Khách hủy tour vì ảnh Đà Lạt ngập lụt, chủ khách sạn "khóc ròng"

Diệp Bình

(Dân trí) - Các nhân viên khách sạn của anh Vũ Anh Vũ (ngụ TP. Đà Lạt) đã phải gọi video cho khách hàng xem thời tiết hiện tại, vì họ nằng nặc đòi hủy phòng.

"Các trang mạng xã hội không ngừng chia sẻ hình ảnh Đà Lạt ngập lụt, mưa gió làm khách họ ngại, gọi điện thoại hủy phòng liên tục", anh Vũ Anh Vũ (SN 1988) nói. Khách sạn của anh Vũ tọa lạc tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.  

Trước đó, cơn mưa lớn kèm giông lốc đã khiến nhiều tuyến đường tại thành phố ngập sâu, nước cuốn vào nhà dân, xe chết máy. Tuy nhiên, sau trận mưa nước đã rút, trời quang và không ảnh hưởng đến hoạt động du lịch.

Là dân địa phương, anh Vũ cho biết cơn mưa kéo dài khoảng 1 tiếng khiến nước rút không kịp, ngập cục bộ.

Tuy nhiên, sự việc xảy ra ngày 23/6 tiếp tục được chia sẻ trên các trang mạng xã hội nhiều ngày sau đó, khiến nhiều khách du lịch e ngại, sợ ảnh hưởng đến lịch trình.

Khách hủy tour vì ảnh Đà Lạt ngập lụt, chủ khách sạn

Lượng nước lớn đổ về sau trận mưa khiến một số mương nước ở thành phố Đà Lạt thoát nước không kịp (Ảnh: CTV).

Tại cơ sở lưu trú của anh Vũ, các nhân viên liên tục nhận được cuộc gọi của khách hàng hỏi về tình hình thời tiết. "Chúng tôi phải trấn an, gửi cho khách xem hình ảnh, video hiện tại của Đà Lạt họ mới an tâm", anh Vũ nói.

Cũng theo anh Vũ, một số trang mạng xã hội đã tổng hợp lại hình ảnh mưa gió, ngập lụt của Đà Lạt ở các năm rồi chia sẻ rộng rãi.

"Có ảnh từ 2-3 năm trước nhưng họ vẫn viết nội dung như thể đây là tình hình hiện tại", anh Vũ nói. 

Cụ thể, trang Facebook tên C.V.N, chuyên về du lịch đã đăng tải loạt ảnh các cô gái mặt áo mưa, chụp ảnh giữa vườn hoa cẩm tú cầu kèm nội dung: "Dành dụm nửa năm nghỉ hè đi Đà Lạt và cái kết. Sáng cà phê ngắm mưa, trưa ăn cơm ngắm mưa. Tối ngủ cũng nghe tiếng mưa đá ào ào".

Khách hủy tour vì ảnh Đà Lạt ngập lụt, chủ khách sạn

Chị Giang Hà (phải) bất ngờ vì hình ảnh của mình bị lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh: NVCC).

Người có mặt trong ảnh là chị Giang Hà (ngụ Vũng Tàu). Cô gái này vô cùng bất ngờ khi hình ảnh của mình bỗng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội với nội dung "mắc mưa ở Đà Lạt".

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Giang cho biết bản thân rất khó chịu trước hiểu lầm không đáng có này. 

Khách hủy tour vì ảnh Đà Lạt ngập lụt, chủ khách sạn

Bức ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội với nội dung "Đà Lạt mưa ngập" (Ảnh: NVCC).

"Bức ảnh trên mình chụp tại nông trại thuộc Đà Lạt vào ngày 3/5/2022, tức hơn một năm. Hôm ấy, trời nắng đẹp nhưng đột ngột có cơn mưa nhỏ vào buổi chiều. Mình cùng bạn quyết định mặc áo mưa chụp ảnh để lưu kỷ niệm. Mình không hiểu bằng cách nào bức ảnh bị "đào" lên", chị cho biết.

Bản thân chị cũng đã phải bình luận đính chính hơn chục trang mạng xã hội nhưng không hiệu quả. Thậm chí, có trang còn xóa đi bình luận của chị. 

Theo chị Giang, chùm ảnh trên nếu gắn với thời điểm hiện tại có nhiều chi tiết vô lý. Ví dụ như trời rất quang nhưng nội dung nói "có mưa đá". Tuy vậy, nhiều người vẫn tin thông tin trên là sự thật, xảy ra vào thời điểm hiện tại.

Anh Duy Nguyên, chuyên gia truyền thông, hiện đang quản lý nhiều hội, nhóm Du lịch Đà Lạt đánh giá, các luồng thông tin trên được gọi là tin tiêu cực. 

"Dưới sức mạnh của mạng xã hội, tin tiêu cực được phóng đại lên nhiều lần, ảnh hưởng đến tâm lý những người đang và sẽ đi du lịch trong thời gian tới", anh Duy Nguyên nói.

Để hạn chế tình trạng trên, anh Duy Nguyên cho biết bản thân đã kêu gọi các đơn vị truyền thông đồng hành trong việc không lan truyền các tin tức tiêu cực, không đúng sự thật.

Anh cho biết: "Một hành vi hay sự việc không phản ánh rõ được con người hay hiện tượng. Là người sử dụng mạng xã hội, bạn nên có trách nhiệm đặt câu hỏi trước khi truyền đi thông tin nào đó cho mọi người. Ví dụ như tin đó có đúng chưa? Có ý nghĩa nào khác trong hành vi hay sự việc này không? Đánh giá từ chuyên gia như thế nào?".