Khách Việt đeo mặt nạ chống độc trải nghiệm ở hồ axit lớn nhất thế giới

Việt Hà

(Dân trí) - Vừa kịp ngả lưng ở khách sạn chưa được bao lâu, đúng 0h, Linh lại lên xe di chuyển tới hồ axit. 2h sáng, mỗi người được phát một chiếc mặt nạ chống độc và đèn pin, bắt đầu hành trình khám phá.

Vốn là người đam mê mạo hiểm, muốn tới hồ axit lớn nhất thế giới Kawah Ijen ở Indonesia từ lâu, nhưng phải tới cuối tháng 8 vừa qua, hành trình của Mỹ Linh mới thành hiện thực.

Nữ du khách đến từ TPHCM tính đi một mình để trải nghiệm, nhưng vì muốn tiết kiệm chi phí land tour (chương trình du lịch bao tour trọn gói cho khách khi đăng ký mua trực tiếp hoặc trực tuyến) nên cô lên mạng tìm kiếm "đồng đội". Rất may sau đó, 6 người tìm được nhau, lại cùng "chung tần số" nên chuyến đi diễn ra rất vui vẻ, thuận lợi.

Thông thường khi đặt tour với bên lữ hành ở Indonesia, du khách sẽ được đưa một lịch trình cố định đã thiết kế sẵn, nhưng Linh quyết định tự chọn các điểm đến phù hợp với sở thích cả nhóm, bao gồm thác nước ngàn dòng Tumpak Sewu, núi lửa Bromo, hồ axit Ijen và thác nước Madakaripura Waterfall.

Khách Việt đeo mặt nạ chống độc trải nghiệm ở hồ axit lớn nhất thế giới - 1
Vẻ đẹp của thác nước ở Indonesia.

"Khi đặt land tour, để tránh bị lừa đảo, du khách không cần đặt cọc trước mà sẽ trả trực tiếp cho người đón đoàn ở sân bay Surabaya, một sân bay trên đảo Java của Indonesia", Linh lưu ý.

Hành trình đầu tiên của cả nhóm khi khám phá "xứ sở vạn đảo" là trải nghiệm vượt thác nước. Lịch trình trekking núi lửa và khám phá hồ axit diễn ra vào ngày tiếp theo.

Đi theo hướng dẫn viên du lịch địa phương, cả nhóm tới khách sạn gần hồ khoảng 19h. Linh vừa chỉ kịp ăn tối, tắm gội và ngả lưng chưa được bao lâu đã bị gọi dậy. Đúng 0h, cả nhóm lại lên xe, di chuyển tới khu vực trekking leo núi lửa.

Khách Việt đeo mặt nạ chống độc trải nghiệm ở hồ axit lớn nhất thế giới - 2
Cả đoàn được phát mặt nạ chống độc ngay từ dưới chân núi.

Khoảng 2h sáng, mỗi người được phát một chiếc mặt nạ phòng độc đeo vào cổ và thêm một chiếc đèn pin để soi đường. Từ dưới chân núi, đường lên càng lúc càng khó khăn vì không khí lạnh dần và hơi lưu huỳnh đặc quánh bốc lên. Một số người vừa đi vừa thở dốc vì khó chịu.

"May mắn nhóm 6 người chúng tôi hầu như ai cũng có kinh nghiệm trekking nên có nền tảng thể lực khá tốt. Chỉ sau 2,5 tiếng di chuyển từ chân núi, tới 4h30 trời sắp bình minh cũng là lúc cả đoàn tới hồ axit trên miệng núi lửa", Linh cho biết.

Được biết, hồ Kawah Ijen ở Indonesia có bán kính rộng khoảng 361m, sâu 200m, được xem là hồ axit lớn nhất thế giới. Vào ban đêm, hồ nước xuất hiện ánh sáng xanh, không gian bao phủ bởi làn khói đặc quánh, sực mùi của hợp chất lưu huỳnh H2S làm giảm tầm nhìn và khả năng hô hấp.

Cô gái Việt khám phá hồ axit lớn nhất thế giới (Nguồn video: Mỹ Linh)

Lên đến hồ axit sẽ có một lối mòn nhỏ leo xuống gần khu vực khai thác lưu huỳnh phía dưới hồ để ngắm lửa xanh, hay còn gọi là "Blue Fire". Đường lên rất nguy hiểm vì dốc và hẹp. Càng gần khu khai thác lưu huỳnh, khí độc càng nồng nặc hơn. Du khách luôn được lưu ý phải đeo mặt nạ chống độc nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.

Lần đầu được tận mắt chứng kiến hồ axit ngoài đời thực, Linh gần như bị choáng ngợp bởi cảnh tượng như siêu thực. Xung quanh thảm thực vật gần như trơ trọi vì nồng độ khí độc rất lớn.

Khách Việt đeo mặt nạ chống độc trải nghiệm ở hồ axit lớn nhất thế giới - 3
Linh chọn góc đứng không cùng hướng với làn khói độc bốc lên và bỏ mặt nạ ra để chụp hình.

Tuy nhiên, thời điểm cả nhóm đặt chân tới cũng là lúc bình minh mặt trời vừa ló rạng tạo nên khoảnh khắc khó tả. Những làn khói lưu huỳnh bốc lên màu trắng vàng xen kẽ nổi bật giữa màu nước xanh ngắt bên dưới.

Phía xa là những dãy núi lấp lánh màu vàng cam khiến nhóm khách Việt mải ngắm nghía, hít hà, quên luôn cả sự độc hại của làn khói lưu huỳnh vẫn bốc lên ngùn ngụt.

Do tới vào thời điểm tháng 8 nên dù đã xuống tận mỏ khai thác lưu huỳnh nhưng cả nhóm không được nhìn thấy "Blue Fire". Theo lời kể của hướng dẫn viên địa phương, phải từ tháng 9 tới tháng 12, khả năng thấy ngọn lửa xanh sẽ cao hơn. Nhưng lúc đó, nồng độ lưu huỳnh đặc dần nên bắt buộc du khách phải đeo mặt nạ chống độc liên tục.

Sau khi thoải mái trải nghiệm và chụp hình, cả nhóm men theo đường ở khu vực khai thác lưu huỳnh để đi xuống. Gọi là đường nhưng nơi này chỉ có lối nhỏ vừa đủ một người di chuyển. Tuy vậy, lúc xuống đỡ vất vả hơn nhiều so với lúc leo lên.

Theo quan sát của Linh, dù hôm đó là ngày trong tuần nhưng khu vực này vẫn rất đông khách du lịch từ các nơi tới trải nghiệm. Tuy nhiên, cô nhận thấy dường như nhóm cô là đoàn khách Việt Nam duy nhất của ngày hôm đó.

Với Linh, hành trình trekking leo núi lửa vô cùng vất vả, nhưng cô cho rằng đây là chuyến đi hoàn toàn xứng đáng. Những trải nghiệm đặc biệt như hít thở khó khăn giữa cái lạnh buốt của núi lửa Bromo lúc 4h sáng hay ngửi thấy mùi lưu huỳnh nồng nặc ở hồ axit là điều không thể cảm nhận chỉ qua sách báo, phim ảnh.

Khách Việt đeo mặt nạ chống độc trải nghiệm ở hồ axit lớn nhất thế giới - 4
Cảnh quan thiên nhiên như siêu thực.

Chuyến đi 4 ngày 3 đêm với mức chi phí hơn 13 triệu đồng, trong đó một nửa số tiền dành cho việc đặt vé máy bay khứ hồi. Nữ du khách tiết lộ, nếu đặt vé sớm hơn, cô có thể giảm thêm một khoản kha khá.

"Khách Việt tới đảo Java có thể hơi gặp khó khăn một chút với đồ ăn địa phương vì phần lớn các món ăn của người Hồi giáo và Hindu giáo đều nêm nếm gia vị có phần hơi gắt và nồng so với ẩm thực Việt.

Có hôm chúng tôi phải bỏ bữa và ăn mỳ gói thay thế. Bởi vậy, rút kinh nghiệm khi du lịch Indonesia, du khách nên mang theo mỳ gói và đồ ăn khô nhiều hơn một chút", Linh đưa ra lời khuyên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm