Đắk Lắk:
Khai mạc lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột ấn tượng, đầy sắc màu
(Dân trí) - Tối 9/3, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” chính thức khai mạc nhằm tôn vinh người trồng cà phê và quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ra thế giới.
Lễ hội có sự tham dự của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo nhiều Bộ, ngành trung ương, địa phương.
Buổi lễ khai mạc được dàn dựng đẹp mắt công phu với sự biểu diễn của hàng trăm nghệ sĩ, nghệ nhân đã phản ánh không gian Lễ hội Tây Nguyên thông qua những hình tượng nghệ thuật điển hình, vẽ lên bức tranh toàn cảnh Tây Nguyên tràn đầy nhựa sống, ước mơ và hy vọng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng cho rằng, sản phẩm cà phê của tỉnh Đắk Lắk với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng đã có mặt ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần lớn vào tổng giá trị xuất khẩu cà phê của cả nước, góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2018 lên gần 1,9 triệu tấn với doanh thu hơn 3,5 tỷ USD.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần này diễn ra trong bối cảnh tỉnh Đắk Lắk đat được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Đời sống vật chất tinh thần của người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa từng bước được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.
Việc tổ chức lễ hội lần này có nhiều điểm mới, không những tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mà còn hướng tới phát triển cà phê đặc sản Việt Nam và khát vọng đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới; góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế của cà phê trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Lễ hội cũng gắn mục tiêu giao lưu văn hóa với xúc tiến thương maị, thu hút đầu tư là phù hợp với chủ trương của Chính phủ.
Phó thủ tướng biểu dương, ghi nhận những thành tích mà tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong thời Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, có các giải pháp thực sự bức phá và hiệu quả hơn để hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra năm 2019 và kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Đồng thời, đề nghị để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn nước ta nói chung và ngành cà phê nói riêng, tỉnh Đắk Lắk cùng với các tỉnh có trồng cà phê rà soát tổng thể việc phát triển ngành cà phê cho phù hợp với xu thế thị trường thế giới và bảo đảm các điều kiện kiện sản xuất bền vững; đẩy mạnh cơ cấu lại cho ngành cà phê theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân vào tái canh cà phê; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển cà phê đặc sản Việt Nam với tính chất là cà phê cao cấp, có hương vị đặc biệt, được đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu, xu thế tiêu thụ của thế giới và gia tăng giá trị cho cây cà phê, nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân trồng cà phê.
Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại.
Để vươn tới khát vọng trở thành "điểm đến của cà phê thế giới", Đắk Lắk phải chú trọng nâng cao thực lực, làm tốt công tác truyền thông;, mở rộng thị trường tiêu thụ, mở rộng thị trường kết nối với bạn bè trên thế giới để phát triển kinh tế xã hội gắn với thu hút ngày càng nhiều hơn nữa những người yêu cà phê, những chuyên gia, các nhà sản xuất và chế biến cà phê đến với vùng đất “tinh hoa đại ngàn” để Đắk Lắk thực sự trở thành thế giới cà phê đầy hương vị.
Thúy Diễm