Khách bị kẹt ở khe nứt gần 20 tiếng, chấp nhận cắt cụt chân để được cứu

Huy Hoàng

(Dân trí) - Khi chèo thuyền kayak trên sông, vị khách người Litva bị mắc kẹt giữa khe nứt gần 20 tiếng. Để được giải cứu, người đàn ông 69 tuổi chấp nhận phải cắt bỏ một phần cơ thể.

Vị khách du lịch đến từ Litva (quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu) được khen ngợi "có sức bền bỉ và chịu đựng phi thường" sau khi các nhân viên cứu hộ buộc phải cắt cụt phần chân của ông trong chiến dịch giải cứu kéo dài hơn 20 tiếng. Sự cố tai nạn xảy ra tại vùng tây nam xa xôi ở Tasmania.

Vị khách nam 69 tuổi hiện vẫn trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện Royal Hobart ở địa phương. Trước đó, ông cùng nhóm 11 khách chèo thuyền kayak trên sông Franklin suốt nhiều ngày để trải nghiệm.

Khách bị kẹt ở khe nứt gần 20 tiếng, chấp nhận cắt cụt chân để được cứu - 1

Đội giải cứu rất vất vả mới có thể tiếp cận được khu vực nạn nhân gặp tai nạn (Ảnh: The Guardian).

Tuy nhiên, khi đi bộ dọc bờ sông, ông không may trượt chân trên một tảng đá và mắc kẹt lại ở khe nứt trong gần 20 tiếng. Mitch Parkinson, một nhân viên y tế chăm sóc đặc biệt của Ambulance Tasmania (một cơ quan dịch vụ cấp cứu và vận chuyển y tế ở Úc), là người đầu tiên có mặt tại hiện trường, nhận định "đây là trường hợp giải cứu khó khăn nhất từng gặp phải".

"Ông ấy có sức khỏe và sự kiên cường nên duy trì được sức bền suốt đêm. Những nỗ lực của chúng tôi là giữ ấm cơ thể cho nạn nhân, giúp ông ấy ăn và uống nhiều nhất có thể", Mitch nói.

Khi tiếp cận nạn nhân, đội cứu hộ thấy ông bị chìm từ ngực trở xuống trong dòng nước chảy xiết. Vị khách chỉ biết nói một chút tiếng Anh.

Khách bị kẹt ở khe nứt gần 20 tiếng, chấp nhận cắt cụt chân để được cứu (Nguồn video: Australia News).

"Khi tôi cố kéo chân ông ấy ra khỏi khe đá, ông ấy nói đã bị gãy chân rồi. Đầu gối nạn nhân bị kẹt trong đá ở một đoạn nước sâu. Đó là thời điểm tôi phải nghĩ về tình huống khó khăn", một nhân viên cứu hộ nói.

Cuộc giải cứu vẫn tiếp tục khi mực nước giảm xuống. Tuy nhiên khó khăn vẫn rất lớn khiến nhân viên cứu hộ phải làm mọi chuyện để có thể giải cứu.

Họ dùng dây thừng và ròng rọc nhưng không ăn thua. Sau đó, đội cứu hộ sử dụng túi khí, công cụ thủy lực để di chuyển những tảng đá chìm đang đè chặt nạn nhân.

"Chúng tôi dùng những cỗ máy có sức chịu đựng 50 tấn nhưng không di chuyển nổi những tảng đá này. Việc giải cứu diễn ra suốt 12 tiếng với nhiều tình huống khác nhau", một nhân viên cho biết.

Khách bị kẹt ở khe nứt gần 20 tiếng, chấp nhận cắt cụt chân để được cứu - 2
Nạn nhân bị trượt chân khỏi tảng đá trơn trượt rồi rơi xuống khe đá (Ảnh: The Guardian).

Do không thể di chuyển tảng đá ở mọi góc độ, đội cứu hộ tính tới tình huống cuối cùng. Đó là phải cưa chân của nạn nhân. Đó là quyết định không hề dễ dàng. 

Một trong số những khách du lịch đi cùng đoàn với nạn nhân là người đứng ra để phiên dịch. Cuộc trao đổi diễn ra giữa nạn nhân, bác sĩ và đội cứu hộ. Nạn nhân được biết, cách duy nhất để cứu ông đó là cắt cụt phần chân.

"Chúng tôi được huấn luyện trong mọi tình huống khó khăn. Nhưng trường hợp này nằm ngoài dự kiến", nhân viên cứu hộ Petrie cho biết.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, đội cứu hộ đã liên hệ với các nhà ngoại giao để liên lạc với gia đình nạn nhân ở nước ngoài để nắm bắt tình hình.

Tối 24/11, nạn nhân vẫn ở bệnh viện và chưa qua khỏi tình trạng nguy kịch.

Tasmania là một hòn đảo nằm ở phía Nam của Australia, nổi bật với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, đa dạng sinh học và nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn.

Tasmania nằm cách phần còn lại của Australia khoảng 240km.

Tại đây có nhiều hoạt động du lịch thú vị như đi bộ, khám phá động vật hoang dã, thăm các vườn quốc gia, lặn biển, chèo thuyền kayak và chơi các môn thể thao dưới nước.

Tasmania có hơn 40% diện tích là vườn quốc gia hoặc khu bảo tồn thiên nhiên, trở thành nơi lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên hoang dã.