Khánh Hòa “đau đầu” vì quá nhiều lao động du lịch có trình độ đại học
(Dân trí) - Nhiều nghề trong ngành du lịch không cần đến tốt nghiệp đại học nhưng hầu hết lao động là đại học. Đó là một thực tế bất cập tại tỉnh Khánh Hòa, địa phương có thế mạnh vượt trội về du lịch, vừa được nêu ra tại kỳ họp HĐND tỉnh này.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, vào ngày 7/7, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hiện nay tại Khánh Hòa rất nhiều lĩnh vực, nghề trong du lịch không cần đến tốt nghiệp đại học nhưng hầu hết lao động là đại học.
“Điều đó thể hiện về phía cơ quan quản lý nhà nước có những hạn chế. Chính vì vậy, sắp tới phải phân luồng thế nào để các em học sinh nếu đã xác định theo ngành du lịch, những ngành nghề không cần đến đại học thì không cần phải học đại học, để chúng ta có hướng chuyển sang đào tạo nghề, có hỗ trợ từ đào tạo nghề”, ông Trần Sơn Hải phân tích.
Theo ông Trần Sơn Hải, hiện nay lao động trực tiếp trong ngành du lịch tại tỉnh Khánh Hòa khoảng 30.000 người, chưa kể lao động gián tiếp. Về tốc độ tăng trưởng phòng khách sạn: năm 2010 có hơn 11.000 phòng nhưng đến năm 2017 đưa vào khai thác khoảng 27.000 phòng khách sạn, tăng hơn gấp đôi.
Do đó, nhu cầu về lao động du lịch rất lớn, một thách thức đối với doanh nghiệp cũng như tỉnh Khánh Hòa. Ông Trần Sơn Hải cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Nội vụ trong tháng 7 này trình UBND tỉnh kế hoạch triển khai Nghị quyết về phát triển chương trình nguồn nhân lực, trong chương trình này có một mảng rất lớn về đào tạo nghề.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Trần Sơn Hải cũng lưu ý về phía sử dụng lao động, tức là các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch tuyển lao động để tránh trường hợp không tuyển được hoặc tuyển được rất ít.
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, dự báo đến năm 2020, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn sẽ cần thêm khoảng 40.000 lao động trực tiếp, tương đương tăng khoảng 10.000 lao động/năm. Trong đó, cần khoảng 8.000 lao động/năm trong hoạt động lưu trú; khoảng 1.300 lao động/năm trong hoạt động lữ hành.
Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, vấn đề cấp thiết hiện nay mà các doanh nghiệp cần, đó là chất lượng lao động, nhưng thực tế chất lượng đào tạo không phù hợp với tiêu chuẩn mà doanh nghiệp cần.
Cụ thể, kết quả khảo sát về đánh giá của những nhà tuyển dụng trong khối doanh nghiệp kinh doanh du lịch, có hơn 92% lao động khi tuyển dụng có trình độ ngoại ngữ không đạt yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp; rồi thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế, phải tổ chức đào tạo lại, tỷ lệ này chiếm hơn 84%.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh này đã đón hơn 2,6 triệu lượt khách lưu trú, tăng 22% so với cùng kỳ, với doanh thu ước đạt hơn 7.500 tỷ đồng, tăng 31%. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 940.000 lượt, tăng hơn 76% nhưng chủ yếu là khách Nga và Trung Quốc. Mặc dù 2 dòng khách nói trên tăng mạnh nhưng khách Châu Âu lại có xu hướng giảm sút.
Viết Hảo