Không gian phủ vàng màu lá rẻ quạt của con đường lãng mạn nhất thế giới
(Dân trí) - Những đường cây bạch quả mang lại cho mỗi góc phố sắc màu rất riêng biệt. Khi thu sang, không gian nhuộm sắc vàng óng ả hòa cùng màu nắng. Vào mùa khác trong năm, hàng cây vẫn mang nét quyến rũ lạ kỳ.
Bạch quả hay còn biết tới với cái tên ngân hạnh, rẻ quạt là loại cây thân gỗ có sức sống rất mãnh liệt. Loại cây này được trồng trong những ngôi chùa có tuổi đời cả nghìn năm ở Trung Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt, bạch quả còn là loài cây chính thức của thành phố Kumamoto, hai lá của nó tạo thành biểu tượng của Đại học Tokyo. Trong khuôn viên trường cũng trồng một số cây rẻ quạt.
Nhật Bản có hơn 65.000 cây bạch quả được trồng trên khắp các con phố, công viên, thậm chí trong cả khu vườn. Người Nhật yêu mà mê say loại cây này cũng có lý do chính đáng. Sau cuộc ném bom nguyên tử ở thành phố Hiroshima, khi những loài thực vật khác đều chết đi, duy nhất chỉ riêng bạch quả vẫn sống ngạo nghễ đầy sức kiên cường trước thử thách khốc liệt của cuộc đời. Bởi vậy, cây bạch quả còn được coi là loài cây mang tới niềm hi vọng.
Là loại cây có sức bền bỉ tới hàng ngàn năm, hàng bạch quả càng trở nên thơ mộng vào dịp thu sang. Vào mùa lá đỏ ở Nhật Bản, khi các nẻo đường nhuộm đủ màu lá phong, thì hàng bạch quả cũng chuyển sang sắc vàng rực rỡ. Tới Tokyo vào mua thu, du khách đừng quên hàng cây bạch quả ở đại lộ Icho Namiki thuộc công viên Meiji-Jingu Gaien.
Đây là con đường dài chừng 300m được phủ kín hai bên bằng hàng bạch quả. Tầm tháng 11 hàng năm, thời tiết chuyển mùa cũng là lúc màu lá cây chuyển sắc. Những chiếc lá vàng ruộm phủ kín vỉa hè, góc phố, đôi lúc rơi xuống vạt áo khách qua đường. Đây cũng là thời điểm du khách đổ về viên Meiji-Jingu Gaien nườm nượp để thưởng ngoạn cảnh sắc tuyệt mỹ của thiên nhiên.
Nhịp sống ở Tokyo có hối hả tới đâu, khi tới bên hàng cây mướt màu lá, mọi bận rộn bên ngoài chững lại để con người có thời gian chìm trong không gian mới như một thế giới khác.
Việt Hà
Theo BP