Hội An:
Khai trương trung tâm giới thiệu sản phẩm của người Cơtu phục vụ du lịch
(Dân trí) - Chiều 17/11, tại TP Hội An, trung tâm giới thiệu nghề đan lát và sản xuất đẳng sâm của người Cơ Tu (Quảng Nam) đã được khai trương để giới thiệu đến du khách gần xa.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong tiểu dự án “Cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam” đã được Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ và VietCraft triển khai từ tháng 9/2019.
Tiểu dự án được thực hiện tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam bao gồm các huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang; đây là vùng sinh sống lớn nhất của dân tộc Cơtu tại Việt Nam.
Dự kiến số người hưởng lợi từ dự án là 2.400 người, trong đó hơn 95 % là người dân tộc thiểu số, sống phụ thuộc vào rừng tại khu vực vùng đệm các khu bảo tồn và rừng phòng hộ.
Dự án Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ hơn 450 hộ gia đình ở 10 xã thuộc 3 huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang tham gia các hoạt động phát triển vùng nguyên liệu mây và đào tạo nghề đan lát thủ công, phát triển thị trường nhằm tạo thêm thu nhập giúp bà con, giảm bớt sự phụ thuộc vào rừng.
Theo ông Lê Bá Ngọc - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Dự án có nhiều hoạt động từ 9/2019 đến nay, đồng bào Cơtu được tham gia học nghề đan lát, trồng mây, phát triển thị trường, chế biến đẳng sâm thành nhiều sản phẩm khác nhau…
Tất cả hoạt động đều hướng đến mục đích tiếp cận khách hàng và bán được hàng, từ đó người dân yên tâm về mặt sản xuất, phát triển sản phẩm.
“Ngoài việc tìm đầu ra sản phẩm, người dân cũng cần có sân chơi riêng để có thể tự giới thiệu, quảng bá đến khách hàng, đây chính là lý do trung tâm giới thiệu sản phẩm của người Cơtu khai trương tại Hội An.
Mỗi tuần sẽ có một nhóm bà con đồng bào Cơtu từ nhiều địa phương khác nhau của tỉnh Quảng Nam sẽ đến trực tiếp giới thiệu, bán hàng cho du khách tham quan…”, ông Lê Bá Ngọc nói.
Đến nay, 150ha nguyên liệu mây đã được trồng mới dưới những tán rừng và 50ha mây tự nhiên được bảo vệ, khai thác bền vững. Gần 250 hộ gia đình cũng đã được đào tạo nghề, tạo ra rất nhiều sản phẩm quà tặng và sản phẩm trang trí mới, bên cạnh các sản phẩm truyền thống xưa....