Khám phá An Giang mùa nước nổi
(Dân trí) - Mùa nước nổi (từ khoảng tháng 9 đến tháng 11) là đặc trưng của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Vào thời điểm này, An Giang với rừng tràm Trà Sư, Búng Bình Thiên, chợ nổi Long Xuyên và những món đặc sản mang đậm hương vị miền sông nước,… sẽ là điểm đến thu hút nhiều du khách.
Mùa nước nổi là thời điểm thích hợp để du khách tới An Giang. Qua thời gian, mùa nước nổi dần trở thành một nét văn hóa chứa đựng nhiều vẻ đẹp mà chẳng nơi nào có được. Đây là một nét đặc trưng mà thiên nhiên ưu ái trao tặng vùng đất miền Tây Nam Bộ.
Những điểm đến cho mùa nước nổi
Điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá An Giang là rừng tràm Trà Sư - khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu.
Trà Sư là nơi sinh sống của hơn 70 loài chim tiêu biểu cho vùng ngập, trong đó có các loài quý hiếm: cò Ấn Độ, điêng điểng, cá trê trắng, sếu… Vào mùa nước nổi, du khách sẽ có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng hoa điên điển. Loài hoa này chỉ có vào mùa nước nổi, nổi bật với sắc vàng rực rỡ.
Rừng tràm Trà Sư thêm phần sinh động nhờ những cánh cò trắng
Rừng tràm Trà Sư vào sáng sớm được phủ một tấm thảm xanh ngọc bích, được kết lại từ những cánh bèo cám li ti sinh sôi nhanh chóng trên mặt nước. Đi thuyền xuyên rừng, du khách sẽ bị thu hút bởi cánh rừng biếc xanh bạt ngàn mênh mông, nở đầy những bông hoa tràm trắng tinh khiết.
Tại những chiếc lán bên bìa rừng, du khách có thể vừa thả hồn theo tiếng ca vọng cổ, vừa thưởng thức những món ăn đặc sản tươi ngon của vùng sông nước như cá linh nướng, cá lóc hấp bầu, gà nướng muối ớt, cá lóc rừng cuốn lá sen nướng trui, bông điên điển bóp giấm…,.
Đồi Tà Pạ (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) là hồ nước hình thành do việc khai thác đá.
Hồ Tà Pạ
Đến hồ Tà Pạ, bạn sẽ được ngắm cánh đồng lúa ở dưới chân núi, từng thửa ruộng như những tấm thảm lớn. Lên đến đỉnh đồi, thu vào tầm mắt là một hồ nước xanh trong phẳng lặng nằm ẩn mình bên sườn núi, mờ ảo phía sau là dãy Cô Tô hùng vĩ.
Giữa hồ là những tảng đá nhấp nhô, mang trên mình những bụi cây xanh rờn. Nước hồ ở mỗi khúc có màu sắc khác nhau, tùy vào độ nông sâu và màu của đá, có khúc màu xanh lục, có khúc màu xanh lơ, màu ngọc bích, khúc lại màu vàng, màu cam... Nước hồ trong tới mức du khách có thể nhìn thấy rõ những chú cá đang bơi lội tung tăng dưới nước.
Mặt hồ phẳng lặng như gương soi bóng núi non, cây cỏ tạo nên khung cảnh trữ tình, lãng mạn tựa như bức tranh thủy mặc sống động, huyền ảo.
Búng Bình Thiên (còn có tên gọi khác là hồ Nước Trời) là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền. Điều đặc biệt là vào mùa lũ, dòng nước đỏ nặng phù sa nhưng khi chảy vào cửa búng vài trăm mét thì nước lại trở nên trong xanh, phẳng lặng.
Đến Búng Bình Thiên, du khách sẽ có dịp đi thuyền trên mặt hồ ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên hữu tình với nhiều nét chấm phá sinh động; tham dự một số hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng người Chăm như: biểu diễn đua ghe ngo, đua bò, biểu diễn trang phục truyền thống, thi bơi... và một số lễ hội tôn vinh bản sắc văn hóa Chăm.
Chợ nổi Long Xuyên hoạt động từ khoảng 6h sáng đến 18h chiều mỗi ngày. Hàng ngày, mới tờ mờ sáng, ở khu vực bến sông này, hàng trăm ghe xuồng đã nối đuôi nhau tụ tập san sát.
Hàng hoá được buôn bán ở đây chủ yếu là nông sản với các loại hoa màu như rau, dưa, cà, cải, bí, khoai... hay các loại hoa trái miệt vườn như chuối, bưởi, dừa, thơm, quít, cam, đu đủ… Ngoài mua hàng, khách đi chợ còn có thể dùng điểm tâm với các món bánh canh, bánh tầm, bánh bò, hủ tiếu, chè đậu đỏ, cà phê...
Ẩm thực An Giang
Món mắm kho cá linh đậm đà béo ngậy với sả, ớt, cay nồng là đặc sản không thể bỏ qua nếu bạn có cơ hội đặt chân đến An Giang.
Lẩu cá linh non bông điên điển
Một cách chế biến khác của cá linh là nấu lẩu. Tùy từng địa phương mà món lẩu được nấu khác nhau, nhưng dù nấu như thế nào, món ăn này có hai nguyên liệu không thể thiếu, đó là cá linh tươi và bông điên điển. Bông điên điển vừa mới hái xuống còn tươi rói, cho vào nồi nước dùng đậm vị ngọt của cá, thưởng thức cùng một số loại rau khác. Đó là món ăn dân dã mà đáng nhớ của vùng sông nước miền Tây.
Đến Châu Đốc, bạn rất dễ bị mê hoặc bởi những sạp hàng bán mây gai- một loại quả đặc trưng mà chỉ An Giang mới có.
Mây gai màu cam, khi chín ngả sang hơi đen. Bên ngoài quả có gai nhỏ nhưng không nhọn, rất dễ bóc vỏ. Mây gai có mùi thơm vừa giống mít, vừa có chút hương của núi rừng. Sau khi bóc lớp vỏ gai, bạn sẽ được thưởng thức vị ngọt ngọt chua chua rất đặc trưng..
Gỏi sầu đâu cá sặc được chế biến khá đơn giản. Dưa leo thái mỏng, thơm cắt nhỏ vừa ăn, xoài thái mỏng hoặc xắt sợi. Khô cá sặc nướng hoặc chiên xé nhỏ, thịt ba rọi luộc cũng được cắt nhỏ, tất cả nguyên liệu trộn với chút gia vị.
Nước chấm là nước mắm me được chế biến đơn giản với nước me dầm đã lọc xác và đun sôi đến sệt, nêm nếm vừa ăn. Khi ăn món này cảm giác lúc đầu là vị đắng thanh kết hợp vị chua của nước chấm, càng nhai kĩ sẽ càng cảm nhận được vị ngọt của món gỏi sầu đâu.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp