Khách Tây "dạt" sang châu Á ăn xin: Gây khó chịu nhiều hơn là cảm thông

Huy Hoàng

(Dân trí) - Cảnh tượng du khách của một số nước châu Âu, châu Mỹ, sang châu Á xin tiền để đi du lịch hiện không còn hiếm gặp.

Sự trở lại của khách Tây ăn xin

Khi Asley James, người Hong Kong, nhìn thấy các du khách Tây ba lô ăn xin vào dịp đầu năm 2023, anh nghĩ thầm "du lịch giải trí đã trở lại châu Á".

Người dân ở một số quốc gia châu Á như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia hay cả Việt Nam không còn xa lạ với cảnh tượng những du khách đến từ phương Tây đi theo hình thức du lịch bụi, xin tiền người dân địa phương để có kinh phí đi chơi khắp thế giới.

CNN cho rằng, những quốc gia châu Á này là "mảnh đất màu mỡ cho du khách ăn xin".

Khách Tây dạt sang châu Á ăn xin: Gây khó chịu nhiều hơn là cảm thông - 1
Nhóm du khách biểu diễn trên đường phố để quyên góp tiền (Ảnh: The Globe).

Nhóm khách này được gọi chung là "begpacker". Đây là từ ghép của "begging" (ăn xin) và "backpacking" (du lịch bụi), thường dùng để chỉ những người đi xin tiền, phục vụ cho chuyến đi của mình. Trong hầu hết trường hợp, những hành vi này là bất hợp pháp.

Ông Stephen Pratt, trưởng khoa quản lý khách sạn của Đại học Rosen College thuộc Đại học Central Florida, hiểu rõ về dạng khách du lịch ăn xin kiểu này.

Theo ông Pratt, họ có thể được chia thành 3 loại. Cụ thể, nhóm một gồm hát rong hoặc chơi nhạc, trình diễn thứ gì đó để hút người xem và thu tiền; nhóm 2 bán đồ lưu niệm hoặc trang sức. Và nhóm cuối là những người chỉ đơn thuần xin tiền chứ không cung cấp điều gì.

Gây phản cảm, nhận nhiều chỉ trích

Hiện chưa rõ hình thức du lịch ăn xin xuất hiện từ bao giờ. Nhưng trong một cuốn sách của nhà văn người Anh Patrick Leigh Fermor, ông đã kể về việc nhận phác thảo chân dung để có tiền cho chuyến hành trình đi bộ xuyên châu Âu vào năm 1933.

Khách Tây dạt sang châu Á ăn xin: Gây khó chịu nhiều hơn là cảm thông - 2
Trao tặng những cái ôm miễn phí để tặng tiền (Ảnh: Panda).

Nhưng trong thời đại của truyền thông mạng xã hội phát triển như hiện tại, rất nhiều ý kiến chỉ trích hành vi này. Ông Pratt cho rằng, những hình ảnh mỉa mai khách ăn xin đăng tải nhiều trên mạng xã hội là một cách để nhắc nhở người du lịch nên tự trang bị đủ tài chính cho chuyến đi, tay vì ngửa tay nhận từ người khác.

Tương tự, Joshua Bernstein, giảng viên Viện ngôn ngữ tại Đại học Thamassat (Thái Lan), cho biết, xung quanh vấn nạn này, nhiều người đã tỏ thái độ tức giận.

"Phần lớn sự tức giận đến từ khách nước ngoài. Họ không ưa hình ảnh này vì cho rằng có thể ảnh hưởng tới thể diện quốc gia họ. Trong khi đó, người dân địa phương thường dừng lại trò chuyện và cho tiền ủng hộ", ông Joshua nói.

Khách Tây dạt sang châu Á ăn xin: Gây khó chịu nhiều hơn là cảm thông - 3
Hình ảnh khách Tây xin tiền đi du lịch không còn xa lạ với người dân tại một số quốc gia châu Á (Ảnh: Panda).

Với James, anh cũng tỏ rõ thái độ khó chịu. "Hong Kong vốn là nơi có mức sống đắt đỏ nhất thế giới. Giá thuê nhà quá cao khiến nhiều người phải sống trong nhà lồng. Vậy mà khách du lịch lại đến đây, mời chúng tôi mua các chuỗi hạt. Du lịch vốn là điều xa xỉ. Vậy nên những người nói hãy cho tôi tiền đi du lịch thật ngớ ngẩn", James nhận xét.

Tương lai của nghề ăn xin

Việc châu Á mở cửa trở lại sau đại dịch chậm hơn so với các quốc gia ở châu Âu hay Bắc Mỹ khiến các chuyên gia chưa rõ "khách Tây ăn xin" sẽ quay lại "địa bàn cũ" của họ, hay thời đại "xin ăn" đã kết thúc.

Nhưng hàng loạt bức hình lan truyền trên mạng xã hội về người ăn xin ở Malaysia, Indonesia hay Hong Kong trong thời gian gần đây, đã khơi lại cuộc tranh luận về vấn đề này. Giảng viên Bernstein cho rằng xu hướng dần chuyển sang dạng "ăn xin trực tuyến".

Những người muốn đi du lịch theo cách nhờ người khác cho tiền sẽ dựa vào các trang web như Go Fund Me để quyên góp quỹ, hoặc nhắc tới dịch vụ thanh toán di động trong các bài đăng của mình.

Thay vì dựa vào lòng tốt của người lạ, khách du lịch ăn xin đã tự xây cho mình nền tảng trang cá nhân riêng với lượng người theo dõi nhất định. Qua đó, họ nhờ người hâm mộ hỗ trợ tài chính.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm