Hố sụt "tử thần" chứa thực vật quý hiếm và hóa thạch động vật biển cổ đại
(Dân trí) - Các chuyên gia rất bất ngờ khi phát hiện thấy bên trong hố sụt khổng lồ có những loài thực vật quý hiếm và hóa thạch của động vật biển cổ đại.
Một hố sụt khổng lồ vừa được phát hiện ở khu vực phía nam Trung Quốc hôm 20/6. Đây là một phần của hố sụt trong thời gian gần đây được tìm thấy hàng loạt tại tỉnh Quảng Tây nước này.
Các chuyên gia cho biết, những hố sụt này hình thành do xói mòn bởi dòng chảy của sông ngầm. Đá vôi bị nước chảy xói mòn tạo ra địa hình Karst, hình thành các hố sụt.
"Chúng tôi đã thu thập được một số mẫu thực vật chưa thể xác định và tìm thấy một loại cây mọc trên đá thuộc họ Gesneriaceae. Loài thực vật này chưa được tìm thấy ở các khu vực tại Quảng Tây trước kia. Nhiều khả năng, đây là loại cây mới", Shen Lina, một thành viên trong nhóm chuyên gia, cho biết.
Ngoài ra, trong hố sụt này, đoàn khảo cổ còn phát hiện thấy những mẫu hóa thạch động vật biển cổ đại có thể hơn 200 triệu năm tuổi.
"Đó là một loài động vật biển có hai lớp vỏ, một ở lưng và một ở bụng. Hai vỏ của chúng không đều nhau", chuyên gia Huang Bao Jian, chia sẻ thông tin.
Được biết, đây là hố sụt mới nhất vừa được phát hiện ở Quảng Tây và là một trong số 31 hố sụt tại Trung Quốc kể từ năm 2021 tới nay.
Trước đó, vào tháng 5 năm nay, các chuyên gia từng bất ngờ khi thấy một khu rừng với những cây cổ thụ hiếm có bên trong hố sụt khổng lồ tại địa phận khu tự trị dân tộc Choang gần làng Ping'e. Trưởng nhóm thám hiểm hang động, ông Chen Lixin cho biết, bên dưới đáy hố sụt cao gần 40m là những cây bóng râm mọc dày đặc, vươn cành về phía ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua lối vào.
George Veni, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Hang động và Karst Quốc gia (NCKRI) tại Mỹ, đồng thời là chuyên gia quốc tế về hang động, nhận định, đây là khám phá rất thú vị. Trên thực tế, miền nam Trung Quốc là nơi có địa hình núi đá vôi rất dễ xuất hiện hố sụt.
Chuyên gia Veni bổ sung, hố sụt được hình thành chủ yếu do sự phân hủy của nền đá. Nước mưa có tính axit nhẹ, hấp thụ carbon dioxide khi đi qua đất. Sau đó, nó nhỏ giọt, chảy qua các vết nứt trên nền đá, từ từ mở rộng thành những đường hầm và khoảng trống. Theo thời gian, nếu khoang hang đủ lớn, trần hang sẽ sụp xuống dần dần, hình thành những hố sụt khổng lồ.
Từ lâu, Quảng Tây vốn được biết tới với nhiều công trình đá vôi bao gồm các hố sụt, cầu đá tự nhiên và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.