Du lịch Việt chưa giải được "bài toán" sụt giảm khách quốc tế

(Dân trí) - Lại thêm một tháng nữa, khách quốc tế đến Việt Nam giảm sút và đây là tháng giảm thứ 13 liên tiếp kể từ tháng 6/2014. Đây được xem “biến cố” chưa từng xảy ra trong những năm gần đây của ngành du lịch Việt Nam....

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2015 là 529 nghìn lượt, giảm 8,2% so với tháng trước, trong đó khách đến qua đường hàng không giảm 8,6%, đường bộ giảm 8,9% và khách đến bằng đường biển tăng hơn 2,5 lần. Khách đến từ châu Âu có mức giảm nhiều nhất với 14,7%, từ Châu Á giảm 10,6% trong khi khách đến từ châu Úc tăng 1,6%. 

Du lịch Việt chưa giải được bài toán sụt giảm khách quốc tế


Những thị trường châu Á có số lượng khách giảm nhiều gồm Trung Quốc giảm 30,2%; Hàn Quốc giảm 10,6%; Thái Lan giảm 5,1%; Nhật Bản giảm 5,3%. Khách từ các nước châu Âu giảm gồm Pháp giảm gần 50%; từ Đức, Hà Lan và Bỉ giảm từ 25-30%. Chỉ có ba nước Bắc Âu là Nauy, Thụy Điển, Phần Lan và Nga có số lượng khách tăng so với tháng trước. Khách đến từ Mỹ tăng 31,1% trong khi  từ Canada lại giảm 12,1%. Dịch Mers đang diễn ra tại Hàn Quốc và châu Á được coi là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch hạn chế đi lại trong dịp này.

So với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6 giảm 1,9% và là tháng giảm thứ 13 liên tiếp kể từ tháng 6/2014. Một trong những nguyên nhân là do 5 tháng đầu năm 2013 lượng khách đến ở mức thấp, từ tháng 6 lượng khách tăng mạnh đến thời điểm tháng 5/2014. Từ tháng 6/2014, do ảnh hưởng của sự cố Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam nên lượng khách giảm dần. Các tháng đầu năm 2015 lượng khách cao hơn năm 2013 (bình quân 7,5%) nhưng thấp hơn năm 2014.

Du lịch Việt chưa giải được bài toán sụt giảm khách quốc tế


Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính 3,8 triệu lượt người, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 9,1%; đường bộ giảm 19,7%; đường biển giảm 26,5%.Đặc biệt là thị trường Nga lại tiếp tục giảm. Hiện rất nhiều chủ khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp tại những điểm du lịch nóng như Nha Trang, Mũi Né đều “kêu trời” vì lượng khách nước ngoài giảm mạnh.

Nguyên nhân chính là do yếu tố khách quan như sự sụt giảm của các thị trường chiếm tỷ trọng cao (khách Trung Quốc chiếm 1/4 tổng lượng khách quốc tế vào Việt Nam) và các thị trường nói tiếng Hoa vẫn chưa phục hồi. Cột mốc tháng 5/2014 nhắc chúng ta nhớ đến những căng thẳng trên biển Đông diễn ra giữa năm ngoái. Biến cố này có lẽ là nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường lớn từ Trung Quốc đối với du lịch Việt Nam cho đến nay vẫn chưa lấy lại thăng bằng.

Một điều khó có thể phủ nhận rằng, thực tế có nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam hiện vẫn mang theo tâm lý bất an và dè dặt với các dịch vụ. Một số 
chương trình khuyến mại tặng quà miễn phí cho những du khách quốc tế  nhưng các du khách liên tục từ chối nhận quà vì sợ sau đó bị… đòi tiền. Khi được hỏi, những vị khách này chia sẻ rằng bạn bè hoặc bản thân họ đã từng đến Việt Nam và sử dụng một số dịch vụ. Tuy nhiên, sau khi sử dụng những vật phẩm được nói là “cung cấp sẵn” thì lại bị thu phí, thậm chí là mức phí khá cao.

Thống kê thị trường trong 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy, không chỉ khách Nga, Trung Quốc mà hầu hết khách đến từ hầu hết các thị trường châu Á đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trừ Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore, Úc giảm đều so với cùng kỳ năm trước.

Du lịch Việt chưa giải được bài toán sụt giảm khách quốc tế


Theo lý giải của ngành quản lý du lịch Việt Nam, thì thị trường inbound lớn thứ hai là Nga (tăng trung bình hàng năm 25-30%) vẫn đang gặp khó khăn do xứ sở 
Bạch dương đang đứng trước những thách thức rất lớn về kinh tế chính trị. Thêm vào đó, dịch bệnh Mers tại Hàn Quốc, gần đây tiếp tục gây “khó” cho du lịch Việt Nam. Điều này khiến cho tăng trưởng du lịch Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan như chúng ta trông đợi.
 

Du lịch Việt chưa giải được bài toán sụt giảm khách quốc tế


Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, ngành du lịch nên có những phản ứng tức thì để đối phó thì mới góp phần ngăn chặn đà sụt giảm, trước hết, phải tạo ra được những sản phẩm có giá mềm hơn để thích hợp với túi tiền của du khách. Hiện nay, cạnh tranh ngay trên thị trường của các đối tác nước ngoài cũng rất khốc liệt. Những đối tác này đều đòi hỏi các tour đến Việt Nam phải có giá tốt hơn, có các chính sách khuyến mãi ngắn hạn và dài hạn để thu hút khách hàng.
 
Hữu Thắng