Hàng loạt ý kiến ủng hộ gắn khóa tình yêu trên cầu đi bộ Cần Thơ

(Dân trí) - Ngày 10/3, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ đã phối hợp cùng Sở VHTT&DL TP Cần Thơ và UBND quận Ninh Kiều tổ chức tọa đàm “Khai thác, quảng bá, tạo sản phẩm du lịch mới trên cầu đi bộ Cần Thơ”. Tại đây nhiều ý kiến ủng hộ cho các bạn trẻ gắn ổ khóa tình yêu trên cầu đi bộ.

img-1978-1457604138285

Cầu đi bộ Cần Thơ lúc hoàng hôn (ảnh Minh Đức)

Cụ thể, tại buổi tọa đàm có đến 9/11 ý kiến bày tỏ đồng thuận cho gắn khóa tình yêu trên cầu đi bộ, thậm chí người phương xa muốn lưu dấu đến Cần Thơ cũng được gắn khóa. Dù bày tỏ đồng tình được gắn khóa trên cầu, nhưng các ý kiến cũng đã đề nghị có giải pháp không làm mất mỹ quan bằng việc tạo điểm treo móc khóa ở hai bên đầu cầu, không móc khóa bừa bãi trên thành cầu, thậm chí phải thanh lý theo định kỳ không để tồn tại quá nhiều, quá lâu.

Ông Đinh Hiếu Nghĩa, Giáo viên trường Cao đẳng Nghề Du lịch Cần Thơ cho rằng: “Đi bộ là xu thế tiến bộ trên thế giới. Ở Cần Thơ có lợi thế là vẻ đẹp của bến Ninh Kiều. Vì thế, cần phát huy khai thác giá trị du lịch trên đoạn này”. Cụ thể, tổ chức cá hoạt động gắn với cộng đồng, hưởng ứng giờ trái đất, thắp nến trên cầu, đờn ca tài tử… để tạo điểm nhấn cho Cần Thơ là một khi đặt chân đến Cần Thơ thì không thể không biết tới cầu đi bộ này.

Kiến trúc sư Trương Công Mỹ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng kiêm Chủ tịch Hội kiến trúc TP Cần Thơ cho rằng Cầu Ninh Kiều (cầu đi bộ) là điểm nhấn kết nối không gian đô thị Ninh Kiều với Sông nước Cần Thơ. Theo ông Trương Công Mỹ, kiến trúc và vị trí của cầu còn kết nối được giữa quá khứ của bến Ninh Kiều xưa, với hiện tại và tương lai. Công năng của cầu không chỉ là đi bộ, nó còn là dấu ấn tinh thần sống động cho người Cần Thơ và du khách phương xa”, ông Mỹ nói.

clb-nu-doanh-nhan-can-tho-1457604500261

Các cô gái đang sải bước trên cầu đi bộ Cần Thơ

Còn soạn giả Nhâm Hùng, Nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô ủng hộ việc gắn khóa tình yêu trên cầu, nhưng theo ông nên để nó tự nhiên, không can thiệp gì cả. Cũng không nên ra văn bản hành chính là cho phép hay không cho phép gắn khóa trên cầu, bởi việc này cũng không có cơ sở để ban hành văn bản.

Ông Hùng cũng đồng tình với mục tiêu “Khai thác, quảng bá, tạo sản phẩm du lịch mới trên cầu đi bộ Cần Thơ” đồng thời đề xuất thêm, các ngành chức năng cần kéo giãn các sự kiện tổ chức tại Công viên Lưu Hữu Phước về khu vực cầu đi bộ, tại đây nên tổ chức các sự kiện du lịch, văn hóa như: tái hiện chợ nổi trên sông, hình thành tuyến du lịch đường sông chính thức, xây dựng Làng văn hóa Nam bộ, xây dựng đài quan sát để ngắm sông ngay tại cầu đi bộ.


Khóa tình yêu được các cặp đôi yêu nhau gắn trên cầu đi bộ vào dịp 14/2 vừa rồi

Khóa tình yêu được các cặp đôi yêu nhau gắn trên cầu đi bộ vào dịp 14/2 vừa rồi

Ông La Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch thành phố Cần Thơ nói: “Tôi ủng hộ các bạn trẻ gắn khóa tình yêu trên cầu vì đó sẽ là ấn tượng, kỷ niệm khó quên khi đặt chân đến Cần Thơ”.

Cầu đi bộ Cần Thơ nối từ bến Ninh Kiều sang cồn Cái Khế, có tên chính thức là cầu Ninh Kiều, thuộc loại công trình giao thông cấp III, kết cấu cầu bê tông cốt thép bán vĩnh cửu, thiết kế hình chữ S, có hệ thống đèn led trang trí nhiều màu sắc .

Cầu dài 200m, rộng 7,2m (phần bộ hành 5,8m; gờ và lan can 0,7m x 2), kinh phí xây dựng gần 50 tỷ đồng, là Cầu đi bộ đầu tiên ở TP Cần Thơ nối liền bến Ninh Kiều và cồn Cái Khế, cầu được khánh thành vào ngày 6/2/2016 vừa qua. Từ sau khi khánh thành đưa vào sử dụng đến nay, cầu Ninh Kiều đã tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch của TP Cần Thơ. Thời điểm sau khánh thành được một tuần, có nhiều bạn trẻ đang yêu nhau đã đến đây gắn ổ khóa tình yêu, tuy nhiên sau đó đã bị cơ quan chức năng cắt bỏ.

Phạm Tâm