Đồng Tháp:
Kỹ sư “bỏ việc” về nhà chế thuyền du lịch năng lượng mặt trời
(Dân trí) - Tham quan vườn du lịch sinh thái, anh Liêm thấy khó chịu vì tiếng động cơ “rống” inh ỏi, chim cò bay tán loạn… Anh Liêm nghĩ đến việc chế thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời cho êm ả. Và anh đã làm được điều đó sau một năm bỏ công nghiên cứu.
Anh kỹ sư “bỏ việc” về quê sáng chế thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời mà chúng tôi muốn nói đến là kỹ sư Huỳnh Thiện Liêm, hiện cư ngụ tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Anh Liêm tốt nghiệp ngành điện tử trường ĐH Cần Thơ vào năm 1992. Sau hơn 20 gắn bó với ngành viễn thông và Sở Thông tin truyền thông Đồng Tháp, năm 2013, kỹ sư Liêm xin nghỉ việc về nhà mở cửa hàng chuyên lắp đặt điện năng lượng mặt trời cho người dân huyện Tháp Mười sử dụng khi bà con chưa có “cơ hội” sử dụng điện lưới quốc gia.
Nhờ đi du lịch…
Sau khi cùng anh Liêm trải nghiệm trên chiếc thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời do chính anh sáng chế, anh Liêm cho chúng tôi biết lí do anh bỏ công sức chế ra chiếc thuyền du lịch độc đáo này, anh Liêm nói: “Nói thật cũng nhờ mình đi du lịch, nhất là những lần đi tham quan các khu du lịch sinh thái, như Vườn Quốc gia Tràm Chim, Xẻo Quýt… Ngồi trên thuyền, tiếng máy nổ xình xịch, chim cò bay tán loạn… Hơn nữa, đã là khu du lịch sinh thái mà vẫn còn tiếng máy nổ, khí thải động cơ thì vấn đề môi trường chưa thể trong sạch được. Do vậy, tôi đã nghĩ đến việc chế ra một chiếc thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời, không tốn nhiên liệu, phù hợp với môi trường và nhất là du khách cảm thấy "nhẹ tai" khi không còn phải nghe tiếng động cơ”.
Đầu năm 2014, anh Liêm bắt tay vào việc biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Trước khi phát thảo bảng vẽ, anh Liêm nghiên cứu sách vở, tư liệu trên internet… Anh tìm hiểu thêm về thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời nhưng chẳng có mô hình nào anh ưng ý, phù hợp với đặc điểm sông ngòi của Việt Nam. Chính vì vậy, sau nhiều ngày nghiên cứu, anh Liêm bắt đầu thiết kế và nhận ra các bộ phận cần thiết để làm ra chiếc thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời, gồm: chiếc vỏ composite, tấm pin năng lượng mặt trời, mô tơ, bình ắc quy…
Sau khi xác định kết cấu cơ bản của “đứa con tinh thần” của mình, anh Liêm gặp trở ngại lớn trong việc “nối kết” các bộ phần đó lại với nhau để chúng hoạt động trơn tru. Về việc tạo ra dòng điện từ tấm pin năng lượng mặt trời rồi dẫn vào mô tơ cũng như tích tụ nguồn điện này vào bình ắc quy đều nằm trong tầm tay anh Liêm. Tuy nhiên khi đến phần thiết kế láp máy, chân vịt vào mô tơ để hoạt động là vấn đề nan giải đối với một kỹ sư điện tử như anh Liêm, chưa tính đến việc thiết kế phần mui thuyền và giá đỡ 2 tấm pin đòi hỏi đến kỹ năng cơ khí… Từ những “nút thắt” này, anh Liêm tìm đến thợ cơ khí Nguyễn Văn Dũng và chuyên gia sửa chân vịt Thái Văn Hoàng và thợ đụng nhiệt tình là anh Huỳnh Văn Chăng (thợ đụng – đụng đâu làm đó)
Từ khi anh Liêm được sự hỗ trợ từ anh Dũng, anh Hoàng, anh Chăng… công việc chế thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời của anh được thuận lợi hơn. Nhờ đó, “đứa con tinh thần” đầu tiên của kỹ sư Liêm bắt đầu hình thành sau mấy tháng liền 4 anh em cùng “lên bờ xuống sông” mày mò, sáng chế. Đến ngày 31/5, anh Liêm cùng các cộng sự của mình hạ thủy “thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời” - made in Việt Nam trước sự chứng kiến và thán phục của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Vườn Quốc gia Tràm Chim và đông đảo bà con ở xã Trường Xuân khi tận mắt nhìn chiếc thuyền của anh Liêm lướt sóng mà không tốn bất cứ loại nhiêu liệu nào.
Anh Nguyễn Văn Dũng – người phụ trách láp máy, mô tơ vui vẻ cho biết: “Lúc đầu khi nghe bạn Liêm nói về ý tưởng làm thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời tôi không khỏi ngỡ ngàng. Tuy nhiên, xét thấy sự hiểu biết của anh Liêm về nguồn năng lượng “trời cho” lâu nay là có cơ sở. Vấn đề là anh Liêm chuyển hóa nguồn năng lương này thành động cơ giúp thuyền di chuyển là xem như thành công một nửa. Do vậy, với sở trường của mình là máy nổ, cơ khí nên tôi đã đồng ý hỗ trợ anh Liêm hết mình theo những đơn đặt hàng khác người của anh Liêm”.
Riêng ông thợ có hơn 20 năm sửa chân vịt Thái Văn Hoàng nói: “Trong hàng ngàn cái chân vịt mà tôi sửa từ ngày ra nghề đến nay thì chưa có chân vịt nào mà tôi tốn nhiều công sức như cái chân vịt mà anh Liêm đặt hàng. Từ khâu chọn nguyên liệu chân vịt đến hình dáng rồi độ dày, mỏng các cánh… mọi thứ đều tỉ mỉ lắm mới có một cái chân vịt ưng ý như hiện nay.
Sẽ trang bị wifi trên thuyền…
Sau khi cùng anh Liêm và các cộng sự của mình trải nghiệm mấy lượt trên sông, ai nấy đều hài lòng nhưng nhà sáng chế Huỳnh Thiện Liêm nói: “Đến thời điểm hiện tại về nguyên tắc hoạt động của chiếc thuyền này xem như ổn. Tuy nhiên tôi nhận thấy thuyền còn nhỏ, nếu giữ nguyên kích cỡ thuyền thế này du khách chưa an tâm lắm khi ngồi trên thuyền. Trong lúc tôi đang suy nghĩ vấn đề này thì Ban quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim gửi cho tôi một mẫu thuyền composite và tôi rất ứng ý. Hiện tôi đang triển khai lắp ráp động cơ và hoàn thiện phần mui thuyền. Nếu mẫu này lọt vào mắt Ban quản lý Vườn quốc gia Tràm chim họ sẽ đặt thêm 5 cái nữa để phục vụ cho lễ hội du lịch vào tháng 9 tới”.
Theo quan sát của PV Dân trí, mẫu thuyền mới có chiều dài ngắn hơn chiếc vỏ lãi của anh Liêm nhưng bù lại có bề rộng gấp 3 lần. Do vậy, mẫu thuyền mới có thể chở đến 6 người. Phụ trách phần mui thuyền, anh Nguyễn Trung Kiên – một chủ cơ sở chuyên về inox ở TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Trước khi thiết kế, anh Liêm đưa ra yêu cầu phần mui phải chắc chắn và phải đẹp. Trên cơ sở này tôi chọn loại inox tốt nhất để làm khung mui thuyền, vừa chắc chắn vừa không bị rỉ sét. Ngoài ra, tại một số vị trí tôi thiết kế thêm hoa văn phù hợp với thuyền du lịch”.
Với mẫu thuyền mới này, anh Liêm cho biết ở phần đuôi thuyền anh bố trí động cơ và phần đầu thuyền là buồng lái; phần giữa là 6 ghế ngồi cho du khách. Khi phần động cơ và mui thuyền hoàn thiện, anh Liêm sẽ tập trung bố trí thêm một số tiện ích trên thuyền như: wifi, nơi sạc pin điện thoại, máy nghe nhìn… “Khi thuyền có hệ thống phát wifi, du khách có thể vừa thưởng ngoạn du lịch vừa có thể làm việc, như check, gửi mail hoặc khi du khách chụp được những tấm hình ưng ý muốn chia sẻ cho bạn bè những khoảnh khắc còn nóng hổi đó, du khách có thể thực hiện ngay mà không cần phải về khách sạn”. Anh Liêm phấn khởi chia sẻ.
Sau hơn 1 năm nghiên cứu và bắt tay vào sản xuất thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời, anh Liêm đã tiêu tốn hơn 200 triệu đồng và không ít lần anh cùng các cộng sự của mình nhận được những lời mỉa mai của bà con trong xóm. Nhiều bà con còn gọi nhóm anh Liêm là “bốn ông thần kinh”.Nhưng giờ đây, chẳng ai ngờ rằng anh Liêm đang sở hữu một chiếc thuyền chạy đạt tốc độ 20km/giờ mà không cần tốn một giọt xăng hay giọt dầu nào. Đặc biệt, khi trời không nắng, phần tích điện tự động trong ắc quy có thể giúp thuyền chạy xuyên suốt trong 3 giờ mới ngưng hẳn.
Trao đổi với PV, ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết: " Với ý tưởng sáng chế thuyền du lịch năng lượng mặt trời rất được các đồng chí lãnh đạo tỉnh quan tâm. Do đó, vừa qua đồng chí Bí Thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan tặng kỷ niệm chương cho anh Liêm và các cộng sự của anh, vì ý tưởng sáng chế thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời rất phù hợp với đề án phát triển du lịch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp từ nay đến 2025. Ngoài ra, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các ngành liên quan xem xét và hỗ trợ anh Liêm, như phần đăng ký bằng sáng chế, vốn liếng khi sản xuất và hỗ trợ luôn phần đầu ra cho anh Liêm nếu anh và các cộng sự sản xuất ra nhiều sản phẩm".
Hiện tại, Sở Khoa học Công nghệ Đồng Tháp, chính quyền địa phương đang hướng dẫn anh Liêm hoàn thiện hồ sơ đăng ký bằng sáng chế “Thuyền du lịch năng lượng mặt trời”. Nếu được công nhận, anh Liêm là người đầu tiên sáng chế thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên ở Việt Nam.
Nguyễn Hành