Hành hương tìm đến miền đất hứa
(Dân trí) - Trong những ngày dư luận Thế giới nóng bỏng về quyết định của Tổng thống Mỹ Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chúng tôi đã tìm đến vùng đất Thánh này.
1 – Từ Jordan vượt qua khu phi quân sự để vào Israel
Có thể nói, thế giới Ả rập và vùng đất Trung Đông là nơi tụ hội của bao nền văn minh và sự chìm nổi của dân tộc Do Thái. Theo thời gian, từ dân tộc Do Thái đã ra đời ba tôn giáo lớn nhất và ảnh hưởng nhất trên thế giới. Trước công nguyên hơn 1.500 năm đã tồn tại Do Thái giáo, tiếp theo là Thiên Chúa giáo được Chúa Jesus sáng lập vào thế kỷ 1 như một nhánh ly khai từ Do Thái giáo. Và đến thế kỷ thứ 6, nhà tiên tri Muhammad sáng lập nên Hồi giáo. Chính vì vậy, những Thánh tích ở vùng này gắn liền với cả ba tôn giáo, bao gồm gần 4 tỷ người trên thế giới.
Kinh cựu ước chép rằng, từ trên đỉnh núi NEBO thuộc Đất Jordan, Chúa đã chỉ cho ông Moses – một thủ lĩnh người Do Thái thấy vùng Đất Hứa. Bởi vậy trước khi vào Israel, chúng tôi đã đến đỉnh Núi Thiêng và vào nhà thờ còn lưu giữ bản đồ vùng Đất Hứa để tham quan rồi mới vào Đất Hứa.
Đúng dịp Giáng sinh, hàng đoàn du khách xếp hàng để qua biên giới Jordan vào Israel. Làm thủ tục xuất cảnh bên Jordan xong lên xe, qua một vùng đệm vài chục km mới đến điểm nhập khẩu Israel. Vào Israel bằng đường bộ nhưng kiểm tra an ninh chặt chẽ như các điểm biên giới đường hàng không vậy.
Đã hơn 40 năm thống nhất đất nước, khu phi quân sự ở bến Hải chúng ta đã xóa bỏ. Vậy mà khi qua đây, nhìn thấy những ụ châu mai tua tủa từ hai phía làm cho biết bao kỷ niệm gợi lại một thời. Trước cuộc chiến 6 ngày mấy mươi năm trước, Jordan đã chiếm tận Jerusalem.
Vào vùng đất Israel khác hẳn. Có lẽ một phần nhờ lưu vực sông Jordan nên màu xanh cây trái đã thấy nhiều, phần lớn đất đai đồng ruộng đã được các Hợp tác xã cải tạo, đưa khoa học kỹ thuật vào canh tác nên những rừng chà là, những trang trại oliu ngút ngàn. Phóng viên Dân trí đã có những bài viết cụ thể khi đi thăm các trang trại này. Ở đây, chúng tôi xin chỉ dành để giới thiệu những điểm du lịch, những thánh tích linh thiêng.
Có thể nói, quanh biển hồ Galilee có rất nhiều điểm gắn với cuộc đời 30 năm truyền giáo của Chúa Jesus. Thánh tích nối tiếp thánh tích. Sau một buổi tối du ngoạn trên thuyền ở biển hồ Galilee, chúng tôi lưu lại ở làng Capernaum – quê hương của thánh Peter. Đây là một địa điểm Chúa Jesus thể hiện các phép lạ giúp dân chài.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi lại tìm đến khúc sông Jordan – nơi Chúa Jesus được ban phép rửa tội. Đã đến đây, ai cũng mua hay tự xuống sông múc một hay vài chai nước ở địa điểm linh thiêng này về tặng bạn bè. Giá một lọ nước khoảng 100cc cũng tới 5-7 USD. Giữa ngày đông giá rét, các đoàn hành hương mộ đạo vẫn xuống sông Jordan tắm để gột bỏ những tội lỗi.
Cũng trên tuyến hành trình này, chúng tôi đã lên núi Tám mối Phúc. Thật là một địa điểm tương tự như khi hành hương về vườn Lộc Uyển bên Phật giáo vậy. Ở đây, Chúa đã giảng 8 điều PHÚC cho ai cầu xin về một cuộc sống thánh thiện.
Trên đường, chúng tôi đã ghé thăm Vườn treo Bahai, cũng là danh thắng bên bờ Địa Trung Hải hay thành phố Tel A Vip hiện đại. Nhưng trong không khí Giáng sinh, chúng tôi phải đến cho bằng được Nazareth - nơi sinh sống của ông Giuse và trinh nữ Maria được sứ thần Gabriel báo tin mừng "sẽ trở thành mẹ của Chúa Giê su (Jesus)”.
Ở đâu cũng gặp nhiều đoàn khách từ các châu lục đến hành hương. Thật may mắn cho đoàn chúng tôi, vào đêm 24 rạng ngày 25/12 đúng giờ phút thiêng liêng Chúa sinh ra đời, chúng tôi có mặt ở Bethlehem và dự thánh lễ Đặt Chúa hài đồng vào máng cỏ hết sức trang trọng.
2 – Jerusalem – tâm điểm Vùng Đất Hứa
Trên đường đến Jerusalem, ai trong chúng tôi cũng lấy làm lo ngại vì sự kiện Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố chuyển sứ quán Mỹ từ Tel A Vip về Jerusalem sẽ làm cho sự tranh chấp bùng phát...
Các hãng tin lớn của thế giới nhân dịp này đã đưa lại mấy con số: Trải qua 3.000 năm lịch sử, Jerusalem từng bị phá hủy 2 lần, bị bao vây 23 lần và bị tấn công đến 52 lần, trong đó có 44 lần bị chiếm rồi tái chiếm. Đáng chú ý là năm 1948, sau cuộc chiến tranh Ả Rập – Israel, thành cổ này bị Jordan kiểm soát. Đến năm 1967, sau cuộc chiến tranh 6 ngày, Israel giành lại thành cổ cùng một số địa điểm khác thuộc Đông Jerusalem.
Thế nhưng, đến Jerusalem không khí thật yên bình. Không khí lễ hội trang hoàng đèn hoa không chỉ có trong khu Đạo Thiên Chúa mà ngay ở Jericho – trung tâm thủ phủ Palestine. Trên một vườn hoa giữa thị trấn, có cả biểu tượng mặt trăng của Hồi giáo sát cạnh cây thông Noel...
Chúng tôi đi theo bức tường cao một thời phân cách Đông Tây, nhưng sự thông thương mua bán đi lại thì không thấy có gì cản trở. Anh lái xe chỉ cho tôi ở khu vực này ô tô có hai loại biển đăng ký. Xe có biển màu vàng là xe vùng Palestine thì không vào khu của Israel, nhưng xe biển trắng là xe bên Israel lại qua bên vùng Palestin kiểm soát được. Có lẽ minh chứng cho sự đối đầu mà khách hành hương có thể nhận thấy, đó là những khẩu hiệu: bên Bethlehem thuộc vùng kiểm soát của Palestine thì "Jerusalem mãi mãi là thủ đô của Palestine" và bên vùng Israel là "Cầu Chúa ban phước lành cho Tổng thống Trump...".
Có một điều rõ hơn là các lực lượng vũ trang Israel cả nam lẫn nữ tăng cường tuần tra và kiểm soát an ninh nghiêm ngặt trên đường phố và các cổng ra vào các điểm tham quan du lịch. Ngay cả khách sạn chúng tôi trú lại mỗi lần vào đều bị kiểm tra thân thể và hành lý mang theo.
3 – Lần theo 14 chặng đường Thánh Giá
Mặc dù là điểm nóng nhưng khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đổ về rất đông. Bởi ở đây không chỉ là mảnh đất thiêng của người Do Thái mà còn là nơi có hang đá Bethlehem Chúa Jesus ra đời. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi ghi nhận 14 điểm quan trọng trên chặng đường Chúa Jesus chịu nạn và là nơi có "Mộ Chúa" - điểm quan trọng bậc nhất đối với tín đồ Công giáo.
Mấy mươi năm trước, khi còn là một học sinh tiểu học, tôi thường theo các bạn học sinh công giáo vào nhà thờ Tam Tòa quê tôi. Tôi đã biết đến các buổi tín đồ suy ngẫm về Đàng Thánh giá qua 14 chặng mà Chúa Giê su chịu nạn. Cứ hết một chặng, bà con lại đồng thanh đọc ba bài kinh: Lạy cha, Kinh mừng và sáng danh Chúa.
Nhà thờ nơi Chúa Giê su cầu nguyện trước khi bị bắt và đây cũng là nơi có mộ Đức bà Maria
Du khách hào hứng chụp ảnh tại chặng đường thứ 8 chúa chịu nạn.
Tôi cũng không ngờ rằng, hôm nay chúng tôi được lần theo con đường Chúa đã chịu nạn thiêng liêng ấy. Chúng tôi tập trung ở cửa Lion thành cổ Jerusalem rồi vào nơi Chúa bị xử án. Đó là điểm số 1. Tiếp đến, chặng thứ hai là Chúa bị bắt phải vác cây Thánh giá. Đoạn thứ ba là Chúa bị ngã lần thứ nhất. Ấn tượng đối với khách hành hương không kể giáo hay lương khi đến điểm thứ 4 là nơi Đức Mẹ Maria gặp Chúa Giê su trong hoàn cảnh hết sức đau xót.
Đoạn nào chúng tôi cũng chụp hình, ghi lại kỷ niệm được đến một nơi mà tưởng chừng như chỉ có trong sách vở. Những nơi này dẫu khách đông nhưng không thấy chen lấn ồn ào. Chúng tôi đi qua 3 chặng đường Chúa bị ngất xỉu vì cực hình rồi dừng lại khá lâu ở chặng thứ 12, khi Chúa bị đóng đinh trên cây Thập tự.
Những kỷ vậtbằng gỗ quý được du khách ưa thích khi đến Jerusalem.
Chặng 14 là nơi Mộ Chúa. Có lẽ, đây là nơi khách hành hương đông nhất, thiêng liêng nhất và cũng có nhà thờ với những đồ thờ chế tác hết sức tinh xảo. May mắn cho tôi khi chị Kelly Nguyen cùng đi có gia đình theo đạo Tin Lành nên chị nắm khá rõ từng thánh tích. Chị đã ghi lại giúp những điểm đến trên 14 chặng đường.
Nếu bên Thiên Chúa giáo có Mộ Chúa là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình về Jerusalem thì đối với người Do Thái, Bức tường Than khóc là điểm đến thiêng liêng nhất. Bởi vậy, nhiều người dù có phải chờ chực cũng cố tìm đến cho bằng được.
Nam vào một bên, nữ vào một bên, ai cũng chuẩn bị sẵn bút giấy để viết lời cầu xin và nhét vào khe nứt bức tường. Chỉ có nam giới mới được vào phòng kho sách cầu nguyện.
Bức tường than khóc di sản thiêng liêng của người Do Thái
Nhà thờ Mộ Chúa rất tráng lệ
Cùng với thánh tích đặc biệt của Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo, sát ngay cạnh bức tường than khóc là nhà thờ Hồi giáo Dome of Rock. Đây được coi là một trong ba nhà thờ quan trọng nhất của Hồi giáo, là nơi có tảng đá mà Nhà tiên tri Đạo hồi đã bay về trời, hàng năm có hàng triệu tín đồ Hồi giáo tới hành hương.
Nhà thờ Hồi giáo thánh địa nổi tiếng nói Nhà tiên tri bay về trời
Phiến đá nơi đỡ Chúa từ cây Thập tự xuống
Nơi khách hành hương đông nhất là vào Mộ Chúa.
Vào quảng trường Hồi giáo, tôi bỗng nhớ tháng 7 rồi tại đây đã xảy ra vụ khủng bố. Biết tôi lo lắng, anh Hoàng Quốc Việt - một hướng dẫn viên du lịch của Migola đang hướng dẫn cho một đoàn khách Việt Nam từ Sài Gòn sang cho biết:
Ngày 14/07/2017 vừa qua, 3 đối tượng là người Ả Rập tấn công và giết chết 2 cảnh sát Israel, đó là một trong những lần hy hữu nhất vì đụng độ thì nhiều mà đấu súng ngay giữa Jerusalem thì đó là lần đầu tiên. Sau sự việc đó, Golden Dom bị tạm thời đóng cửa một thời gian ngắn rồi họ tăng cường biện pháp bảo vệ 24/24h và đã mở cửa trở lại.
Tình hình có vẻ nóng, nhưng người du lịch vẫn kéo đến ùn ùn. Người dân 4 khu vực trong thành phố tuy khác tôn giáo, khác chính kiến song vẫn qua lại buôn bán làm ăn bình thường. Ngay Adnan Adu Diad - người hướng dẫn chúng tôi thăm thành cổ Jerusalem là người gốc Palestin, quốc tịch Israel, anh ta là người Hồi giáo chính gốc hiện đang sống và làm việc ở gần Jerusalem. Nhờ Adnan chúng tôi đã có chuyến đến với Jerusalem từ bờ Đông sang bờTây. Từ các thánh tích của ba tôn giáo lớn đến bảo tàng Do Thái - một bảo tàng do cộng đồng Do Thái ở khắp nơi trên thế giới góp của góp công xây dựng. Thật ấn tượng với Jerusalem - trung tâm của vùng Đất Hứa!
Nguyễn Lương Phán