"Kho báu" gần 4.000 năm tuổi được tìm thấy dưới đáy biển
(Dân trí) - "Kho báu" bao gồm những món cổ vật với niên đại gần 4.000 năm tuổi, được tìm thấy ở khu vực ngoài khơi bán đảo Bozburun, tỉnh Mugla, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên con tàu thám hiểm Reis, nhóm nghiên cứu bắt tay vào dự án "Kiểm kê những con tàu đắm" ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại khu vực ngoài khơi bán đảo Bozburun, tỉnh Mugla của nước này, "kho báu" gồm hàng trăm món cổ vật với niên đại gần 4.000 năm được tìm thấy.
Được biết, dự án này được thực hiện dưới sự cho phép của Bộ văn hóa và du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn đang tiếp tục thực hiện. Những món cổ vật được tìm thấy có chất liệu bằng gốm và kim loại, thuộc thời kỳ đồ đồng vào khoảng thế kỷ thứ 18 trước Công nguyên.
Trong phạm vi nghiên cứu, cả nhóm đã tìm thấy những dấu vết được cho là thuộc về nền văn minh Minos ở vùng Marmaris-Bozburun, với những thông tin về các tuyến đường thương mại thời kỳ đồ đồng. Vốn đây là nơi thu thập được rất ít dữ liệu, nên đã thu hút sự chú ý của giới khảo cổ trên thế giới.
Các thợ lặn cũng đã tiến hành tiếp cận "kho báu". Họ tìm thấy hàng trăm chiếc bình nón, cốc, quả cân, nồi bếp, đồ gốm sứ và rìu đá...
Theo PGS.TS Harun Özdaş đến từ Viện công nghệ và khoa học thuộc trường đại học Dokuz Eylül, "đây là bộ sưu tập đồ gốm dưới nước lớn nhất từ trước tới nay ở Thổ Nhĩ Kỳ".
"Chúng tôi tìm thấy những món cổ vật ở độ sâu dao động từ 3 - 30m. Chúng có thể đã bị hư hỏng trong quá trình chất hàng tại khu vực như bến cảng, tàu thuyền", PGS.TS Özdaş chia sẻ.
Cũng theo phân tích, những cổ vật có niên đại trùng với thuyền buồm của người Minos. Điều này có thấy có thể có tuyến đường thủy hình thành thời kỳ này để xuất khẩu đồ gốm từ Crete, Rhodes và bán đảo Bozburun tới khu vực Iassos, Troy...
Với phát hiện mới, nhóm nghiên cứu hi vọng sẽ hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa nền văn minh Anatolia và Minos, qua đó, giúp bổ sung thêm thông tin về tuyến đường thủy thương mại trong thời kỳ đồ đồng.