Dinh trấn Thanh Chiêm và những làng nghề truyền thống:
Kỳ 1: Bà chúa Tằm Tang và “con đường tơ lụa trên biển”
(Dân trí) - Du khách qua đất dinh trấn Thanh Chiêm xưa, nay ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), vẫn dừng chân ghé thăm nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu mà dân trong vùng tôn là Bà chúa Tằm Tang - người đã góp công đưa lụa của xứ Đàng Trong nối vào “con đường tơ lụa trên biển”.
Câu chuyện về Bà chúa Tằm Tang cuốn hút đời sau bởi giai thoại về mối tình đẹp của bà với chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601-1648) và một thời cực thịnh của nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở ngay đất dinh trấn Thanh Chiêm thời các chúa Nguyễn hồi thế kỷ 17.
Chuyện tình đẹp của cô thôn nữ hái dâu
Theo ghi chép trong Đại nam liệt truyện tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, tương truyền, trong một đêm sáng trăng, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan lúc bấy giờ còn là thế tử theo cha là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dạo thuyền chơi trên sông Thu Bồn ở đất dinh trấn Quảng Nam (đặt tại làng Thanh Chiêm nên còn có tên gọi dinh trấn Thanh Chiêm). Khi thuyền ngang qua làng Chiêm Sơn (nay thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), thế tử Nguyễn Phúc Lan bấy giờ đã nghe tiếng hát và phải lòng cô thôn nữ hái dâu nơi đây. Hỏi ra, cô thôn nữ ấy là Đoàn Thị Ngọc - con gái của Thạch Quận công Đoàn Công Nhạn. Hai năm sau, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho phép Nhân lộc hầu Nguyễn Phúc Lan kết duyên cùng Đoàn Thị Ngọc. Khi chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (Hiếu Chiêu Hoàng đế) lên ngôi, bà được phong là Đoàn Quý Phi, sau là Hiếu Chiêu Hoàng Hậu là mẫu hậu của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687).
Khi Hiếu Chiêu Hoàng Hậu qua đời ngay tại đất Dinh trấn Thanh Chiêm, chúa Hiền đã cho xây lăng mộ bà ở ngay quê hương Chiêm Sơn - lăng mộ nay vẫn còn và là di tích lịch sử cấp quốc gia. Chúa Hiền còn cho xây nhà thờ Đức Bà bên bờ sông Sài Thị Giang. Sau trải bao thiên tai, vật đổi sao dời, nhà thờ Đức Bà bị hư hại, được xây dựng lại nhiều lần, cuối cùng đến đời vua Gia Long sau khi lên ngôi năm 1802 đã cho xây lại nhà thờ Đức Bà khang trang đến nay vẫn còn ngay trên đất dinh trấn Thanh Chiêm xưa.
Lụa xứ Đàng Trong danh tiếng
Lại nói về Đoàn Quý Phi lúc còn sinh thời, khi đã là vợ chúa, bà vẫn nhớ và giữ nghề xưa. Khi trở lại dinh trấn Thanh Chiêm ở cùng con trai là Dũng lễ hầu Nguyễn Phúc Tần (sau này là chúa Hiền), bà đã góp công sức lớn trong việc khuyến khích nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của xứ sở phát triển cực thịnh hồi thế kỷ 17 - khi mà Hội An ở ngay đó là một cảng thị Faifo sầm uất. Từ cảng thị Faifo, lụa của xứ Đàng Trong đã theo “con đường tơ lụa trên biển” nổi tiếng thời bấy giờ đi khắp thế giới. Do đó mà dân chúng trong vùng suy tôn Đoàn Quý phi là Bà chúa Tằm Tang.
Hàng năm, tàu thuyền của Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan… đã đến đây để mua tơ sống và các loại lụa. Mặt hàng lụa của xứ Đàng Trong vô cùng phong phú, có các loại lượt (lụa trơn và thưa), sa (lụa mỏng và trơn), the (lụa nhẹ và sáng), xuyến (lụa dày màu sáng), nhiễu (lụa trơn, dày và được nhuộm đen), van (lụa có hoa văn, chất lượng), đoạn (chất lượng lụa rất tốt), gấm (lụa cao cấp), là (lụa dệt từ tơ nõn, có đường sọc dọc theo chiều dài)...
Nhìn thấy những cánh đồng dâu trù phú khắp vùng, Giáo sĩ Christoforo Borri đến Cửa Hàn năm 1618 đã viết: “Người Đàng Trong không những cung cấp tơ cho nhu cầu của họ mà còn cung ứng cho Nhật Bản và đưa sang Vương quốc Lào để từ đó người ta lại chuyển đến Tây Tạng, bởi lẽ loại tơ này tuy không nhỏ mịn bằng loại tơ của Trung Hoa nhưng bền chắc hơn nhiều”.
Trong “Phủ biên tạp lục” khắc in năm 1776, Lê Quý Đôn cũng có ghi: “Ở Quảng Nam, lụa thuế chỉ lấy ở hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Điện Bàn, huyện Phú Châu nộp thuế hai ngàn ba trăm năm mươi tấm...Lụa mà Đoan Quận công (sau này là chúa Tiên Nguyễn Hoàng) trước đây đã lấy cống phú thì rộng một thước, dài ba mươi thước, dày như mắm sợi...” chính là nói tới lụa của xứ Đàng Trong mà Bà chúa Tằm Tang đã khởi nghiệp hưng tịnh từ thế kỷ 17.
Trải qua hơn 400 năm dâu bể, nghề lụa xứ Quảng cũng trải bao thăng trầm nhưng những bãi dâu, nong tằm, khung cửi vẫn còn đó trong những nếp nhà nghề. Du khách ngày nay ghé thăm nhà thờ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu ở Điện Bàn, có thể về thăm làng dệt Mã Châu hay làng dâu tằm Đông Yên - Thy Lai - chính là nơi Đoàn Quý Phi đã gặp Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan nay ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) hay ghé thăm Làng lụa Hội An - nơi mà du khách có thể khám phá và trải nghiệm từng công đoạn của nghề truyền thống từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.
Khánh Hiền