Khách Việt kể những điều "bất ngờ" khi du lịch Sri Lanka giữa khủng hoảng

Diệp Bình

(Dân trí) - Trong khủng hoảng kinh tế, người Sri Lanka vẫn giữ được sự điềm tĩnh, chấp nhận đương đầu với khó khăn. Họ cho rằng, đói nghèo không tạo nên khổ hạnh cuộc đời.

Mọi thứ đều tăng giá "chóng mặt"

Chuyến bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến thủ đô Colombo (Sri Lanka) chuẩn bị hạ cánh. Ghé đầu qua cửa sổ, trước mắt tôi là bờ cát dài ôm lấy biển biếc xanh. Cạnh đó, những tòa nhà chọc trời được xây dựng dang dở đứng sừng sững.

Trời tháng 2, Colombo vẫn mát mẻ. Người ta gọi Sri Lanka là "giọt lệ Tích Lan" dựa trên dáng hình của đảo quốc này nằm giữa Ấn Độ Dương.

Tháng 4/2022, chính phủ Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ, không còn đủ ngân sách để chi trả cho nhiên liệu lẫn lương thực. Khủng hoảng kinh tế đã tác động trực tiếp vào đời sống người dân nước này. Khi những đợt biểu tình dần lắng dịu, Sri Lanka đã mở cửa đón khách du lịch. 

Khách Việt kể những điều bất ngờ khi du lịch Sri Lanka giữa khủng hoảng - 1

Sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế, Sri Lanka đã mở cửa đón khách du lịch (Ảnh: Ngọc Ngân).

Chúng tôi di chuyển từ sân bay về khách sạn với giá 7.500 rupee (khoảng 500.000 đồng). Con số này đã tăng lên gấp rưỡi, so với năm ngoái. Nalaka (32 tuổi), nhân viên khách sạn nơi tôi lưu trú nhận lương 70 USD mỗi tháng, trong khi giá gas đã "leo thang" 42 USD/bình. 

"Mọi thứ tăng giá đến mức "chóng mặt". Chúng tôi cũng chẳng còn lợi nhuận khi chi phí thức ăn, nhiên liệu… đều đội lên gấp 3 lần. Tuy nhiên, khách sạn buộc phải duy trì để giữ chân khách", anh tâm sự.

Nhiều khách sạn, công trình… đang được xây dựng buộc phải "đứng im" vì giá vật liệu đã tăng lên 200%.

Ngày đầu tiên ở Sri Lanka, tôi di chuyển chủ yếu bằng TukTuk để ghé thăm những ngôi chùa cổ. Phương tiện này phổ biến và có thể đặt được qua ứng dụng điện thoại. Tuy nhiên, khi đi được đoạn chừng 10km, tài xế buộc phải xin lỗi để vào cây xăng tiếp nhiên liệu. 

Khách Việt kể những điều bất ngờ khi du lịch Sri Lanka giữa khủng hoảng - 2

Khung cảnh tuyệt đẹp phía bên kia khung cửa số của tàu hỏa (Ảnh: Ngọc Ngân).

Tại trạm xăng, xe TukTuk, ô tô vẫn xếp hàng dài nhưng không đông đúc như năm 2022. 

Tài xế vẫn xếp hàng khoảng 10 phút để đổ xăng. Hiện tại, mỗi người được đổ 5 lít xăng mỗi tuần, được kiểm soát bởi QR Code. Để đủ xăng chạy TukTuk, anh Dakshina (tài xế địa phương) phải sử dụng QR Code của bố, mẹ, vợ và anh chị. 

Cuộc sống của Dakshina bị thắt chặt trong khó khăn bởi cơn khủng hoảng. Đầu tháng 2/2023, hai con của anh buộc phải dừng đến trường vì gia đình không đủ tiền.

"Chúng tôi đợi khách du lịch quay trở lại sau hai năm dịch Covid-19. Tuy nhiên, hy vọng lại một lần nữa bị dập tắt khi Sri Lanka chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế", anh nói. Nếu tình hình không cải thiện, Dakshina cho biết anh sẽ sang châu Âu xuất khẩu lao động vào tháng 6. 

Khách Việt kể những điều bất ngờ khi du lịch Sri Lanka giữa khủng hoảng - 3
Khách Việt kể những điều bất ngờ khi du lịch Sri Lanka giữa khủng hoảng - 4

Trái tim Phật giáo Kandy

Trong sự biến động ấy, người Sri Lanka vẫn giữ được sự điềm tĩnh, chấp nhận và đương đầu với khó khăn. Rời Colombo nhộn nhịp, chúng tôi đến với thành phố cao nguyên Kandy, nơi được mệnh danh là trái tim Phật giáo của Sri Lanka. Hơn 70% dân số Sri Lanka là Phật tử. 

Tôn giáo len lỏi trong đời sống, cách suy nghĩ và tính cách của con người. Họ lành tính, hiền hòa, yêu thiên nhiên. Dưới tán cây bồ đề, ở ngã tư, ngã ba đường luôn được đặt tượng Phật. Họ cho rằng, đói nghèo không tạo nên khổ hạnh cuộc đời. Một số người dân chúng tôi gặp ở ngoại ô Kandy đã phải cắt giảm bữa ăn. Họ chỉ còn duy trì 2 bữa/ngày, từ đi xe Tuk Tuk chuyển sang đi bộ. 

Khách Việt kể những điều bất ngờ khi du lịch Sri Lanka giữa khủng hoảng - 5

Chùa chiềng thành nét văn hóa ở Sri Lanka (Ảnh: Ngọc Ngân).

Mỗi buổi sáng, nhiều người vẫn mặc áo trắng, đi chân trần để hành lễ. Những đứa trẻ chỉ tầm 6-7 tuổi vẫn chắp tay, tựa đầu vào bậc đá cầu nguyện cùng bố mẹ. Họ vẫn dành thức ăn cho chó và mèo hoang. Họ đặt vào tay mình bó hoa súng, bông hoa lài hay chỉ cách gỡ từng búp sen để dâng Phật. 

Một ngày đầu tháng 2, chúng tôi tới chùa Dalada Maligawa. Ngôi chùa trăm năm có hàng chục nghìn Phật tử trên khắp thế giới đến thăm viếng hằng năm để chiêm bái bảo tháp giữ xá lợi răng của Đức Phật. Nghi lễ thờ cúng sẽ được diễn ra vào 3 lần trong ngày.

Khoảng 6h30, dòng người đã xếp hàng tuần tự đi vào bên trong chùa. Họ không một lần chen lấn, xô đẩy, người và người đi trong trật tự, nói chuyện thì thầm. Khu vực trung tâm chùa cũng không có biển "keep silent"(Giữ trật tự - PV). Họ lặng yên chiêm bái và cầu nguyện trong bầu không khí thiêng liêng. Đúng 9h30, cửa sổ nhỏ nơi cất giữ bảo tháp xá lợi mở ra, một số phụ nữ đã bật khóc xúc động.

Khách Việt kể những điều bất ngờ khi du lịch Sri Lanka giữa khủng hoảng - 6

Dòng người xếp hàng ngay ngắn để đi viếng chùa (Ảnh: Ngọc Ngân).

Khách Việt kể những điều bất ngờ khi du lịch Sri Lanka giữa khủng hoảng - 7

Hình ảnh một ngôi chùa được dựng bằng hang đá (Ảnh: Ngọc Ngân).

Sri Lanka có nhiều câu chuyện để kể với khách du lịch. Đó là những ngôi chùa được xây dựng trong hang đá, tồn tại hàng trăm năm, được tôn tạo bởi lòng thành kính.

Đó là Sigiriya, pháo đài đá nằm sừng sững giữa rừng già, nơi lưu giữ dấu tích của một thành cổ từ thế kỉ thứ 5. Đó là chuyến tàu lửa "đẹp nhất thế giới", đi xuyên núi đá khổng lồ. Đó là những bãi biển rực nắng, các cảng cá tấp nập người thu mua…

Rời khỏi Sri Lanka, bạn sẽ nhớ mãi những nụ cười thân thiện. Họ sẽ vẫy tay chào khách du lịch ở mọi nơi, mời bạn đến nhà, nhâm nhi ngụm trà Ceylon trứ danh. 

Một xứ sở của bình yên…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm