Hé lộ nguyên nhân du lịch Việt Nam thăng hạng dù Covid
(Dân trí) - Có chiến lược phát triển du lịch quy mô, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, đây có thể xem là "chìa khóa" giúp du lịch Việt Nam thăng hạng, nâng tầm vị thế trên thế giới.
Câu chuyện tăng trưởng thần kỳ
Việt Nam vừa xuất sắc vượt qua Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, được giải thưởng du lịch uy tín nhất thế giới World Travel Awards vinh danh: "Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á", "Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á" và "Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á".
Đặc biệt, tại hầu hết các lĩnh vực, Việt Nam đều ghi dấu với những cái tên ấn tượng. Ở lĩnh vực hàng không, Vietnam Airlines được công nhận là "Hãng hàng thông hàng đầu châu Á - Hạng phổ thông"; "Hãng hàng không hàng đầu châu Á - Hạng phổ thông đặc biệt" và "Hãng hàng không văn hóa hàng đầu châu Á". Trong khi đó, sân bay Vân Đồn được nhận hai danh hiệu cho "Phòng chờ sân bay hàng đầu châu Á", và "Sân bay khu vực hàng đầu châu Á". Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cũng đã xuất sắc vượt qua 7 "đối thủ nặng ký" trong khu vực để giành chiến thắng tại hạng mục Cảng tàu khách hàng đầu Châu Á 2020.
Trong hạng mục các nhà điều hành tour, Vietravel nhận danh hiệu "Nhà điều hành tour hàng đầu châu Á". Ở lĩnh vực du lịch giải trí, tổ hợp Sun World Hon Thom Nature Park nhận giải thưởng "Công viên nước hàng đầu châu Á 2020" dành cho Aquatopia Water Park, và khu du lịch Sun World Ba Na Hills trở thành "Công viên chủ đề hàng đầu châu Á 2020".
Lý giải nguyên nhân giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam đạt được những thành tựu đó, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtour cho rằng, yếu tố đầu tiên phải kể đến là việc du lịch ngày càng nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước với định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. "Quan trọng hơn, nhận thức của người dân về du lịch cũng hoàn toàn thay đổi. Đặc biệt, vượt qua những đợt tấn công của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, Việt Nam là một trong những điểm đến hiếm hoi trên thế giới có thể phục hồi thị trường nội địa từ rất sớm", ông Hoan nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia du lịch, yếu tố thứ hai khiến du lịch Việt Nam thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới là nhờ "câu chuyện tăng trưởng thần kỳ" trong khoảng 5 năm gần đây. Lượng khách quốc tế giai đoạn 2015 - 2019 tăng 2,3 lần, từ 7,9 lên 18 triệu (tốc độ tăng trưởng bình đạt 22,7%/năm); lượng khách nội địa tăng 1,5 lần, từ 57 lên 85 triệu lượt; tổng thu tăng 2,1 lần, từ 355 ngàn tỷ đồng lên 755 ngàn tỷ đồng; năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ xếp thứ 75 năm 2015 lên thứ 63 năm 2019. Nếu không có Covid-19, chúng ta kỳ vọng sẽ đạt 20 triệu lượt khách quốc tế vào cuối năm nay. Với kết quả này, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Hạ tầng du lịch, từ điểm yếu trở thành niềm tự hào
Tuy nhiên, theo hầu hết các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, yếu tố then chốt giúp du lịch Việt Nam nâng tầm vị thế, không ngừng thăng hạng chính là việc đầu tư bài bản, toàn diện, quy mô quốc tế cho hạ tầng du lịch.
"Khoảng 5 - 10 năm gần đây, cùng với Nhà nước, các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước và quốc tế đã đầu tư mạnh, toàn diện vào hạ tầng du lịch, từ các khu nghỉ dưỡng sang trọng cho đến sân bay, cảng tàu…, tạo sức bật mạnh mẽ cho du lịch tăng trưởng", ông Hoan khẳng định, "Việt Nam giờ đây còn được biết đến là một thiên đường nghỉ dưỡng dành cho giới thượng lưu, với những khu resort đẹp và sang trọng vượt sức tưởng tượng", ông Hoan nói.
Đi khắp dọc dài đất nước, không khỏi choáng ngợp trước những khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula bốn lần liên tiếp được World Travel Awards vinh danh là Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới, và năm 2020 tiếp tục được công nhận là "Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu châu Á", hay JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay (Phú Quốc) - Khu nghỉ dưỡng và spa hàng đầu Châu Á 2020; Hotel de la Coupole MGallery (Sa Pa, Lào Cai)- "Khách sạn có thiết kế hàng đầu châu Á"…
Với sự góp sức đầu tư của các tập đoàn tư nhân lớn như Sun Group, Vingroup…, những năm gần đây, ngành du lịch Việt đã dần khẳng định được vị thế mới trên toàn cầu, thu hút ngày càng đông đảo du khách quốc tế. Nhờ được đầu tư hạ tầng du lịch bài bản, quy mô, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… từng một thời là những điểm đến nghèo nàn, ít trải nghiệm, giờ đây đã trở thành những điểm đến đẳng cấp và hấp dẫn tầm cỡ khu vực.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của các nhà đầu tư chiến lược, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch bày tỏ: "Trong đợt Covid-19 vừa qua, các tập đoàn lớn đã cùng với chính quyền địa phương chủ động tạo nên những "ngôi sao mới", giúp du lịch Việt Nam nâng tầm vị thế. Đơn cử như Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh), Khu du lịch Sun World Baden Mountain (Tây Ninh) của Tập đoàn Sun Group là những điểm đến mới hấp dẫn trước đây chưa được du khách biết đến nhiều. Chính những yếu tố mới đó đã góp phần nâng cao tính hấp dẫn, chất lượng của các điểm đến trên "dải đất hình chữ S".
Cách đây vài năm, cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam vẫn bị xem là "lẹt đẹt" so với tốc độ tăng trưởng du lịch nói chung và lượng khách quốc tế nói riêng. Tuy nhiên, những thành tích ấn tượng đạt được tại các giải thưởng danh giá quốc tế đã khiến bạn bè quốc tế phải nhìn du lịch Việt Nam bằng một "con mắt khác".