Hà Nội là thị trường du lịch trọng tâm của Quảng Bình
(Dân trí) - Chiều 25/3, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến và kết nối du lịch Quảng Bình – Hà Nội.
Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng và giàu tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch. Trong đó nổi bật là vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới cùng hệ thống hàng trăm hang động kỳ vĩ, độc đáo. Với những giá trị nổi bật đã được khẳng định, Quảng Bình được bình chọn là điểm đến hấp dẫn xếp ở vị trí thứ 8/52 của thế giới và đứng thứ nhất trên 12 điểm đến trong khu vực Châu Á.
Trong những năm qua, du lịch Quảng Bình đã có những sự tăng trưởng ấn tượng và bước đầu khai thác có hiệu quả một số tài nguyên du lịch nổi bật và vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Tiến Dũng - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình khẳng định, năm 2017 Quảng Bình đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành nghành kinh tế mũi nhọn của địa phương với dự kiến đón trên 3 triệu lượt khách. Trước đó, trong giai đoạn 2011 – 2016, du lịch Quảng Bình đã đón hơn 13,2 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 25%. Năm 2016, do sự cố ô nhiễm môi trường biển, ngành du lịch Quảng Bình bị thiệt hại nặng, lượng khách giảm còn 1,9 triệu. Quảng Bình đang nỗ lực để khôi phục lại lượng khách tham quan trong thời gian tới.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình cũng cho hay, hiện nay tỉnh chú trọng khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch mang lại giá trị cao như tuyến du lịch khám phá sông Chày-hang Tối, rào Thương- hang Én, thung lũng Sinh Tồn- hang Thủy Cung, động Thiên Đường, động Phong Nha, khám phá hệ thống hang động Tú Làn-hang Tiên, hang Va-hang Nước Nứt….
Sắp tới để đảm bảo sự hài lòng của khách du lịch, Quảng Bình sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thực hiện các giải pháp về kích cầu du lịch và bình ổn thị trường như: giảm giá các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển du lịch,lữ hành. Đồng thời, đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, nhân lực du lịch, các cơ sở lưu trú để có thể mở rộng sức chứa khách du lịch. Ông Dũng cũng kỳ vọng, sự kiện quảng bá này sẽ giúp tỉnh Quảng Bình khôi phục lại lượng khách du lịch bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường biển Formosa vào năm 2016.
“Chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” nói chung và hội nghị xúc tiến du lịch giữa Hà Nội – Quảng Bình nói riêng là một trong những chiến lược đưa du lịch Quảng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để kết nối các doanh nghiệp du lịch 2 địa phương gặp gỡ trao đổi và mua bán sản phẩm, ký kết hợp đồng đưa khách từ Hà Nội vào Quảng Bình và ngược lại”, phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình nói.
Trong khi đó, ông Hồ An Phong - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, cho rằng, trong các thị trường khách du lịch của Quảng Bình, các tỉnh phía Bắc đặc biệt là Hà Nội luôn được Quảng Bình chú trọng. Đây là những thị trường trọng tâm, là đầu mối quan trọng trong việc trung chuyển khách đến với Quảng Bình: “Chúng tôi hy vọng, chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” với chuỗi nhiều hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch Quảng Bình và lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của du lịch Quảng Bình đến với người dân Hà Nội và khách quốc tế. Góp phần phục hồi, thúc đẩy đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch hai địa phương gặp gỡ, kết nối hoạt động du lịch, trao đổi mua bán sản phẩm, đồng thời thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Hà Nội đến khai thác tiềm năng lợi thế du lịch Quảng Bình...”, ông Phong khẳng định.
Trong khuôn khổ hội nghị, hai bên cũng đã tiến hành ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch Quảng Bình – Hà Nội giai đoạn 2017 – 2020 và nhiều biên bản quan trọng khác nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy sự hợp tác, phát triển du lịch giữa hai địa phương trong thời gian tới.
Hà Trang