Du lịch Hà Nội: Chưa phát huy hết tiềm năng

Được coi là điểm đến nhiều tiềm năng, Hà Nội là một trong những lựa chọn được ưu tiên hàng đầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thực tế, du lịch Hà Nội vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, chưa tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng để thu hút khách. Vì vậy, với việc có một cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về lĩnh vực này là Sở Du lịch, ngành du lịch Hà Nội đứng trước cơ hội phát triển bền vững, chủ động hơn để xứng đáng với tiềm năng vốn có.

Nhiều tiềm năng

Nói đến du lịch Hà Nội là nói đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Đó là những địa điểm đã hình thành hàng trăm, hàng nghìn năm qua, nay từng bước được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác trong các tua du lịch di sản. Trong đó, nổi bật nhất là việc mở rộng không gian đi bộ trong khu phố cổ, tại 6 tuyến phố mới, gồm: Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Đào Duy Từ vào cuối năm 2014. Hoạt động của 6 tuyến phố này thật sự hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Theo thống kê của Ban quản lý phố cổ Hà Nội, trong nửa đầu năm 2015, lượng khách du lịch nước ngoài đến với khu vực này tăng hơn 20 nghìn lượt người so cùng kỳ năm 2014.


Du khách quốc tế thăm quan gian trưng bày sản phẩm gốm Bát Tràng.

Du khách quốc tế thăm quan gian trưng bày sản phẩm gốm Bát Tràng.

Bên cạnh đó, các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch võ thuật cũng không ngừng được đầu tư phát triển. Trong dịp lễ kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng thủ đô, với việc tổ chức thành công liên hoan du lịch làng nghề, cũng góp phần tạo cơ hội quảng bá sản phẩm làng nghề như mây tre đan Phú Vinh, mỹ nghệ Sơn Đồng, gốm sứ Bát Tràng-Kim Lan, dệt lụa Vạn Phúc, sơn khảm Ngọ Hạ… góp phần tạo “sân chơi mới” cho các doanh nghiệp lữ hành.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Cty Du lịch Công đoàn GTVT Suntravel, cho biết, để tăng tính cạnh tranh, công ty buộc phải đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đơn cử như năm 2014 Cty mở gói du lịch sông Hồng - Bát Tràng 1 ngày, nếu tính ra chỉ với chi phí 750.000đ, khách lữ hành có thể vừa được đi thuyền ngắm cảnh trên sông Hồng, vừa được thăm quan hai làng nghề cổ là Bát Tràng và Vạn Phúc, hay như gói City Tour kết hợp ẩm thực phố cổ… đều là những tour ngắn ngày với chi phí không cao nhưng thực sự là những trải nghiệm thú vị khó quên đối với du khách quốc tế.

Trong thời buổi hội nhập, cạnh tranh, chính sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành đã góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội. Chẳng vì thế mà liên tục trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn được du khách và bạn đọc của các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á và là một trong 10 điểm đến du lịch đang nổi trên thế giới.

Không ít thách thức

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch thành phố, cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh về du lịch, đồng thời thực hiện tốt công tác quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch thủ đô, phát triển sản phẩm du lịch, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch đi vào chiều sâu để xứng đáng là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành du lịch Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, cho rằng, hiệu quả kinh doanh du lịch Hà Nội so với tiềm năng còn thấp, đơn cử như khu di tích Cổ Loa, từng được quy hoạch là khu du lịch quốc gia nhưng suốt hơn 10 năm không phát triển là mấy. Nguyên nhân chính là do chưa có cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Và xa hơn là chưa có chiến lược cho phát triển du lịch Hà Nội, chưa tập trung tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, việc liên kết giữa các địa phương chưa hiệu quả. “Vì thiếu định hướng cụ thể nên Hà Nội mới chỉ là trung tâm trung chuyển khách du lịch, chứ chưa là đầu tàu phát triển du lịch của cả nước như mong muốn”, ông Lương nhấn mạnh.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 21/9 vừa qua, thành phố Hà Nội đã chính thức kiện toàn bộ máy Sở Du lịch, việc làm này được đánh giá là để tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, đẩy mạnh các chương trình hội chợ, quảng bá, xúc tiến du lịch... đưa du lịch phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn của thủ đô. Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch thành phố, cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh về du lịch, đồng thời thực hiện tốt công tác quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch thủ đô, phát triển sản phẩm du lịch, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch đi vào chiều sâu để xứng đáng là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những định hướng cụ thể lâu dài, theo nhiều chuyên gia có ba việc thành phố cần phải tập trung sớm khắc phục. Trước hết là khắc phục tình trạng “chặt chém” khách du lịch. Bởi lẽ đối với nhiều người, vấn đề không phải là tiền mà việc làm này khiến du khách có cảm giác họ không được coi trọng, thậm chí bị coi thường. Tiếp đến là khắc phục tình trạng chèo kéo, đeo bám, chào mời mua hàng lưu niệm và cuối cùng là khắc phục tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần chú ý đầu tư cho các sản phẩm quà tặng du lịch. Nếu cải thiện được những vấn đề nêu trên thì không chỉ đưa ngành du lịch phát triển mà cũng góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô thân thiện và mến khách.

Theo Anh Tuấn

Lao động thủ đô