Đua nhau lên đỉnh Phan Si Păng trong ngày Lễ tình yêu

(Dân trí) - Trời nắng đẹp, ấm áp và vẫn trong không khí ngày tết Bính Thân nên Ngày lễ tình yêu ( 14/2/2016) có rất đông gia đình trẻ và các đôi uyên ương rủ nhau đi cáp treo lên du xuân trên "Nóc nhà Việt Nam".

Cáp treo Phan Si Păng đang là sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi tới thăm vùng du lịch nổi tiếng Sa Pa dịp đầu xuân mới 2016 dù giá rất đắt, 600 ngàn đồng/ người lớn hoặc trẻ em cao từ 1,3 mét trở lên, 400 ngàn đồng/ trẻ em cao từ 1 - 1.3 mét, còn trẻ em cao dưới 1 mét đi cùng người lớn được miễn phí hoàn toàn.


Hệ thống cáp treo Phan Si păng đưa du khách từ chân núi Hoàng Liên lên điểm cao hơn 2.800 mét với công suất 2.000 khách/giờ và 15 phút/chuyến

Hệ thống cáp treo Phan Si păng đưa du khách từ chân núi Hoàng Liên lên điểm cao hơn 2.800 mét với công suất 2.000 khách/giờ và 15 phút/chuyến

Từ ga đầu tiên ở khu vực tổ 11 thị trấn Sa Pa dưới chân núi Hoàng Liên lên tới ga cuối cùng của cáp treo Phan Si Păng ở độ cao hơn 2.800 mét so với mặt nước biển du khách ngồi trong ca bin di chuyển lên hết 15 phút.

Muốn lên chụp ảnh cùng cộc mốc đỉnh núi Phan Si Păng cao 3.143 mét du khach sẽ phải đi bộ leo dốc tiếp qua 639 bậc đá hết khoảng 15 - 20 phút.

Ngồi trong cáp treo du khách có cơ hội ngắm cảnh núi rừng Hoàng Liên hùng vỹ và đẹp như tranh thủy mạc.


Du khách thích thú tham quan, chụp ảnh lưu niệm ở Nóc nhà Việt nam cao 3.143 mét

Du khách thích thú tham quan, chụp ảnh lưu niệm ở "Nóc nhà Việt nam" cao 3.143 mét

Đặc biệt hơn du khách sẽ thấy thiêng liêng khi đứng cạnh cột mốc ghi lại hình ảnh lưu niệm của mình cùng địa danh đỉnh núi Phan Si Păng được mệnh danh là "Nóc nhà Việt Nam" và "Nóc nhà Đông Dương" mà chỉ mấy năm trước không phải ai cũng có điều kiện đặt chân tới đây.

Theo thống kê sơ bộ từ ngày mùng 3 Tết nguyên đán Bính Thân tới ngày mùng 7 tháng Giêng (ngày 14/2) đã có khoảng gần 20 ngàn lượt du khách đi cáp treo lên thăm Phan Si Păng, bằng gần số du khách leo núi chinh phục đỉnh Phan Si Păng và leo núi thăm Vườn quốc gia Hoàng Liên - Sa Pa năm 2015 cộng lại.

Phạm Ngọc Triển