Hội quán hơn 300 tuổi mang đậm nét Trung Hoa giữa lòng Hội An

Ngô Linh

(Dân trí) - Hội quán Phúc Kiến là công trình chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, đồng thời cũng là địa điểm du lịch hấp dẫn du khách bởi lối kiến trúc đậm chất Trung Hoa.

Tọa lạc tại số 46 Trần Phú, thành phố Hội An (Quảng Nam), Hội quán Phúc Kiến là một trong những điểm dừng chân yêu thích của du khách trong và ngoài nước khi tham quan Hội An.

Hội quán được xây dựng từ năm 1690, do những người đến từ Phúc Kiến (Trung Quốc) di chuyển đến Hội An sinh sống và tạo dựng.

Khám phá ngôi chùa cổ kính mang đậm nét Trung Hoa giữa lòng Hội An (Video: Ngô Linh).

Hội quán hơn 300 tuổi mang đậm nét Trung Hoa giữa lòng Hội An - 1

Cổng Tam Quan dẫn vào Hội quán Phúc Kiến (Ảnh: Ngô Linh).

Trước kia, hội quán được dựng hoàn toàn bằng gỗ, năm 1757 mới được xây lại bằng gạch và mái ngói như hiện nay.

Hội quán là nơi thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu và các vị thần bảo hộ về sông, nước, tiền của, con cái, các vị tổ tiên; là nơi hội họp giúp đỡ lẫn nhau của các đồng hương đến từ Phúc Kiến, những người đến Hội An sớm nhất và đông nhất.

Với kiến trúc nguy nga, tráng lệ, trang trí bởi sắc đỏ bắt mắt và hoa văn tinh xảo càng làm hội quán nổi bật hơn, cũng như làm phong phú thêm kiến trúc phố cổ Hội An. 

Năm 1990, Hội quán Phúc Kiến được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Hội quán hơn 300 tuổi mang đậm nét Trung Hoa giữa lòng Hội An - 2

Kiến trúc đậm nét Trung Hoa (Ảnh: Ngô Linh).

Hội quán được xây dựng theo kiểu chữ Tam, lần lượt là cổng, sân, tiểu cảnh và 2 dãy nhà đông tây, chính điện, sân sau, hậu điện.  

Cổng Tam Quan là lối đi vào hội quán. Bên trên cổng Tam Quan có đề chữ Kim Sơn Tự. Hai bên cổng là ông Nhật và bà Nguyệt. Đây là 2 vị thần đại diện cho trời và đất, âm và dương. Từ cổng Tam Quan du khách có thể nhìn thấy có 3 lối vào chính, mỗi một lối đều mang ý nghĩa riêng, lần lượt là Thiên, Địa, Nhân.

Khu vực chính điện là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu - bà được mệnh danh là vị thần biển cả, giúp đỡ những người đi biển luôn được bình an trở về. Phía bên phải và bên trái lần lượt là thần Thiên Lý Nhãn, thần Thuận Phong Nhĩ luôn đi theo Bà để cứu giúp muôn dân.

Phía bên phải chính điện còn được trưng bày mô hình chiếc thuyền của các thương nhân gặp nạn. Thuyền này trước đây dùng để đi biển và có niên đại từ năm 1875, với nhiều chi tiết đặc trưng.

Hội quán hơn 300 tuổi mang đậm nét Trung Hoa giữa lòng Hội An - 3

Du khách gắn thẻ cầu nguyện lên nhang vòng, vòng nhang có thể cháy trong 30 ngày (Ảnh: Ngô Linh).

Di chuyển vào phía trong, du khách sẽ đến khu vực hậu tẩm. Đây là nơi thờ 6 vị Lục Tánh Vương Gia, 12 bà mụ và 3 bà chúa sinh thai. Ngoài ra, du khách có thể thắp vòng hương lớn để mong cầu sức khỏe, tài lộc, may mắn cho gia đình, người thân tại khu vực này.

Điểm đặc biệt là hương vòng có thể cháy đến 30 ngày, sau khi hương cháy hết, người trong hội quán sẽ đốt những mảnh giấy ghi điều ước của bạn. Nhờ vậy mà lời cầu nguyện mới trở nên linh thiêng.

Ngoài ra, trong hội quán còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, gồm có: chuông đồng, tượng thờ, trống đồng, lư hương cùng 14 bức hoành phi tinh xảo… Do đó, nơi đây không chỉ mang ý nghĩa về lịch sử mà còn có giá trị to lớn về mặt văn hóa.

Hội quán Phúc Kiến Hội An đông nhất là vào các ngày lễ tết, ngày rằm mồng một hàng tháng. Vào các ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng Âm lịch), Vía Thiên Hậu (23 tháng 3 Âm lịch)… hàng năm tại hội quán sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động lễ hội.