Gia đình Hà Nội chi 120 triệu cải tạo xe thành "nhà di động" đi xuyên Việt
(Dân trí) - "Ngôi nhà di động" hiện tại của vợ chồng anh Sơn, chị Thảo được cải tạo từ chiếc xe 16 chỗ Ford Transit đời 2010. Gia đình này đã có 31 ngày vi vu xuyên Việt bằng "ngôi nhà di động" diện tích chỉ 6m2.
Sau hành trình 11 ngày khám phá Cao Bằng, Hà Giang cùng các tỉnh miền núi phía Bắc vào năm 2022, hè năm nay, vợ chồng chị Thu Thảo (34 tuổi, Hà Nội) quyết định thực hiện chuyến đi xuyên Việt.
Gia đình 4 thành viên dự kiến lái xe từ Hà Nội tới mũi Cà Mau trong 15 ngày, nhưng quá nhiều điều thú vị đã khiến họ đi tới 31 ngày.
Xuyên suốt chuyến đi, gia đình chị Thảo sinh hoạt trên chiếc mobihome (nhà di động) - hình thức phổ biến tại nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ nhưng vẫn khá mới mẻ tại Việt Nam. Chiếc xe 16 chỗ được hoán cải thành một căn hộ mini với đầy đủ giường ngủ, bếp, bồn rửa tay, nhà vệ sinh, hệ thống điện và nước sạch…
Chị Thảo chia sẻ, ông xã của chị - anh Lam Sơn (36 tuổi) là người rất mê du lịch, khám phá. Trước đây, ông bố 8X thường đi du lịch bằng xe máy cùng bạn bè. Sau này, anh thấy áy náy khi để vợ ở nhà trông hai con. Thêm vào đó, nỗi nhớ gia đình khiến các chuyến đi không còn trọn vẹn.
Chính điều này đã thôi thúc anh Sơn tìm hiểu, bắt tay thực hiện "ngôi nhà di động" cùng vợ con vi vu khám phá.
Năm 2021, anh Sơn thực hiện hoán cải ô tô thành "ngôi nhà di động" đầu tiên. Chiếc xe hoàn thành, gia đình Hà Nội bắt đầu làm quen với những hành trình ngắn như khám phá rừng Cúc Phương, dã ngoại ở Kim Bôi (Hòa Bình)...
Đợt dịch Covid-19, dự định đi xuyên Việt không thể thực hiện, vợ chồng chị Thảo, anh Sơn dành thời gian khắc phục những hạn chế trên chiếc xe, cải tiến để có thêm công năng, tiện ích. Sau hơn 2 năm "nghiện" mobihome, cặp đôi đã cải tạo chiếc xe thứ 7. Đây được cho là phiên bản "nhà di động" hoàn hảo nhất với gia đình này.
"Những chiếc trước đây mình sang nhượng cho các gia đình cùng đam mê. Kinh tế có hạn nên mỗi khi tích lũy được thêm một khoản, mình lại đổi đời xe cao hơn, sắm các thiết bị tốt hơn", anh Sơn cho biết.
"Ngôi nhà di động" hiện tại của vợ chồng anh Sơn, chị Thảo được cải tạo từ chiếc xe 16 chỗ Ford Transit đời 2010. Trên xe có một chiếc giường đơn gấp, nằm ngay sau hai ghế lái. Đây là nơi dành cho anh Sơn nằm ngủ. Phía sau xe là chiếc giường lắp ghép kích cỡ 1,5mx1,65m dành cho ba mẹ con chị Thảo.
"Gia đình mình đã quen với cuộc sống trên xe. Dù đỗ xe ở ven biển, ven rừng, trên đảo hay thành phố tấp nập, cả nhà vẫn ngủ ngon lành", chị Thảo kể. "Trong hành trình, khi tới Nha Trang, mẹ và em gái mình cũng du lịch tại đây nên cả nhà chuyển ra khách sạn ở. Đêm ấy, cả nhà trằn trọc, cảm giác rất khó ngủ. Từ đó về sau, nhà mình hoàn toàn ngủ trên xe", chị kể thêm.
Chiếc xe 6m2 trang bị pin dự phòng 280AH, sạc một lần có thể dùng trong 2 ngày 2 đêm. Pin dự phòng sử dụng bộ sạc của xe ô tô nên cứ đi khoảng 100km thì pin tự đầy, không lo thiếu điện.
Trên xe trang bị điều hòa nguồn 220V chuyên dành cho mobihome, hệ thống đèn âm trần, quạt hút gió, tủ lạnh 60 lít có thể làm đá - làm mát, két nước chứa 100l nước sạch phục vụ sinh hoạt của gia đình, hệ thống chứa nước thải.
Xe có nhà tắm nhỏ gọn nhưng đủ phục vụ nhu cầu của 4 thành viên. Khu vực bếp có bồn rửa, kệ để đồ, nơi đặt bếp ga mini…
"Mình có thiết kế một quạt thông gió tại khu vực bếp để đảm bảo quá trình nấu ăn không ám mùi khó chịu", anh Sơn chia sẻ.
Trong 31 ngày, gia đình này lái "ngôi nhà di động" men theo các cung đường biển để tới Khánh Hòa, sau đó đến Đà Lạt, về TP.HCM, di chuyển khắp các tỉnh miền Tây sông nước. Sau khi dành vài ngày khám phá Phú Quốc, họ tiếp tục lái xe trở về theo cung đường biển qua Ninh Thuận, Bình Thuận…
Theo tính toán, chi phí chuyến đi khoảng 40 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với sinh hoạt bình thường của gia đình. Trong đó, chi phí xăng xe khoảng 15 triệu đồng, phí cầu đường hết 2 triệu đồng, tiền ăn uống khoảng 20 triệu đồng. Trước đó, chi phí mua xe và sửa xe khoảng 300 triệu đồng. Chi phí cải tạo xe thành "nhà di động" khoảng 120 triệu đồng.
Vợ chồng anh Sơn mất gần hai năm để chuẩn bị cho chuyến đi. Ngoài thời gian hoán cải xe, họ tìm kiếm một lịch trình phù hợp, chọn lựa các điểm đến đẹp, hoang sơ, không quá đông đúc hay nơi có nét phong tục tập quán thú vị.
Để đảm bảo sức khỏe cho hành trình dài, vợ chồng anh Sơn, chị Thảo chỉ lái xe không quá 4 tiếng, tương ứng khoảng 200km mỗi ngày. Thông thường, gia đình thức dậy lúc 7h, cùng nhau ngắm bình minh, tắm biển, sau đó lang thang khám phá các món ăn sáng đặc trưng của địa phương như cháo canh ở Đồng Hới, bún bò ở Huế, mì Quảng…
Tới 9h sáng, gia đình bắt đầu di chuyển đến địa điểm mới. Giờ trưa, họ thường ăn nhẹ và nghỉ ngơi tầm một tiếng. Họ dừng chân ở địa điểm mới trước 17h để con tắm biển, vui chơi ở các khu vực quảng trường.
Những ngày đầu, chị Thảo chủ yếu tự nấu ăn. Khi vào tới các tỉnh miền Trung, miền Nam, gia đình này dành bữa tối để thưởng thức ẩm thực địa phương.
"Khi du lịch bằng mobihome thì ở đâu cũng là nhà. Mình có thể đỗ xe ở cây xăng, trạm dừng chân, ven bờ biển,... Đồ ăn cũng được dự trữ trên xe. Nếu tới giờ ăn mà chưa tìm được quán, nhà mình sẽ đỗ ở nơi có bóng mát, tự chế biến các món ăn nhẹ", chị Thảo chia sẻ.
Anh Sơn thường chọn đỗ xe qua đêm ở những nơi không quá vắng vẻ, an ninh ổn định để đề phòng bất trắc. Có hai đêm họ nghỉ lại ở con đường ven biển Phú Yên và vịnh Vĩnh Hy do tới đây khi quá muộn.
Trong hành trình họ có gặp một vài sự cố như xe lún cát ở Quảng Nam, bị sa lầy ở hồ Trị An. "Sau vài năm du lịch bằng mobihome, vợ chồng mình cũng đã quen với sự cố như vậy. Mình thường chạy qua đường lớn nhờ người bản địa trợ giúp đẩy xe hoặc thuê xe cẩu. Chi phí dao động từ 300.000 - 600.000 đồng, tùy nơi", anh Sơn cho biết.
Gia đình nhỏ có một tháng trải nghiệm với rất nhiều "lần đầu" và "những cái nhất".
Họ đi qua cung đường biển đẹp nhất ở Phú Yên, cùng đón bình minh sớm nhất và đẹp nhất tại tỉnh này. Chị Thảo từng "sốc" khi mua được hải sản "rẻ như cho" ở thị trấn Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
"Địa điểm có nhiều người dân thân thiện nhất đối với gia đình mình là ở Tuy Hòa. Khi mình xin nước, ai cũng nhiệt tình hỗ trợ, còn dặn dò đi cẩn thận, may mắn", chị Thảo kể. Với nhiều người, việc xin nước hay sạc nhờ điện là điểm bất tiện của du lịch bằng ô tô nhưng với gia đình Hà Nội này, đây là cơ hội để tiếp xúc với người dân bản địa, có thêm những người bạn mới.
Sau chuyến đi, vợ chồng chị Thảo thấy hai con cứng rắn, mạnh dạn hơn. Hai bạn nhỏ giao tiếp tự tin, nhanh nhẹn chào hỏi và làm quen bạn mới. Từ những đứa trẻ thành phố sợ nắng, sợ nóng, sợ sóng to. Sau hành trình, bé Kem và Kay thích thú nhảy sóng, lặn biển.
"Cuộc sống trên chiếc xe vỏn vẹn 6m2 cũng rèn cho các con tính gọn gàng, ngăn nắp. Đây thực sự là hành trình vừa đi vừa học với gia đình mình", vợ chồng chị Thảo chia sẻ.