Hãi hùng với ba món ăn kinh dị của người Việt
(Dân trí) - Việt Nam từ lâu được du khách quốc tế biết đến là thiên đường ẩm thực với những món ăn độc đáo hấp dẫn. Thế nhưng, ở Việt Nam có những món ăn mà ngay chính cả người bản địa cũng không dám thử bởi mùi vị, hình dáng và sự rủi ro của nó…
Tim rắn
Tim rắn, 'thần dược' được nhiều quý ông Việt tôn sùng, từng được xếp vào 1 trong 5 món ắn kinh dị nhất châu Á. Nhiều quý ông Việt cho rằng, nuốt chửng quả tim vừa lấy ra từ còn rắn, vẫn còn đang đập và nóng hôi hổi sẽ có tác dụng bồi bổ đặc biệt cho họ.
Quả tim vừa lấy ra từ con rắn, vẫn còn đập và nóng hôi hổi được đặt giữa một chiếc đĩa nhỏ đựng tiết, sau đó, nó được thả vào chiếc chốc chứa rượu. Người thưởng thức sẽ uống liền một hơi cả rượu và tim rắn. Nhưng có những người lại có sở thích thưởng thức món tim rắn kỳ lạ và độc: nuốt trọn quả tim ngay khi nó vẫn còn đang đập mà không cần nhúng vào cốc rượu.
Một vị khách phương Tây đã miêu tả về món ăn khiến nhiều người sợ hãi này như sau: “Quả tim rắn được đặt giữa một chiếc đĩa nhỏ đựng tiết. Nó còn ấm và vẫn đập. Ban đầu tôi định dùng đũa gắp quả tim lên nhưng những người bạn nói rằng đó không phải là cách thưởng thức tim rắn. Quả tim cần được thả vào một chiếc cốc chứa rượu và tiết rắn, sau đó uống liền một hơi. Thậm chí những người bạn Việt Nam đi cùng cũng kinh hãi khi tôi nuốt trọn cốc rượu pha tiết cùng quả tim".
Tiết canh dơi
Dơi sen là loại có cánh, đầu như đầu chuột, có lông màu đen, nhỏ hơn dơi quạ, lớn hơn dơi muỗi nên người ta còn gọi là “chuột bay”. Chúng sống thành bầy đàn, ăn trái cây vườn. Khoảng chập tối, người ta chuẩn bị dơi mồi, lưới vợt, giỏ đựng để đi săn bắt chúng. Nếu không có dơi mồi, người ta phải biết cách thổi để dẫn dụ chúng bằng cách dùng lá mì kẹp trong hai bàn tay thổi tạo giả tiếng dơi kêu. Khi dơi mồi hoặc người thổi dẫn dụ được dơi đến thì dùng vợt huơ bắt lấy chúng. Mùa săn bắt dơi sen nhiều nhất là vào mùa trái cây chín rộ.
Ảnh minh họa
Món tiết canh dơi thường được làm từ dơi sen hoặc dơi quạ. Dơi quạ là dơi đen và to con hơn, dơi sen màu lông chuột.
Để làm tiết canh dơi người ta chuẩn bị sẵn số tiết lấy từ 10 con dơi, đủ cho một đĩa tiết canh. Tiết được cho vào một ít nước mắm nhứt cùng một ít nước đun sôi để nguội để “hãm”, không cho đông. Một chiếc đĩa tinh tươm sắp sẵn cà chua xung quanh làm trang trí, sẵn sàng cho số thịt dơi xào chín trên chảo xúc trải vun lên. Cuối cùng, người ta rưới số tiết dơi đều khắp thịt dơi bằm xào chín rồi rắc ngò gai bằm nhỏ cùng đậu phộng rang bóc bỏ vỏ và những lát ớt sừng trâu đỏ tươi đều khắp trên mặt đĩa tiết canh dơi. Tiết canh dơi được người miền Tây truyền tai nhau là còn quí hơn cả tiết dê và tiết chim se sẻ.
Tuy nhiên, một số trường hợp bị tử vong sau khi ăn tiết canh rơi khiến nhiều người e sợ món ăn này.
Nậm pịa
Nguyên liệu làm món ăn này là tiết bò hoặc tiết dê để đông, đuôi, dạ dày, cuống tim và không thể thiếu một thứ nước sền sệt từ bên trong ruột non của con bò, gọi nó là “pịa”.Cách chế biến món nậm pịa như sau: Đầu tiên người ta chọn một đoạn ruột non ngon để lấy pịa, ninh xương và lục phủ ngũ tạng lên để lấy nước, sau đó họ đổ pịa vào, có nơi còn cho thêm chút mật bò vào pịa. Phần ruột non sau khi lấy phải buộc chặt hai đầu, sau đó cắt thành khúc, trộn kèm rau thơm, bột mắc khén (hạt tiêu rừng), tỏi, ớt, mùi tàu…tất cả các gia vị được băm nhỏ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Sau khi chuẩn bị xong, đặt nồi pịa trên bếp lửa đun đến khi nồi pịa sánh, sền sệt lại là được. Món nậm pịa được múc ra bát có màu nâu, nước sền sệt, ban đầu khi nếm thử ta sẽ thấy vị đắng và mùi hơi khó ngửi. Có nhiều người mới đầu khi trông thấy bát nậm pịa, ngửi thấy mùi đã không ăn được. Nhiều người cảm thấy khó ăn bởi không quen với mùi vị của món ăn này. Tuy nhiên đây lại là món ăn đặc sản đối với những người dân vùng Tây Bắc, đặc biệt món ăn độc đáo này chỉ được nấu trong những dịp quan trọng hay thiết đãi khách quý.
Hữu Thắng
(tổng hợp)