Giật mình với “chợ mãng xà” ở Tam Nông
(Dân trí) - Gây ấn tượng mạnh cho những người mới đến Tam Nông (Đồng Tháp) trước hết phải kể đến rắn. Hàng trăm con rắn các loại nằm chen nhau nhung nhúc, quấn cuộn vào nhau, lóc nhóc vươn mình, ngóc đầu như muốn tìm đường thoát khỏi lồng.
Nhiều nhất là rắn bông súng, kế đế là hổ hành, ri voi, ri cá, rắn trun, rắn nâu… là những loài rắn rất thường gặp ở đồng ruộng, đầm lầy, sông nước ở ĐBSCL.
Rắn được trưng bày cho khách trên những bể kính với rất nhiều rắn sống đủ kích cỡ, từ loại rắn chỉ to bằng ngón tay. Bể kính có chiều dài gần 3m, cao khoảng 50cm và được chia thành nhiều ngăn.
Người dân ở đây chỉ mua bán chủ yếu các loại rắn như: ri cá, ri voi, bông súng… Mỗi ngăn để các con rắn có cùng kích thước chứ không phân loại rắn gì. Loại rắn to chừng trên 1 kg/con chỉ bán được cho các lái thương từ Sài Gòn đến mua.
Rất khó tưởng tượng rằng, một ngày một cửa hàng bán rắn ở đây bán được vài trăm ký rắn các loại, trong khi cái chợ này có cả chục hộ kinh doanh rắn như thế.
Loại rắn ri voi thì có giá từ 800.000 – 1 triệu đồng/kg tùy theo trọng lượng. Còn mấy loại rắn nước khác có giá từ 100.000 – 400.000 đồng/kg.
Theo nhiều hộ kinh doanh rắn tại đây, nguồn rắn được đưa từ Campuchia qua cũng nhiều và từ người dân đi săn bắt quanh khu vực Vườn quốc gia Tràm Chim cũng có. Cứ vào khoảng 4 – 5 giờ sáng, những chủ vựa rắn bắt đầu thu mua tấp nập và bán ngay sau đó cho các thương lái.
Người ta bảo rằng, về đồng bằng sông Cửu Long mà không biết đến những món khô nổi tiếng như: khô cá lóc, cá sặt, mắm cá trèn, mắm cá linh… thì coi như chưa biết đến vùng đất chín rồng. Tuy nhiên, ở Tam Nông lại có một món khô “độc nhất vô nhị” đó là món khô… rắn.
Một ngày vựa rắn ở tràm chim mua tới hàng trăm ký rắn từ khắp nơi đổ về, Do vậy, cũng có một phần rắn bị thương, bị ngộp không thể bán tươi được. Chính vì thế cách duy nhất để gỡ vốn đó là chế bến thành khô rắn. Để có được một ký khô rắn, phải cần đến 10 ký rắn tươi
Rắn bị chết, được người ta chế biến theo cách lột da lấy thịt và xương đem ướp muối. Sau đó phơi nắng và công đoạn cuối cùng là tẩm ướp gia vị, sấy khô. Còn phần da rắn sẽ bán lại cho các cơ sở sản xuất phân bón và làm thức ăn cho cá.
Hiện nay, món khô rắn được bán tại chợ Tam Nông với giá từ 350.000 đồng/kg khô thịt và 100.000 đồng/kg khô xương.
Theo những thương lái ở đây, số lượng khô rắn làm ra không nhiều. Tính sơ sơ mỗi tuần chỉ làm được 50 – 60kg khô nên có bao nhiêu là bán hết luôn. Thịt khô rắn ngọt, vừa dai, vừa mềm rất dễ chiều lòng thực khách.
Thiên nhiên lại “ban tặng” cho người dân Tam Nông những sản vật như: rắn, rùa, lươn, ếch, cá, chim… Mùa nước nổi, người dân đi săn bắt rắn, rùa một đêm, có người kiếm được gần 2 triệu đồng là chuyện bình thường.
Khai thác mãi rồi cũng cạn kiệt, hy vọng một ngày không xa, Tràm Chim sẽ không còn phải chứng kiến cảnh mua bán tấp nập động vật hoang dã ở cái chợ huyện vốn sầm uất như thế này nữa.
Minh Phan (Tổng hợp)