Dung dị nét ẩm thực Hà Nam
(Dân trí) - Mỗi món ăn Hà Nam, dù là món thông thường hay đặc sản đều mang đậm tình quê, hồn đất. Khi có dịp đặt chân đến Hà Nam, bạn chắc chắn không thể bỏ qua các món ngon nơi đây như: cá kho niêu dất, chuối ngự hay mắm cáy,…
1. Cá kho niêu đất làng Vũ Đại
Không giống như những nồi cá kho thông thường, cá kho niêu đất ở Hà Nam đã xây dựng được thương hiệu từ hàng trăm năm nay. Cách kho cổ truyền độc đáo cũng những bí kíp riêng đã khiến món cá nơi đây có vị ngon không nơi nào có được.
Mùa đông ăn cơm với cá kho thì quả là không còn gì thú bằng.
Với nguyên liệu chính là cá trắm đen, người dân làngVũ Đại kết hợp với những gia vị sẵn có của đồng quê, như gừng, riềng, chanh, khế chua, kẹo đắng,.. kho liên tục trong niêu đất khoảng 12 tiếng. Cá sau khi kho không khô hoặc không ướt quá, có vị thơm ngậy, thịt chắc, xương mềm, không phải bỏ đi bất cứ thứ gì.
Nếm thử một miếng cá, thực khách như cảm thấy đủ cả vị thơm của cá, ngậy của thịt mỡ, vị cay cay của giiềng, vị chua của chanh, chay, khế. Nhất là ngày Tết, ăn cá kho với bánh chưng thì quả là hết ý.
Bởi “Miếng ngon nhớ lâu”, nên nếu một lần được nếm món cá kho này, chắc hẳn bạn sẽ không bao giờ quên được vị thơm ngậy của nó. Đặc biệt, với người dân làng Vũ Đại, món cá kho đã trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết.
2. Bánh cuốn chả Phủ Lý
Bánh cuốn là món ăn phổ biến của Việt Nam. Nhưng ở mỗi địa phương, bánh cuốn lại mang một nét rất riêng, đặc trưng cho vùng miền. Bánh cuốn chả Phủ Lý – Hà Nam đậm chất dân dã, nhưng hương vị thì không thua kém bất cứ nơi nào. Bánh được ăn kèm với chả nướng, các loại rau thơm cùng nước chấm nóng và các loại gia vị khác nhau.
Chả được làm từ thịt lợn ba chỉ thái mỏng, sau khi ướp nước mắm, hạt tiêu, người ta xiên vào những chiếc que tre, đặt lên chậu than hoa đang cháy đỏ. Dưới bàn tay khéo léo của người làm, thịt được chín nhanh toả mùi thơm phức. Món nước chấm cũng được pha chế một cách cầu kỳ.
Bánh được cắt thành từng miếng vừa ăn, phết lên trên cùng chút hành củ phi giòn.
Những hàng bánh cuốn chả nằm dọc theo các con đường ở Phủ Lý từ lâu đã luôn là lựa chọn hàng đầu đối với những vị khách đi qua đây.
3. Chuối Ngự Đại Hoàng
Xưa kia, những quả chuối bé xíu vàng ươm ở làng Đại Hoàng từng được dâng lên vua nên nó được đặt tên là chuối “Ngự Hoàng” - tiến vua. Chuối này có màu vàng óng, quả nhỏ căng tròn, cuống xanh, đầu chuối có ba chiếc tua cong cong rất đẹp mắt.
Chuối ngự Đại Hoàng từng lọt vào top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam
Điểm đặc biệt của loại hoa quả này, đó là nếu đem trồng ở vùng đất khác ngoài làng Đại Hoàng, quả cũng có hình dáng tương tự nhưng lại không thể có mùi vị thơm ngon như ở đây. Chính vì vậy chuối Ngự trở thành đặc sản có 1- 0- 2 của nơi đây.
Ngoài món cá kho làng Vũ Đại, chuối Ngự đã trở thành món quà quý đối với du khách thập phương mỗi khi ghé thăm mảnh đất này. Nải chuối Ngự được coi là ngon phải hội tụ đủ cả các yêu cầu về hình, về hương, về sắc. Mỗi nải chuối như một bông hoa xòe cánh, thường được nhiều người ưa chuộng đặt lên bàn thờ tổ tiên trong những ngày giỗ, Tết.
4. Mắm cáy Bình Lục
Hà Nam không chỉ nổi tiếng là quê hương gạo đồng phù sa, mà còn nổi tiếng bởi một loại mắm đặc biệt có vị hăng hăng, cay cay, thơm thơm. Đó chính là mắm cáy. Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, cáy có nhiều ở các vùng nước lợ như Thanh Liêm, Bình Lục, Kim Bảng….nhưng nghề làm mắm cáy phát triển mạnh nhất ở huyện Bình Lục.
Mắm cáy thường được ưa chuộng dùng kèm rau muống luộc
Để làm nên loại mắm cáy thơm ngon đặc biệt, người làm mắm phải chọn được những con cáy tươi ngon nhất. Cáy sau khi bắt từ đồng về, được rửa sạch rồi đem giã nhuyễn trong cối đá. Trong quá trình nêm giã sẽ nêm muối tinh đủ độ mặn, cho tất cả vào một hũ sành cùng với giềng hoặc gừng đập dập. Tiếp theo lấy vải màn bịt chặt hũ lại phơi nắng một ngày rồi đem chôn dưới đất, để càng lâu mắm cáy càng có mùi vị thơm ngon, hấp dẫn.
Mắm cáy khi thành phẩm sẽ có màu sắc rất bắt mắt, mắm hội đủ mùi vị, có vị mằn mặn của muối, vị béo, bùi của giềng, vị ấm nóng của gừng… Mắm cáy Bình Lục đã trở thành một sản phẩm độc đáo.
5. Bún Tái Kênh
Làng Tái Kênh ghi tên trong bản đồ ẩm thực bằng món bún dẻo dai nức tiếng. Bún Tái Kênh trắng, trong, săn sợi và không dùng chất bảo quản. Qua nhiều giai đoạn ngâm gạo, xay gạo, nhào nặn bột, luộc, giã theo bí truyền riêng của gia đình, dòng họ trong làng mà mới có thành quả là những lá bún, vắt bún ngon lành.
Để làm nên những mẻ bún thơm ngon, việc quan trọng đầu tiên là bí quyết từ khâu chọn gạo. Gạo làm bún phải là gạo Khang dân, gạo Ải – loại gạo khi nấu phải khô. Trong quá trình làm bún, điều quan trọng là việc giữ lửa trong lò. Nếu lửa quá to bún sẽ dễ bị gãy và nước bún dễ bị trào ra lò lửa. Nếu lửa nhỏ sẽ không đủ để làm bún chín, bún bị trương, khi ăn sẽ không được dai.
Bún Tái Kênh được người dân trong vùng và các khu lân cận rất ưa chuộng. Người ta hay bảo nhau, bún này ăn với mắm cũng thấy ngon là có lý do của nó.
6. Quýt Lý Nhân
Quýt Lý Nhân quả dẹt, vỏ giòn, mỏng, khi chín màu vàng ươm. Quýt vùng này mọng nước bên trong và nhiều tinh dầu bên ngoài. Dùng tay bóc vỏ thấy mùi thanh mát tỏa ra dễ chịu.
Những trái quýt nặng trĩu cành
Quýt Lý Nhân là một loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao chứa nhiều vitamin C giúp vết thương mau lành, làm cho da lâu già, ngăn quá trình lão hóa, riêng vỏ quýt còn được dùng làm thuốc chữa bệnh (có tên gọi trần bì- Citrus reticulata, thanh bì,...) và làm tăng hương vị của món chả rươi.
Quýt Lý Nhân nổi tiếng khắp nơi không những trong nước mà còn được xuất khẩu ra thị trường thế giới và cũng ừng dùng làm đặc sản tiến vua khi xưa. Vì thế, nếu có cơ hội qua Hà Nam mùa quýt, du khách nên tranh thủ thưởng thức món ngon đặc biệt này.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp