Ninh Bình:

Gốm cổ Bồ Bát hồi sinh sau hơn 1.000 năm thất truyền

(Dân trí) - Gốm Bồ Bát là tổ nghề của gốm Bát Tràng ngày nay. Khi gốm Bát Tràng nổi danh cũng là lúc gốm Bồ Bát bị thất truyền. Sau nghìn năm mai một, gốm Bồ Bát đang được hồi sinh bởi các tay thợ tài hoa của làng nghề gốm cổ xưa.

Một thời vàng son

Làng gốm Bồ Bát (là làng Bạch Bát - Bồ Xuyên Chấn Thanh Hoa thuộc Ái Châu Sơn) có từ hàng nghìn năm trước. Làng nổi danh nhất vào thế kỷ thứ X, cách đây hơn 1.000 năm, khi đó thuộc phủ Trường Yên, kinh đô Hoa Lư (huyện Hoa Lư, Ninh Bình ngày nay).

Nghề làm gốm ở làng Bạch Liên (làng gốm Bồ Bát) hồi sinh hơn 10 năm nay.
Nghề làm gốm ở làng Bạch Liên (làng gốm Bồ Bát) hồi sinh hơn 10 năm nay.

Gốm Bồ Bát nổi tiếng bởi sắc trắng độc đáo, có nhiều sản phẩm phục vụ sinh hoạt, xây dựng rất ý nghĩa thời đó. Điều này đã được chứng minh khi các nhà sử học và khoa học tiến hành khai quật chỉ khảo cổ tại làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (làng gốm Bồ Bát xưa). Cuộc khai quật đã phát hiện nhiều dấu tích của những lớp đất nung và những mảnh gốm ken dày đặc được táng cùng những bộ hài cốt cách đây hơn 1.000 năm.

Gốm cổ Bồ Bát cũng được tìm thấy nhiều tại các cuộc khai quật khảo cổ tại khu vực đền vua Đinh - vua Lê thuộc Khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình). Thời kỳ vua Đinh - vua Lê dựng kinh thành ở Hoa Lư cùng là thời kỳ vàng son của gốm Bồ Bát.

Theo nhiều tài liệu lịch sử, thời Lý - Trần gốm Bồ Bát cũng có mặt ở nhiều công trình. Thợ của làng chính là những người đã sáng tạo ra loại gạch đất nung “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (loại gạch chuyên dùng xây thành). Các sản phẩm tinh xảo, mang giá trị cao do thợ làng Bồ Bát làm ra thời kỳ đó phải kể đến như: Linh vật rồng, phượng, mặt linh thú, nhiều đồ gia dụng cho Vua chúa, Quan lại, Quý tộc…

Gốm cổ Bồ Bát hồi sinh sau hơn 1.000 năm thất truyền - 2
Những sản phẩm gốm độc đáo do những người thợ lành nghề ở Bạch Liên làm ra.
Những sản phẩm gốm độc đáo do những người thợ lành nghề ở Bạch Liên làm ra.

Sắc gốm trắng độc đáo của gốm Bồ Bát thời đó, ít loại gốm nào có được. Cùng với tay nghề điêu luyện của những người thợ của làng Bồ Bát, làng gốm nổi danh và “vang bóng” qua nhiều thời kỳ.

Tuy nhiên, năm 1.010 vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Lúc này, những nghệ nhân giỏi của làng gốm Bố Bát đã theo triều đình về Thăng Long, định cư ở vùng ven sông Hồng - nơi có vùng đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và tạo nên làng gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng. Ở đình làng Bát Tràng hiện vẫn còn đôi câu đối ghi dấu việc chuyển cư này: "Bồ di thủ nghệ khai Đình vũ - Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần. (Có nghĩa: Đem nghề nghiệp từ làng Bồ Bát ra đây để xây dựng đình miếu - Lòng dân thành kính tựa hương lan, dân lên cúng thánh thần).

Sau khi những người thợ gốm dời làng, Bồ Bát bấy giờ chỉ còn ít người giữ được nghề nhưng sau đó cũng chật vật với kế mưu sinh. Nhiều người dần chuyển qua cấy lúa, làm ruộng. Từ đó, nghề gốm của làng bị lãng quên theo thời gian, dần mai một và bị thất truyền từ đó.

Hồi sinh sau nghìn năm thất truyền

Gốm Bồ Bát tưởng chừng đã bị lãng quên, nhưng cách đây hơn 10 năm điều bất ngờ đã xảy ra khi những sản phẩm gốm Bồ Bát đã xuất hiện trở lại trên thị trường. Người hồi sinh gốm Bồ Bát là một thanh niên rất trẻ, quê làng Bạch Liên (Bồ Bát).

Đến nay, sau hơn 10 năm hồi sinh, thương hiệu gốm Bồ Bát đã có mặt nhiều nơi trên thị trường trong nước. Chính thức là thương hiệu gốm có tiếng cạnh tranh với gốm trong nước và nước ngoài.

Gốm cổ Bồ Bát hồi sinh sau hơn 1.000 năm thất truyền - 4
Sau nghìn năm thất truyền, gốm Bồ Bát đang hồi sinh và phát triển mạnh mẽ ở vùng đất một thời vàng son.
Sau nghìn năm thất truyền, gốm Bồ Bát đang hồi sinh và phát triển mạnh mẽ ở vùng đất một thời vàng son.

Anh Phạm Văn Vang (SN 1981), là nghệ nhân ưu tú - người hồi sinh lại gốm Bồ Bát cho biết, khi lớn lên đã được nghe cha ông kể lại về nghề gốm cổ quê mình. Từ đó, anh có sự đam mê, ngày ngày vừa học vừa tìm tài liệu có liên quan đến làng nghề gốm để nghiên cứu. Càng ngày, anh Vang càng say mê về nghề gốm hơn. Bởi vậy, anh đã quyết định khăn gói ra Bát Tràng (Hà Nội) để học nghề với quyết tâm gây dựng lại nghề gốm quê mình, sau khi học xong cấp 3.

Được sự giúp đỡ tận tình của những người họ hàng xa, cũng chính là những người có ông tổ ra đi từ quê hương Bồ Bát. Anh Vang sớm hội ngộ đủ những kiến thức về nghề gốm. Anh mày mò, nghiên cứu, sáng tạo và ấp ủ những dự định để sớm thực hiện ngay ở quê hương mình.

Cách đây hơn 15 năm, Vang về quê, bắt đầu gây dựng lại thương hiệu gốm Bồ Bát. Tuy nhiên, những năm đầu cơ sở của anh Vang hoạt động nhỏ lẻ, sản xuất manh mún nên gặp phải vô vàn khó khăn. Hơn nữa khi đó, thương hiệu gốm Bồ Bát chưa được ai biết đến, nên những sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ trên thị trường.

Nghệ nhân Phạm Văn Vang bên sản phẩm gốm do chính tay mình làm ra.
Nghệ nhân Phạm Văn Vang bên sản phẩm gốm do chính tay mình làm ra.

Anh Vang nhiều lần gặp khó khăn cũng có ý định bỏ nghề mà đi làm việc khác. Nhưng vì niềm đam mê, anh quyết định bám trụ với nghề cho bằng được nhờ có sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình. Họ không chỉ giúp đỡ anh về vật chất, tinh thần mà cũng chính là những người cùng anh trực tiếp sản xuất để gây dựng lại gốm Bồ Bát.

Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động, những năm gần đây gốm Bồ Bát đã có tiếng trên thị trường và được nhiều người lựa chọn. Các sản phẩm gốm do nghệ nhân làng gốm Bồ Bát làm ra với đủ chủng loại, mẫu mã, giá trị sử dụng khác nhau nên được nhiều người ưa thích. Gốm Bồ Bát hồi sinh bởi chất gốm có màu men trắng, rắn, sản phẩm làm ra được người thợ gốm dành hết tâm huyết khi phải trải qua nhiều công đoạn như chọn, xử lý và pha chế đất, tạo hình, sửa dáng, vẽ, tráng men, nung…

Loại đất sét làm ra gốm Bồ Bát được lấy ở các đồi xung quanh khu vực xã Yên Thành - đây cũng là nơi xa xưa cha ông làng Bồ Bát lấy đất làm gốm cổ. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, đất được tạo dáng, vuốt tay, be trạch trên bàn xoay ra các bình hoa, lọ, chén bát đĩa, chuông gió, tranh mỹ nghệ, tượng gốm nghệ thuật…

Gốm cổ Bồ Bát hồi sinh sau hơn 1.000 năm thất truyền - 7
Nghệ nhân say mê làm ra ra những sản phẩm gốm Bồ Bát để làng nghề ngày càng phát triển, lấy lại thương hiệu nổi tiếng xưa.
Nghệ nhân say mê làm ra ra những sản phẩm gốm Bồ Bát để làng nghề ngày càng phát triển, lấy lại thương hiệu nổi tiếng xưa.

Hiện nay, cơ sở sản xuất gốm ở Bồ Bát đang được làm trên diện tích nhà xưởng hơn 1.000m2 với hơn chục thợ hành nghề. Các sản phẩm nổi tiếng của gốm Bồ Bát đang đẩy mạnh sản xuất và phát triển đều là các sản phẩm lưu niệm, quà tặng gắn với các hình ảnh du lịch đặc trưng của tỉnh Ninh Bình: Cố đô Hoa Lư, Danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động...

Sau hơn 10 năm nghề gốm Bồ Bát được hồi sinh, thương hiệu ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến. Vào năm 2010, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng này đã được tỉnh Ninh Bình chọn đi dự hội chợ triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội” chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; nhiều sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Ninh Bình năm 2012; đặc biệt năm 2015 sản phẩm gốm Bồ Bát được Bộ Công thương vinh danh trong Lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2015.

Gốm cổ Bồ Bát hồi sinh sau hơn 1.000 năm thất truyền - 9
Các sản phẩm gốm Bồ Bát rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã, cạnh tranh trở lại trên thị trường với các làng gốm trong và ngoài nước.
Các sản phẩm gốm Bồ Bát rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã, cạnh tranh trở lại trên thị trường với các làng gốm trong và ngoài nước.

Thái Bá