Kinh tế tư nhân có vai trò như thế nào với du lịch Việt Nam?
(Dân trí) - Trong tiến trình đổi thay của ngành du lịch Việt Nam suốt một thập kỷ qua, không thể không kể tới đóng góp của những doanh nghiệp tư nhân.
Nâng hạng du lịch Việt
Cuối năm 2019, ngành du lịch Việt Nam tự hào đón “cơn mưa giải thưởng” từ “Oscar của ngành du lịch thế giới" – World Travel Awards (WTA). Tại thị trấn mù sương Sa Pa, Hotel De La Coupole – MGallery nhận cú đúp giải thưởng: “Khách sạn có thiết kế hàng đầu thế giới” và “Khách sạn biểu tượng của thế giới”. Tại miền Trung, hàng loạt khu nghỉ dưỡng và khách sạn như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Premier Village Danang Resort và Mercure Danang French Village Bana Hills lần lượt được xướng tên trong hàng loạt giải thưởng danh giá như “Khu nghỉ dưỡng có kiến trúc đẹp nhất thế giới 2019”, “Khu nghỉ dưỡng biệt thự dành cho gia đình hàng đầu thế giới 2019”, “Khu nghỉ dưỡng chủ đề hàng đầu thế giới 2019”.
Tại phương Nam, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay khắc tên đảo Ngọc Phú Quốc lên bản đồ nghỉ dưỡng xa xỉ thế giới với hai giải thưởng “Khu nghỉ dưỡng và spa hàng đầu thế giới” và “Khu nghỉ dưỡng dành cho đám cưới sang trọng hàng đầu thế giới 2019”. Trong khi đó, Premier Village Phu Quoc Resort được vinh danh “Khu nghỉ dưỡng biệt thự biển hàng đầu thế giới”.
Các quần thể du lịch hàng đầu tại Việt Nam hiện nay cũng ghi dấu ấn tại WTA 2019 khi nhận nhiều giải thưởng quan trọng. Trong đó, Sun World Fansipan Legend lần đầu đưa Sa Pa đến với thế giới bằng giải thưởng danh giá “Điểm du lịch văn hóa hấp dẫn hàng đầu thế giới 2019” và Sun World Ba Na Hills tại Đà Nẵng được vinh danh Khu du lịch có “Hệ thống cáp treo hàng đầu thế giới 2019”.
Những cái tên kể trên đều được kiến tạo, phát triển bởi Tập đoàn Sun Group, một trong những nhà đầu tư du lịch hàng đầu tại Việt Nam. Chia sẻ cảm xúc khi “những đứa con tinh thần” liên tục được vinh danh ở tầm quốc tế, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho biết: “Khi chọn con đường đầu tư vào du lịch hết sức khó khăn, chúng tôi chỉ có một khát khao lớn nhất là được thấy cái tên Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế, để người Việt có thể ngẩng cao đầu tự hào bước ra thế giới”.
Khát vọng đó đang dần được hiện thực hóa trên khắp dải đất hình chữ S. Ở mỗi địa bàn mà Sun Group đặt chân tới, tập đoàn này đều để lại những dấu ấn góp phần thay đổi căn bản chất lượng du lịch và khởi sắc nền kinh tế địa phương. Cùng với đó, các doanh nghiệp tư nhân khác đã chung tay, góp sức "lột xác" nhiều điểm đến Việt Nam, với sự đầu tư bài bản, trách nhiệm, xóa bỏ hình ảnh du lịch giá rẻ, manh mún và “chặt chém” trước đây để hướng đến sự phát triển bền vững và lâu dài, mang lại nguồn thu lớn hơn cho địa phương và quốc gia.
Những vùng đất đổi thay
Trong chiến lược phát triển du lịch định hướng giai đoạn 2020 - 2030, Việt Nam cần nguồn lực 90 tỷ USD, trong đó Nhà nước đóng góp 8 - 10%, còn tư nhân đóng góp 90 - 92%. Con số này đã cho thấy nếu không có nguồn lực từ tư nhân, khó đạt được những mục tiêu nhà nước đề ra trong phát triển du lịch.
Nhìn lại giai đoạn 10 năm qua, các Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Sun Group, Vingroup, Vietravel… đã vươn mình trở thành những tổ chức du lịch lớn, phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch khác nhau từ khách sạn, khu vui chơi giải trí, lữ hành… cho đến hạ tầng du lịch như hàng không, cảng biển, sân bay, cao tốc, đóng góp không nhỏ vào sự lớn mạnh của du lịch nước nhà.
Trên bản đồ Việt Nam, những điểm đến làm nên chân dung của ngành du lịch Việt như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Lào Cai, Phú Quốc… đều có dấu ấn đậm nét của các tập đoàn tư nhân.
Có thể kể tới Phú Quốc, từ một hòn đảo “thiên đường ngủ quên” nay đã trở thành trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp của Việt Nam nhờ sự tham gia của các chủ đầu tư lớn như Sun Group, Vingroup, BIM Group và các nhà quản lý, điều hành khách sạn hàng đầu thế giới như JW Marriott, InterContinental, Hilton, Hyatt…
Nha Trang hút khách mạnh mẽ nhờ những khu du lịch quy mô như Vinpearl Land. Quy Nhơn trở thành điểm đến hút khách mới của miền Trung sau khi FLC đầu tư vào khu vực Eo Gió – Kỳ Co. Hay tại Tây Ninh, hệ thống cáp treo mới trong quần thể Sun World Ba Den Mountain mà Sun Group đang đầu tư tại đây bước đầu cũng đã đưa Bà Đen đến với hình ảnh một khu du lịch khang trang, văn minh, sạch đẹp hơn rất nhiều so với trước. Những bước khởi đầu này đủ để người ta đặt niềm tin rằng, tương lai, Bà Đen cũng sẽ trở thành một Bà Nà Hills của vùng Nam Bộ.
Đà Nẵng cũng vậy. Để có một "thành phố sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á" được khách du lịch quốc tế yêu thích như hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đã góp phần tạo nên hệ sinh thái du lịch đa dạng có thể nói đứng đầu cả nước. Từ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao, công viên vui chơi quy mô lớn cho tới các lễ hội đẳng cấp quốc tế như Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, carnival đường phố tới các lễ hội tưng bừng ở các khu du lịch như B’estival- lễ hội bia được gọi là “Oktoberfest phiên bản Bà Nà Hills” phục vụ nhu cầu giải trí của du khách, Đà Nẵng bởi thế mà cũng liên tục lọt top những điểm đến xu thế của thế giới.
Rồi tới đây, những “mỏ vàng” khác của du lịch Việt Nam như Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Tuy Hòa (Phú Yên)… sẽ dần khai lộ. Sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp tư nhân sẽ biến những nơi này thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi khám phá Việt Nam, tạo sức bật cho nền kinh tế Việt "hóa rồng". Đúng như nhận định của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên về đóng góp của kinh tế tư nhân với sự phát triển của du lịch: "Tầm vóc của các doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra sức bật mạnh, cao cho du lịch Việt Nam".