"Giải mã" ngôi miếu bí ẩn bên con đường đắt giá nhất Đà Nẵng

Ngôi miếu tĩnh lặng nằm ở cuối đường Bạch Đằng - con đường đẹp nhất TP.Đà Nẵng, với nhiều trụ sở cơ quan hành chính quan trọng cùng các tòa nhà cao chọc trời. Điều gì khiến ngôi miếu không tên được giữ lại nơi “tấc đất tấc vàng” đắt giá này?

Nếu du khách tới TP.Đà Nẵng, chắc chắn đều muốn trải nghiệm vẻ đẹp của sông Hàn thơ mộng, với đường Bạch Đằng phồn hoa uốn quanh bờ Tây sông Hàn.

Ngôi miếu nằm nép mình trên con đường đắt giá nhất Đà Nẵng.
Ngôi miếu nằm nép mình trên con đường đắt giá nhất Đà Nẵng.

Đường Bạch Đằng, nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc cổ thời Pháp như: UBND thành phố, Sở Tư pháp, Bảo tàng Điêu khắc Chăm… cùng nhiều công trình mang dấu ấn phát triển của thành phố như cầu quay sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý…

Đối với người dân TP.Đà Nẵng, đường Bạch Đằng biểu tượng cho sự phồn hoa khi không có chút thời gian ngơi nghỉ, với chợ Hàn rộn ràng mua bán từ 2-3h sáng, với những chương trình, lễ hội quanh năm để phục vụ du khách trong nước cũng như quốc tế…

Hằng ngày nhiều người đi lại qua ngôi miếu...
Hằng ngày nhiều người đi lại qua ngôi miếu...
...nhưng rất khó để du khách biết thông tin về ngôi miếu, khi ngôi miếu không có bảng tên, không có cửa.
...nhưng rất khó để du khách biết thông tin về ngôi miếu, khi ngôi miếu không có bảng tên, không có cửa.

Giữa dòng chảy không ngừng nghỉ, nhiều du khách không khỏi bất ngờ khi thấy ngôi miếu không tên chưa tới 10m2 nép mình tĩnh lặng dưới cây đa cổ thụ, nằm ở cuối Bạch Đằng giao với đường Như Nguyệt chạy tới cửa vịnh Đà Nẵng.

Vào bên trong, ngôi miếu có thờ bức tượng Quan Âm nhỏ, xung quanh giản tiện với vài bông hoa cúc tươi ai đó vừa dâng lên…

Ngôi miếu nằm tĩnh lặng giữa các tòa nhà chọc trời.
Ngôi miếu nằm tĩnh lặng giữa các tòa nhà chọc trời.

Đặc biệt, bên mép đường Bạch Đằng, ngay cạnh ngôi miếu có hai ngôi mộ được xây gọn gàng và có cả bát hương.

Cuối giờ chiều, nhiều người dân Đà Nẵng đi dạo và tập thể dục qua ngôi miếu đều ghé vào vái một lạy rồi tiếp tục công việc của mình.

Hai ngôi mộ nằm ven đường Bạch Đằng, ngay cạnh ngôi miếu.
Hai ngôi mộ nằm ven đường Bạch Đằng, ngay cạnh ngôi miếu.

Ông Lê Văn Thu (78 tuổi, trú đường Duy Tân, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho hay: “Ngôi miếu có từ những năm 1960, khi Cảng Đà Nẵng đóng ở đây. Thời đó, ngôi miếu còn nhỏ hơn bây giờ, nhưng theo thời gian đã được tôn tạo dần lên và đến năm 1974 thì được xây dựng cơ bản như hôm nay. Miếu được dựng lên để tưởng nhớ những công nhân, lao động đã tử vong khi làm việc ở Cảng Đà Nẵng".

Ông Thu cho biết thêm, thời đó Cảng Đà Nẵng tấp nập tàu thuyền ra vào. Hằng ngày, hàng ngàn công nhân tham gia bốc vác bằng tay không những bao gạo, bao thiết bị… tới cả 100kg từ tàu xuống cảng. Vất vả và nguy hiểm nên năm nào cũng có người tử vong, vì vậy Nghiệp đoàn lao động của cảng đã lập ra ngôi miếu ngay cổng để công nhân hằng ngày thắp hương…

Ông Lê Văn Thu hằng ngày đều đi qua ngôi miếu.
Ông Lê Văn Thu hằng ngày đều đi qua ngôi miếu.

"Hai ngôi mộ bên ngôi miếu là mộ thật. Hai nữ công nhân mang bầu làm việc trong cảng, do lao động quá sức đã đẻ non và các cháu đã ở lại đây” - ông Thu cho hay.

Theo ông, nhiều công nhân làm việc cho Cảng Đà Nẵng trước năm 1975 và sau này đều kính cẩn thắp hương mỗi ngày tại ngôi miếu. Họ thắp hương là để tưởng nhớ đồng nghiệp. Ngoài ra, họ tin rằng ngôi miếu rất linh thiêng sẽ phù hộ cho công việc nặng nhọc hằng ngày của họ được an toàn. Cũng bởi yếu tố lịch sử và sự linh thiêng của ngôi miếu nên rất nhiều lần thành phố xây dựng chỉnh trang, kéo dài đường Bạch Đằng, nhưng ngôi miếu vẫn tồn tại.

Theo Gia Huy

Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm