóng ngắm hải âu trên biển rồi lại đi.

Đạp xe dạo chơi quanh thành phố là trải nghiệm rất thú vị.
Đạp xe dạo chơi quanh thành phố là trải nghiệm rất thú vị.

Slovenia chẳng có món ăn nào đặc sản. Nhưng chính xác với câu nói “muốn ăn đồ biển ngon phải đi ra biển”, nhà hàng hải sản rất tươi, tôm cua cá biển ngọt lừ, suất giành cho hai người bốn người ăn còn no căng bụng. Mọi thứ ở Piran đều xinh xinh, chầm chậm, đủ tiện nghi để nghỉ ngơi ngắm cảnh, nhưng cũng lại không quá ồn ào đông đúc để phải chen chân nhau.

Người Hungary có câu tục ngữ : “bé như hạt tiêu mà cay mạnh”. Cõ lẽ rất đúng với Slovenia, bởi đất nước nhỏ nhắn mà chứa đựng bao nhiêu cái đẹp của cả thiên nhiên lẫn con người.

Bs. Đặng Phương Lan

Budapest 2017.11.07