Khám phá trung tâm mua bán lâu đời nhất đất Hà thành
(Dân trí) - Từ xưa người ta coi chợ Đồng Xuân là cái “dạ dày” của Hà Nội, sản vật các vùng miền đều đưa về bán ở đây. Đến nay, chợ Đồng Xuân vẫn là một trong những trung tâm buôn bán hàng hóa lớn của đất Hà thành.
Mỗi khi nhắc đến chợ ở Hà Nội, không thể không nhắc đến chợ Đồng Xuân.
Đây là trung tâm thương mại lớn nhất, lâu đời nhất ở Hà Nội. Sầm uất, nhộn nhịp nhưng không quá ồn ào, xô bồ. Cách thức buôn bán nhuần nhị của các bà, các mẹ đã phản ánh khá rõ nét phong thái của người Hà thành, tạo nên bản sắc văn hóa đất kinh kỳ.
Chợ Đồng Xuân là chợ xuất hiện đầu tiên và có lịch sử lâu dài gắn liền với sự hình thành và phát triển thương mại của đất Thăng Long. Nơi đây không đơn thuần là điểm giao thương mà còn có giá trị văn hóa, tinh thần phản ánh cuộc sống sinh hoạt của người dân Hà Nội.
Với địa thế thuận lợi, chợ Đồng Xuân trở thành nơi tập kết của những người buôn bán từ phía bắc xuống, từ trong nam ra.
Cùng với việc duy trì các phố buôn bán và sản xuất hàng thủ công truyền thống như Hàng Chiếu, Hàng Giấy, Hàng Đậu… Chợ Đồng Xuân còn là đầu mối phân phối, buôn bán hàng hóa, là trung tâm các hoạt động kinh tế của Hà Nội, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cả khu vực miền Bắc, thậm chí trong cả nước.
Do đó Đồng Xuân còn nổi tiếng là chợ có nhiều hàng hóa nhất. Mùa nào thức ấy, sản vật từ khắp các vùng miền trong cả nước đều có mặt ở nơi đây.
Chợ bán cả tôm, cá, cua miền biển, có măng, nấm, thịt nai vùng núi. Miền bắc mà có cả xoài Nam bộ, thanh trà miền trung, cà-phê Tây nguyên. Thời đi lại giữa các vùng còn khó khăn thì đây quả là một điều hiếm có.
Chợ Đồng Xuân ngày nay càng trở nên sầm uất, nhộn nhịp. Từ chợ trung tâm này, hình thành hàng loạt các chợ, các phố nghề vệ tinh xung quanh, tạo thành một mạng lưới chợ phong phú, đông vui, trao đổi thuận tiện.
Hàng hóa thì “thượng vàng hạ cám” đủ cả. Từ củ hành, củ tỏi cho đến vải lụa đắt tiền, người bán hàng ở đây thường bán buôn với số lượng lớn, hoặc bán cho người ở các tỉnh về đây cất hàng.
Các sản vật từ bắc chí nam, từ đông sang tây đều hội tụ về đây rồi tỏa đi khắp nơi. Văn hóa từ những nơi đó cũng theo chân người buôn bán về Kẻ chợ để giao lưu, hội nhập với văn hóa Tràng An, để rồi tỏa sáng như một điểm độc đáo không nơi nào có được.
Bài, ảnh: Hữu Thắng