An Giang:

“Khổ” như lên… Núi Cấm

(Dân trí) - Dù nói là sửa đường nhưng khi cho dân lên núi thì hàng chục tảng đá “khổng lồ” nằm ngỗn ngang chiếm hết đường lên núi. Người dân và du khách lên núi phải nhích từng chút một và ngán ngẫm vì đường đã bễ, nứt tanh bành vì đá núi.

Ngày 25/2, ông Phạm Văn Dũng, trưởng Ban quản lý khu du lịch Núi Cấm, huyện Tịnh Biên, An Giang cho biết việc đóng cửa đường lên Núi Cấm được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của UBND huyện Tịnh Biên để duy tu, sửa chữa đường lên núi nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách khi đến tham quan cúng viếng. Thời gian thực hiện khoảng một tuần. Người dân và du khách muốn lên xuống núi bằng đường bộ phải tuân thủ theo khung giờ quy định là buổi sáng bắt đầu từ 5 giờ đến 7 giờ 30, buổi chiều bắt đầu từ 16 giờ 30 đến 19 giờ 30. Đơn vị thực hiện cạy các tảng đá nguy hiểm trên núi xuống đường này là Cty TNHH Hữu Duẫn. Còn lại ai muốn lên núi đều phải di chuyển bằng đường cáp treo Núi Cấm.

Dù nói như thế nhưng đến hôm nay đã 3 ngày trôi qua (kể từ ngày 23/ 2) nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện. Chúng tôi có mặt vào 16 giờ chiều 25/2 ở phía dưới cổng gác có hàng trăm người dân và du khách chực chờ sẵn hơn một tiếng đồng hồ để được lên núi.

“Khổ” như lên… Núi Cấm - 1

Mỗi ngày gần đến giờ mở cửa lên núi Cấm, dân và khách du lịch tập trung rất đông dưới chân núi

Đúng 16 giờ 30 sau khi có lệnh cho xe lên núi, người dân dưới chân núi ùn ùn kéo nhau lên núi như “ong vỡ tổ”. Chạy lên núi chưa được 300m thì chúng tôi đã thấy nhiều tảng đá “khổng lồ” nằm ngỗn ngang gần như bít hết đường lên núi. Trong khi đó, thời điểm này là hàng trăm người dân và du khách trên núi và dưới núi đều muốn lưu thông nhưng phải ngán ngẫm khi nhìn thấy đá núi nằm liệt địa, mặt đường lên núi thì bị lún và bễ tứ tung…

Bà Dương Thị Tám, một du khách ở thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) ngán ngẫm nói: “Tôi đi núi được hai lần nhưng đây là lần đầu tiên thấy đá to như vậy mà nằm ở đường này. Làm kiểu này đâu còn sửa đường nữa mà nó hư nặng hơn rồi!”

“Khổ” như lên… Núi Cấm - 2

Những tản đá được xeo nại xuống nằm ngổn ngang và làm nứt toác mặt đường dẫn lên núi Cấm

Cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Quân, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên khẳng định, việc duy tu sửa chữa đường lên Núi Cấm là việc làm thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. “Nghĩa là tình hình Núi Cấm lâu lâu phải kiểm tra, kiểm tra thì phát hiện tảng đá nào không an toàn thì cạy xuống, mà cạy xuống hư hỏng là bình thường, rồi thì người ta làm lại cái đường, phục vụ du lịch đâu phải chỉ có đường đó. Còn cáp treo nữa mà!”

Dù thế nào nhưng việc thi công đá còn ngỗn ngang và hư hỏng nặng như thế này cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi Núi Cấm sẽ còn bao nhiêu lần sửa chữa đường như thế này nữa và dân núi sẽ sống ra sao khi đường đóng thường xuyên như thế.

Một số hình ảnh người dân khổ sở lên núi Cấm vì những tản đá "khổng lồ":

“Khổ” như lên… Núi Cấm - 3

Người dân phải chen chân lên núi Cấm thế này

“Khổ” như lên… Núi Cấm - 4

Những tản dá khổng lồ gần như che hết mặt đường lên núi Cấm...

“Khổ” như lên… Núi Cấm - 5

Mặt đường bị hư hỏng nặng

“Khổ” như lên… Núi Cấm - 6

Minh Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm