Du lịch trải nghiệm tạo nên giá trị đầu tư như thế nào đối với Yên Bái?
(Dân trí) - Loại hình du lịch trải nghiệm đang trở thành xu hướng và Yên Bái càng trở nên hấp dẫn bởi địa phương này có nhiều địa danh du lịch hấp dẫn như: Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Đỉnh Tà Xùa, Đèo Khau Phạ….
Đây cũng là lý do khiến thị trường BĐS thương mại - du lịch tại đây đang nóng lên từng ngày. Các chuyên gia BĐS cho rằng, nhiều nơi đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ tăng giá nên còn nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư.
Nghĩa Lộ - tâm điểm kết nối cung đường du lịch trải nghiệm
Nằm ở vị trí trọng yếu, Nghĩa Lộ là tâm điểm kết nối các địa danh du lịch nổi tiếng như Trạm Tấu - sở hữu nguồn khoáng nóng tự nhiên lớn nhất Việt Nam; Đỉnh Tà Xù quanh năm mây phủ, Suối Giàng - với gốc chè Shan Tuyết hàng trăm năm tuổi; Đèo Khau Phạ - Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc; Và đặc biệt là Mù Cang Chải - top 50 điểm đến đẹp nhất với danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Mù Cang Chải đã được quy hoạch trở thành địa danh du lịch tầm cỡ quốc tế lớn nhất khu vực với những cấu phần trọng yếu như: Du lịch từ trên cao bằng trực thăng quan sát, Du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng - thiền, du lịch văn hóa - cộng đồng.
Không chỉ sở hữu hữu cảnh sắc thiên nhiên làm say lòng người, Thị xã Nghĩa Lộ còn là cái nôi của người Thái đen, nơi lưu giữ và trao truyền những giá trị văn hóa đặc sắc như sáu điệu Xòe cổ được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Vào ngày 24/9, tại địa phương này, UBND tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Theo thông tin từ BTC lễ hội, sau phần khai mạc, trao bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ là Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản", với sự tham gia của trên 3.000 diễn viên, nghệ nhân, nhân dân; trong đó riêng màn đại xòe với quy mô 2.022 người.
Ngoài ra, các địa phương trực thuộc tỉnh Yên Bái cũng hưởng ứng Lễ đón nhận và khai mạc lễ hội. Tại huyện Mù Cang Chải sẽ diễn ra các hoạt động: Festival dù lượn khai mạc vào ngày 25/9; khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải bằng máy bay trực thăng từ 20/9; giải chạy Marathon khai mạc vào ngày 23/9; Festival Khèn Mông và chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề "Mù Cang Chải - Khát vọng vùng cao" ngày 30/9.
Lễ đón nhận nhằm tôn vinh, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Xòe Thái" được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Thái các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng.
Tiềm năng du lịch "đánh thức" giá trị đầu tư
Nhờ tiềm năng du lịch có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước, nên Yên Bái dần trở thành "thỏi nam châm" mang lực hấp dẫn đặc biệt đối với giới đầu tư. Chính bởi vậy mà các "ông lớn" trong thị trường bất động sản đã đặt chân tới một số địa phương tiềm năng của tỉnh này, như: Vingroup, Công ty CP ĐT&PT Nhà VNP với dự án Golden Field, Apec Group với dự án Golden Valey Mường Lò hay các CĐT khác như TH Group, Alphanam, Eurowindow Holding…
Trong đó, thị xã Nghĩa lộ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, hình thành nên chuỗi du lịch miền núi lớn nhất khu vực. Các chuyên gia đánh giá, Nghĩa Lộ nằm ở giữa trên cung đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Đây là vị trí trọng yếu, tâm điểm kết nối các địa danh du lịch nổi tiếng phía Tây hình thành nên chuỗi du lịch miền núi lớn nhất khu vực.
Vào tháng 2/2020, Chính phủ thông qua quyết định bổ sung tuyến nối thị xã Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuyến đường hiện đang được triển khai thi công, sau khi hoàn thành, thời gian di chuyển từ Hà Nội lên Nghĩa Lộ chỉ mất khoảng 3 giờ, bằng một nửa thời gian so với đi Sa Pa. Với "cú hích" từ hạ tầng, lại sở hữu những tiềm năng du lịch sẵn có, con đường đưa du khách đến với những thắng cảnh nổi tiếng gần hơn bao giờ hết, Nghĩa Lộ sẽ trở thành thủ phủ du lịch mới của Tây Bắc sánh ngang với Sa Pa hay Đà Lạt.
Xuất phát điểm hiện tại của Nghĩa Lộ hiện khá tương đồng với Sa Pa khoảng 8 năm trước, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ lưu trú đang bắt đầu được đầu tư bài bản. Cho đến nay, khi giá đất Sa Pa đã tăng tới 20 lần so với 8 năm trước, thì bất động sản ở Nghĩa Lộ đang tạo ra hấp lực mạnh mẽ đối với giới đầu tư.
Cùng với BĐS nghỉ dưỡng, mô hình khu đô thị thương mại - du lịch cũng đang trở thành xu hướng. Đây cũng chính là lý do khiến cho dự án Golden Field thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Nằm ngay tại cửa ngõ thị xã Nghĩa Lộ, dự án được xây dựng theo mô hình tích hợp nhiều tiện ích như vừa làm nhà hàng, kinh doanh khách sạn vừa để ở gắn liền với nhu cầu thực của dân bản địa. Mô hình này được dự báo mang lại khả năng sinh lời vô hạn cho nhà đầu tư khi mà tiềm năng du lịch - dịch vụ nơi đây được phát triển lên một tầm vóc mới.