Du khách Việt kinh ngạc mê cung Thổ Nhĩ Kỳ 18 tầng sâu 85m dưới lòng đất
(Dân trí) - Mê cung có 600 lối ra vào, nằm ẩn sâu dưới lòng đất tại Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ đã khơi dậy trí tò mò của anh Đoàn Phước Trường (ngụ TPHCM).
Theo các chuyên gia nhận định, khu phức hợp này là "thành phố ngầm lớn nhất thế giới" từng được phát hiện. Đó là lý do anh Trường quyết tâm đến "xứ sở thần tiên" Cappadocia, nằm ở miền Trung của Thổ Nhĩ Kỳ để khám phá trong chuyến hành trình 15 ngày.
Thành phố cổ Derinkuyu bị bỏ hoang trong nhiều thập kỷ từng là nơi sinh sống của 20.000 người. Vào năm 1963, một người đàn ông đã tình cờ phát hiện nhiều đoạn đường hầm, hang nhỏ ở góc nhà mình nhờ những chú gà đi lạc. Sau khi khai quật, người Thổ Nhĩ Kỳ đã ngạc nhiên trước sự kỳ vĩ của hệ thống này, bao gồm 18 tầng, 600 lối ra vào.
Tuy nhiên, họ chỉ mở cửa cho du khách đến tham quan 8 tầng hầm phía trên cùng vì các tầng dưới thiếu không khí và ánh sáng. Riêng anh Trường chỉ dám khám phá tầng thứ 6.
"Càng xuống thấp càng thiếu oxy và địa hình càng quanh co phức tạp. Nhiều hầm sâu hun hút như cái giếng khổng lồ không có nước", anh Trường mô tả.
Cũng bởi cấu trúc phức tạp này, anh chỉ vào thành phố cổ bằng một lối nhưng có thể đi ra bằng hàng chục lối khác. "Chúng phức tạp như mê cung nên buộc phải đi theo nhóm và đi theo lộ trình duy nhất đã được căng dây hai bên", anh Trường nói.
Lối vào trước kia là những bức tường rất nhỏ đủ cho một người chui và được giấu như bí mật. Sau này, khi mở cửa cho khách tham quan, người ta mới phát quang cây cối và làm các bậc thang dẫn vào.
Theo quan sát của anh, góc nhìn từ trên cao xuống rất khó nhận ra các lối ra vào, các cửa sổ hay cổng thành. Ngược lại, nếu nhìn từ bên ngoài thì chỉ thấy các hốc đá. Vì thế, đây là địa điểm trú ẩn lý tưởng cho cư dân trú ẩn tránh khỏi các thảm họa thiên nhiên hay chiến tranh.
Khi xuống lòng đất, anh Trường trông thấy các lỗ thông gió được khoét sâu để luân chuyển không khí trong lành lưu thông giữa các phòng và các tầng. Ngoài ra, khu vực này có cánh cửa lớn bằng đá ở mỗi tầng để ngăn chặn những kẻ xâm nhập.
Lần lượt đi qua các căn phòng, anh có thể mường tượng được người dân chỉ sinh hoạt quẩn quanh trong "những chiếc bình đất sét đậy kín" và sống dưới ánh đuốc mập mờ. Đồng thời, các hoạt động của họ ngày xưa như dệt thảm, nấu ăn, làm gốm... cũng được tái dựng lại.
Năm 1985, thành phố Derinkuyu đã được thêm vào danh sách Di sản Thế giới do UNESCO công nhận. Anh Trường cho biết, chuyến du lịch Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài 15 ngày, xuyên qua lục địa Á- Âu có chi phí 60 triệu đồng.
"Đất nước huyền bí có muôn vàn cảnh đẹp, di tích cổ xưa, con người văn minh, hiếu khách. Giá cả cuộc sống ở mức hợp lý nên khách du lịch có thể "tậu" về nhiều vật dụng, thức ăn và quà lưu niệm như thảm, dầu ô liu, nến thơm, tinh dầu, đèn trang trí, khăn choàng, gối tựa, chà là, trà hoa quả", anh nói thêm.
Thành phố ngầm của Cappadocia được cho là hình thành từ thế kỷ 8 trước Công nguyên, có khả năng chứa hàng ngàn người. Truyền thuyết kể rằng những người thuộc đạo Kito đã dựng lên nó để chống lại quân đội La Mã xâm lược.
Nơi đây có mạng lưới các thành phố ngầm dưới lòng đất kết nối với nhau lên tới con số 200. Đây là điểm du lịch ưa thích của những người ưa khám phá.