Hệ thống thoát nước giúp Tử Cấm Thành suốt 600 năm chưa từng bị ngập úng

Huy Hoàng

(Dân trí) - Vào mùa mưa, kiểm soát tình trạng ngập úng là vấn đề lớn ở Bắc Kinh cũng như nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc, nhưng suốt gần 600 năm qua, Tử Cấm Thành chưa bao giờ bị ngập nước.

Hàng năm mỗi khi mùa mưa tới, nhiều thành phố ở Trung Quốc rơi vào tình trạng ngập úng phố cũng như sông. Nhưng riêng Tử Cấm Thành hay còn gọi là Cố Cung - điểm du lịch nổi tiếng gần 600 năm tuổi ở Bắc Kinh, chưa bao giờ bị ngập lụt.

Hệ thống thoát nước giúp Tử Cấm Thành suốt 600 năm chưa từng bị ngập úng - 1
Tử Cấm Thành hiện là một trong những điểm đến hút khách bậc nhất tại Trung Quốc (Ảnh: Trip).

Nguyên lý cơ bản để không bị ngập úng là lượng nước thoát đi phải nhiều hơn lượng mưa rơi xuống. Những kỹ sư cổ đại nắm rõ nguyên lý này nên đã thiết kế hệ thống thoát nước ở Tử Cấm Thành rất đồng bộ, tỉ mỉ và toàn diện.

Do mật độ xây dựng bên trong Tử Cấm Thành khá dày đặc nên khả năng tự thoát nước kém. Bởi vậy, việc xây dựng hệ thống thoát nước phải được thi công kỹ càng, tính toán chuẩn xác.

Hệ thống gồm cả ngầm và lộ thiên như kênh, mương, ao, hồ, đường ống dẫn ngầm len lỏi khắp các cung điện, hình thành mạng lưới thoát nước đồng bộ. Lộ thiên là các cổng thoát nước dẫn vào kênh mương, còn cổng ngầm nằm sâu dưới mặt đất.

Hệ thống thoát nước giúp Tử Cấm Thành suốt 600 năm chưa từng bị ngập úng - 2
Hơn 1.140 tượng đầu rồng đồng loạt phun nước (Ảnh cắt từ clip).

Trước quảng trường của Điện Thái Hòa là sân thượng tam cấp xây bằng đá cẩm thạch màu trắng. Sân thượng gồm 3 tầng cao hơn 7m. Quanh mỗi tầng lại có nhiều tượng đầu rồng được chạm khắc kỳ công.

Những bức tượng này không chỉ có tác dụng trang trí. Mỗi khi mưa xuống, nước lại phun thành cột từ các đầu rồng. Ước tính có hơn 1.140 tượng đầu rồng như thế. Khi nước cùng phun đồng loạt sẽ tạo ra cảnh tượng "vạn long phun nước".

Lượng nước sau đó sẽ đổ dồn vào sông Kim Thủy - con kênh nhân tạo bên trong Tử Cấm Thành.

Hệ thống thoát nước giúp Tử Cấm Thành suốt 600 năm chưa từng bị ngập úng - 3
Hệ thống thoát nước của Tử Cấm Thành được thiết kế đồng bộ, đạt độ chính xác cao (Ảnh cắt từ clip).

Nhìn toàn cảnh, hệ thống thoát nước ở Tử Cấm Thành được thiết kế đa dạng, có cả ao, cống ngầm và mương lộ thiên. Nhờ đó, hơn 90 cung điện trên tổng diện tích 720.000m2 thoát nước dễ dàng.

Có thể nói, việc quy hoạch ngay từ đầu và thiết kế đường thủy đóng vai trò rất quan trọng. Bên ngoài Tử Cấm Thành còn có ít nhất ba đường thủy chống ngập.

Đường thứ nhất là con sông bên ngoài và mương Đại Minh, hồ Thái Bình. Đường thứ hai là Hậu Hải và ao Thái Dịch. Đường thứ ba là sông Kim Thủy và mương Đồng Tử Hà bao quanh Tam Điện. Tất cả những con sông, kênh mương này vừa giúp cấp nước cho kinh thành, vừa là đường thoát nước chống ngập.

Toàn bộ lượng nước mưa ở Tử Cấm Thành đều chảy vào sông Kim Thủy. Nước chảy vào Đông Hoa Môn rồi hòa vào dòng kênh bên ngoài.

Hệ thống thoát nước giúp Tử Cấm Thành suốt 600 năm chưa từng bị ngập úng

Ngoài ra, hệ thống thoát nước còn được thiết kế dựa vào địa hình của vùng đất. Địa hình Bắc Kinh cao ở phía tây bắc, thấp dần về phía đông nam. Do vậy, nước tại thành phố sẽ thoát theo hướng đông nam. Những kỹ sư cổ đại sớm biết điều này nên thiết kế thoát nước ở Tử Cấm Thành thấp dần về phía nam.

Cụ thể, khu vực Thần Võ Môn thuộc cửa bắc của Tử Cấm Thành nằm ở độ cao 46,05m. Khu vực Ngọ Môn ở cửa nam nằm ở độ cao 44,28m. Chênh lệch độ cao hai phía khoảng 2m, từ đó hình thành hướng thoát nước từ bắc xuống nam.

Con đường giữa Cố Cung dành cho Hoàng đế được thiết kế theo hướng thoát nước sang hai phía rồi chảy vào sông hộ thành.

Chính nhờ hệ thống thoát nước được thiết kế đồng bộ và tỉ mỉ như vậy giúp dòng chảy luôn thông suốt. Nhờ đó, suốt gần 600 năm, bất chấp mưa bão lớn ra sao, Tử Cấm Thành chưa từng chứng kiến trận ngập lụt nào.

Có thể nói, công trình đã trở thành kỳ tích kiến trúc cổ đại được người đời sau khâm phục, không ngừng tìm hiểu và khám phá.

Hệ thống thoát nước giúp Tử Cấm Thành suốt 600 năm chưa từng bị ngập úng - 4
Suốt hàng trăm năm tồn tại, đến nay Tử Cấm Thành đã trở thành một trong những điểm du lịch hút khách bậc nhất tại Trung Quốc (Ảnh: Trip).

Tử Cấm Thành vốn là khu phức hợp cung điện ở khu Đông Thành thuộc Bắc Kinh, Trung Quốc, với tổng diện tích lên tới 720.000 m2.

Đây là nơi ở của giới hoàng tộc thuộc hai triều đại phong kiến nhà Minh và nhà Thanh. Khu di tích được UNESCO xếp vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và được công nhận là Di sản thế giới năm 1987.

Hiện tại, địa danh này là một trong những điểm đến hút khách bậc nhất tại Trung Quốc