Huế xem xét giãn thời gian tổ chức Festival do kinh tế khó khăn

(Dân trí) - Mới đây, đại diện Sở VHTTDL đề xuất nên xem xét giãn thời gian tổ chức Festival Huế, có thể là từ 3 năm/lần; bởi cứ 2 năm/ lần thì với tình hình kinh tế - tài chính như hiện nay có thể sẽ gặp khó khan…

Nếu vẫn 2 năm/lần nội dung công việc lại quá gấp gáp nên khó đạt được hiệu quả tối đa.

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet

Chiều 18/7, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hội nghị tổng kết Festival Huế 2014 và rút ra những kinh nghiệm để chuẩn bị tốt cho kỳ Festival tiếp theo.

Tại hội nghị, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL đề xuất nên xem xét giãn thời gian tổ chức Festival Huế, có thể là từ 3 năm/lần; bởi cứ 2 năm/ lần thì với tình hình kinh tế - tài chính như hiện nay có thể sẽ gặp khó khăn, nội dung công việc lại quá gấp gáp nên khó đạt được hiệu quả tối đa.

Đây không chỉ là ý kiến của riêng ông Dũng, ông Hải mà nhiều người tham dự hội nghị Tổng kết Festival Huế 2014 cũng đồng tình với cách kéo dài thời gian giữa các kỳ Festival như thế.

Đồng quan điểm với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - ông Phan Thanh Hải cũng đồng ý với ông Dũng về việc giãn thời gian tổ chức Festival. Ông lý giải rằng, mỗi kỳ Festival Huế là gần như toàn bộ trung tâm rất áp lực, về an toàn, về môi trường… vì lúc đó lượng người ra vào di tích rất đông.

“Trước khi tham dự hội nghị tổng kết này, các anh chị em ở trung tâm cũng gửi gắm ý kiến đến tôi, rất nhiều người cho rằng nên tổ chức Festival Huế từ 3-4 năm/lần”. – Ông Hải chia sẻ.

Festival Huế là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, lấy mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới làm hình mẫu tổ chức. Là sự kiện văn hóa du lịch đặc thù, diễn ra 2 năm một lần với qui mô quốc gia, quốc tế, được bắt đầu từ năm 2000 đến nay, qua 7 kỳ Festival Huế đã thành nơi qui tụ, gặp gỡ đặc sắc của nhiều chương trình nghệ thuật, đại diện và mang dấu ấn khác nhau của nhiều nền văn hoá trên thế giới.

Cùng với việc tổ chức hoạt động nghệ thuật, Festival Huế đã góp công sức để các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội mới, các loại hình nghệ thuật, cả nghệ thuật sống được dày công tôn tạo, gìn giữ và xây dựng mới.

Nhiều lễ hội cung đình, tái hiện nghệ thuật các sự kiện lịch sử, sân khấu hóa nghệ thuật được nghiên cứu, biên soạn, xây dựng kịch bản và tổ chức thành công, các chương trình có tính đặc trưng văn hóa, các loại hình văn hóa và nghệ thuật cộng đồng đều gây ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế và trong nước.

Tuy nhiên, sau một số kỳ Festival diễn ra tại Huế, đã có nhiều ý kiến cho rằng về hiệu quả quảng bá của lễ hội này chưa thực sự hiệu quả đặc biệt là sự quảng bá sự kiện này tới các thị trường quốc tế.

Đặc biệt, một số ý kiến còn cho rằng, Festival Huế thời gian gần đây đã đi chệnh hướng. Thay vì tập trung xây dựng các mục tiêu nhiệm vụ của đề án xây dựng Huế - Thành phố festival đặc trưng của Việt nam mà Thủ tướng đã phê duyệt năm 2007, thì Huế lại chỉ tập trng đầu tư cho từng thời kỳ festival theo kiểu kỳ sau to hơn kỳ trước.

Minh Phan