Du lịch Vĩnh Phúc năm 2024 ước đạt 4.000 tỷ đồng

Việt Hà

(Dân trí) - Trong năm 2024, ngành du lịch Vĩnh Phúc dự kiến đón 10,5 triệu lượt khách với tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng nhờ các chiến lược thúc đẩy và cải tiến đồng bộ.

Vĩnh Phúc được đánh giá là tỉnh thành có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Vị trí địa lý của tỉnh gần điểm đầu của quốc lộ 18 nối với Quảng Ninh, là cánh cửa mở ra biển để phát triển các ngành kinh tế cũng như dịch vụ du lịch.

Đặc biệt, tỉnh được coi là cửa ngõ của Hà Nội, nơi trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và cũng là trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Ngoài ra, Vĩnh Phúc có tới hơn 1.300 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 514 di tích được xếp hạng các cấp, 3 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Tây Thiên, Di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang.

Du lịch Vĩnh Phúc năm 2024 ước đạt 4.000 tỷ đồng - 1
Tam Đảo được xác định là huyện trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Nguyễn Hòa).

Dựa trên những lợi thế này, trong năm 2024, giữa bối cảnh khó khăn, thách thức đan xen của nền kinh tế, tuy nhiên du lịch Vĩnh Phúc vẫn đạt được bước phát triển ngoạn mục.

Tổng lượng khách du lịch tới tỉnh trong năm 2024 ước đạt 10,5 triệu lượt, tăng 13% so với năm 2023. Trong đó, 90.000 lượt là khách quốc tế. Tổng doanh thu toàn tỉnh ước đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023.

Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, tới tháng 11, hoạt động thương mại và dịch vụ của tỉnh duy trình đà tăng trưởng nhờ các hoạt động xúc tiến, bình ổn giá và kích cầu tiêu dùng.

Đáng chú ý, doanh thu của 4 thành phần cấu thành tổng mức hoạt động bán lẻ, dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ lữ hành du lịch và các dịch vụ khác đều tăng với tốc độ tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 11/2024 ước đạt 623,3 tỷ đồng, tăng 5,57% so với tháng trước và tăng 13,13% so với cùng kỳ năm 2023 (bao gồm dịch vụ lưu trú đạt 60,5 tỷ đồng, tăng 12,28%; dịch vụ ăn uống đạt 562,8 tỷ đồng, tăng 13,22%).

Doanh thu du lịch lữ hành tháng 11/2024 đạt 24,5 tỷ đồng, giảm 27,0% so với tháng trước nhưng tăng 23,54% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 11 tháng, doanh thu đạt 496,5 tỷ đồng, tăng 106,41% so với cùng kỳ năm trước. Để có được những con số này chủ yếu nhờ sự phục hồi du lịch và sức hút của các điểm đến như Tam Đảo, Tây Thiên.

Du lịch Vĩnh Phúc năm 2024 ước đạt 4.000 tỷ đồng - 2
Lễ hội đường phố Lala Town được tổ chức ở Đại Lải, thu hút lượng khách lớn tới trải nghiệm (Ảnh: Flamingo Resort).

Cùng với đó, nhiều hoạt động sự kiện văn hóa kích cầu du lịch được Tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị tổ chức những chương tình để lại dấu ấn như ngày hội du lịch xuân 2024 với chủ đề "Kết nối di sản để phát triển du lịch"; "Chào hè Vĩnh Phúc năm 2024"; chương trình "Dấu ấn mùa đông - thị trấn Tam Đảo 120 năm hình thành và phát triển"; tổ chức "Lễ hội đường phố Lala Town" tại Flamingo Đại Lải Resort...

Có thể thấy, trong năm 2024, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đạt mục tiêu ấn tượng nhờ các chiến lược thúc đẩy và cải tiến đồng bộ. Những nỗ lực chính từ chính quyền bao gồm nâng cấp hạ tầng du lịch, phát triển dịch vụ lưu trú và lữ hành, đồng thời đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng số.

Tỉnh cũng chú trọng khai thác thế mạnh từ các điểm đến nổi bật như Tam Đảo, Tây Thiên và các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu này không dễ dàng, đòi hỏi cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo thêm sản phẩm đặc trưng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện ngành du lịch Vĩnh Phúc tiếp tục xác định phát triển theo 3 hướng chính để phát huy những lợi thế về mặt tự nhiên và nhân văn, gồm du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo.

Sự quyết tâm từ chính quyền và các doanh nghiệp hứa hẹn sẽ đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương.  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm