Khách “sập bẫy” mua combo du lịch “đểu”: Đừng ham rẻ để mất tiền oan!
(Dân trí) - Mức giá rẻ cùng lời mời chào hấp dẫn nên các combo du lịch được nhiều người đặt mua. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận người tiêu dùng dễ "sập bẫy" lừa đảo của các công ty ma.
Combo du dịch là hình thức mua gói du lịch bao gồm vé máy bay/ tàu xe khứ hồi và phòng khách sạn nhưng không bao gồm hướng dẫn viên, dịch vụ ăn uống, tham quan cho khách.
Không chỉ giúp du khách tiết kiệm thời gian, công sức hình thức combo du lịch này còn được đánh giá là có giá rẻ, nhiều ưu đãi do các đơn vị cung cấp dịch vụ “bắt tay nhau” cùng kết hợp để kích cầu du lịch.
Tuy nhiên, đánh vào tâm lý ham rẻ, lại chọn đúng thời điểm nhu cầu du lịch tăng cao vào mùa hè, nhiều công ty du lịch ma đã tung ra các combo du lịch “ảo” với những chiêu thức quảng cáo tinh vi nhằm móc túi, lừa đảo người tiêu dùng.
Khảo sát của PV Dân trí cho thấy, các combo du lịch được chào bán nhan nhản, rầm rộ trên khắp diễn đàn mạng, trang mua bán trực tuyến với đủ mức giá.
Trên một trang “săn” vé máy bay giá rẻ ở Hà Nội, một tài khoản Facebook có tên B.P đăng bán hàng loạt các combo du lịch Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội – Đà Nẵng, Hà Nội – Nha Trang, Hà Nội – Côn Đảo theo lịch trình 3 ngày 2 đêm hoặc 4 ngày 3 đêm chỉ với giá từ 1,9-2,5 triệu đồng/ người.
Người này cam kết mức giá trên đã bao gồm vé máy bay khứ hồi, nghỉ dưỡng khách sạn tiêu chuẩn 3 sao kèm ăn sáng. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể tùy chọn lịch trình đi, về trong các tháng 7, 8, 9.
Mức giá rẻ “không tưởng” cùng lời mời chào hấp dẫn nên bài đăng này thu hút hàng trăm bình luận, để lại số điện thoại tư vấn.
PV Dân trí đã thử liên hệ với một bài đăng bán combo du lịch Hà Nội – Nha Trang trong 3 ngày 2 đêm với giá 2,3 triệu đồng/ người, người bán hàng giới thiệu mình là đại lý của phòng vé có trụ sở tại Hàng Bông (Hà Nội).
Người này khẳng định, giá tiền trên đã bao gồm vé máy bay, ngủ đêm tại khách sạn tiêu chuẩn 3 sao, gần bãi biển đẹp.
“Tổng công ty bên em lấy số lượng lớn vé máy bay từ đầu năm nên bây giờ mới có mức giá rẻ như thế này. Tuy giá rẻ nhưng em cam kết chất lượng dịch vụ vẫn bằng mức giá chị đi combo du lịch 4-5 triệu đồng như thông thường. Em đã bán cho rất nhiều khách, họ đi từ tháng 5, tháng 6 và vừa rồi cũng có một đoàn khách đi về, họ phản hồi lại rất tốt ạ”, người bán hàng khẳng định.
Tuy nhiên, khi PV thử tìm hiểu về tên phòng vé, trụ sở mà người bán quảng cáo thì không hề tồn tại. Trên trang Facebook cá nhân của người này cũng chỉ thấy các bài viết đăng bán combo du lịch, không hề có thông tin, địa chỉ liên hệ chính danh.
Chia sẻ với Pv Dân trí, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel cho rằng, thực tế chuyện những công ty ma, lừa đảo bán booking ảo cho người tiêu dùng không phải là mới nhưng thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ việc với quy mô, chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, nghiêm trọng.
Các công ty này có cách thức hoạt động như đa cấp, tuyển đại lý, nhân viên, công tác viên lên tới hàng trăm người. Điểm dễ nhận ra nhất là họ chào bán, spam rầm rộ các combo, tour du lịch trên Facebook, Zalo... với giá rất rẻ, rẻ hơn thị trường đến 40-50%.
“Với những người làm trong ngành du lịch thì chúng tôi nhận ra ngay. Bởi đây là mức giá không tưởng. Thông thường lợi nhuận từ việc bán tour, combo du lịch các đơn vị lữ hành cũng chỉ được hưởng từ 5-10% lợi nhuận.
Trong trường hợp các công ty lữ hành có bán hòa vốn để chạy chương trình thì cũng không thể có mức giá rẻ đến mức đó được nhất là trong những tháng cao điểm du lịch như hiện nay”, ông Đạt khẳng định.
Tổng giám đốc AZA Travel cũng cho rằng, đặc thù của kinh doanh tour du lịch là người mua trả tiền trước, hưởng dịch vụ sau chứ không giống như hàng hóa được kiểm tra chất lượng mặt hàng “ưng thì mới lấy”. Lợi dụng điều này, ngày càng nhiều công ty ma, không đăng ký kinh doanh chào bán sản phẩm “ảo” “cuỗm” tiền của khách.
Người tổng đại lý là F0 đưa ra vài combo giá “siêu rẻ”, mức chiết khấu phần trăm cao nên thu hút các F1 rồi F2, F3, F4... đầu quân, nhiệt tình đăng bán.
Nhiều trường hợp các đại lý, cộng tác viên cũng không biết mình bị lừa nên chào bán cho cả chính người thân anh em, bạn bè của mình. Đến một ngày khi quy mô số tiền lớn, tổng đại lý ôm tiền bốc hơi thì tất cả mới tá hỏa. Nhiều người trong số này phải móc tiền túi của chính mình ra đền bù.
“Cách đơn giản để nhận biết là phải xác minh tính chính danh của đơn vị chào bán tour, combo du lịch. Người tiêu dùng nên đặt mua sản phẩm của các công ty uy tín, có trụ sở, được cấp phép đăng ký kinh doanh. Ngay bản thân những nhân viên, cộng tác viên cũng cần phải lựa chọn các đại lý, công ty uy tín để cộng tác tránh việc bị lợi dụng”, ông Đạt nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội cũng cho rằng để trở thành một người tiêu dùng thông minh, trước khi quyết định đặt combo du lịch/ tour cần tìm hiểu kỹ các thông tin sau: chương trình chi tiết, thông tin chuyến bay, khách sạn, giá cả…tất cả nên được làm việc qua email, văn bản và bắt buộc yêu cầu ký hợp đồng du lịch.
Ngoài ra, với những combo giá quá rẻ mà khởi hành vào các dịp cao điểm như hè, cuối tuần, du khách cũng nên cẩn trọng, xác thực thông tin đơn vị bán có thật sự uy tín hay không.
"Dịp cao điểm hè, nhu cầu du lịch tăng cao, để du khách có một kỳ nghỉ trọn vẹn bên gia đình và người thân nên có kế hoạch từ sớm, đặt dịch vụ từ trước để hưởng mức giá ưu đãi nhất.
Người tiêu dùng nên đặt dịch vụ tại các đơn vị lữ hành uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm tổ chức các đoàn du lịch, khi giao dịch nên có văn bản xác nhận, phiếu thu rõ ràng, hợp đồng du lịch theo đúng quy định của pháp luật", ông Bảy nói.