Đồng bào dân tộc ở Hà Giang thoát nghèo nhờ du lịch
(Dân trí) - Hình thức du lịch homestay đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều đồng bào dân tộc ở Hà Giang, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo bền vững.
Những năm qua, tỉnh Hà Giang đang tập trung phát triển mạnh du lịch, đặc biệt là tại bốn huyện cao nguyên đá (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ).
Bên cạnh việc đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cây hoa tam giác mạch, hoạt động du lịch cộng đồng cũng được đặc biệt chú trọng. Hàng nghìn hộ nông dân tại bốn huyện vùng cao nguyên đá vì thế đã có nguồn thu nhập cao trong các mùa lễ hội.
Lễ hội hoa tam giác mạch nhiều năm qua đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Giang. Cứ đến tháng 10 hàng năm, du khách khắp nơi lại đổ về Hà Giang để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bông hoa trên đá, đồng thời tới thăm các điểm đến độc đáo ở nơi đây.
Ông Thò Mí Sính (thôn Sán Trồ, Lũng Cú, Đồng Văn) cho biết: "Vào dịp diễn ra lễ hội hoa tam giác mạch (từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm), gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác trong bản có nguồn thu nhập khá cao nhờ cho thuê vườn hoa tam giác mạch để chụp ảnh. Tôi thu 10.000 đồng/người vào chụp, có ngày đông khách, số tiền thu về có thể lên tới gần 1 triệu đồng".
Khi tới Hà Giang, du khách sẽ ở trong các làng du lịch cộng đồng, homestay. Hình thức du lịch homestay đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều gia đình, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo.
Ngoài ra, hình thức du lịch homestay còn góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số của Hà Giang nâng cao dân trí, tiếp cận được với các kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Có thể kể đến các làng du lịch cộng đồng nổi tiếng như làng H'Mông Pả Vi (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc), bản Lô Lô Chải của người Lô Lô (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn), làng văn hóa Lũng Cẩm (xã Sủng Hà, huyện Đồng Văn), phố cổ Đồng Văn…
Làng du lịch văn hóa cộng đồng Pả Vi Hạ có tổng diện tích hơn 46.000m2 và chia làm ba khu. Hiện có khoảng 30 hộ tham gia mô hình kinh tế này để khai thác du lịch. Đây là một quần thể nghỉ dưỡng được thiết kế theo kiến trúc nhà truyền thống của người H'Mông.
Bản Lô Lô Chải có 140 hộ dân, chủ yếu là người Lô Lô đen. Nhiều năm trước, cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn. Đa số các gia đình chỉ biết dựa vào cây ngô, cây lúa. Tuy nhiên, điều kiện canh tác khó khăn khiến sản lượng không cao.
Khoảng chục năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong bản đã tham gia làm du lịch. Trong số này có 30 hộ cung cấp phòng nghỉ và dịch vụ ăn uống, tham quan trải nghiệm cho du khách. Giá phòng phục vụ du khách từ 300 nghìn - 1 triệu đồng/ngày đêm tùy loại.
Nhờ tham gia phát triển du lịch, mức sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Hầu như gia đình nào cũng có ti vi, tủ lạnh và xe máy đi lại.
Chị Vàng Thị Mai (bản Lô Lô Chải) có 7 phòng cho thuê suốt 6 năm nay. Chị Mai hầu như đón khách quanh năm. Vào những mùa lễ hội, mùa hoa tam giác mạnh, phòng luôn được khách đặt kín, nhất là vào các dịp cuối tuần. Phòng 2 giường thuê một ngày đêm chị Mai thu 500 nghìn đồng.
Theo một cán bộ của Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang, đồng bào các dân tộc ở Hà Giang gắn du lịch cộng đồng với hoạt động sản xuất, cung ứng các dịch vụ để phát triển du lịch.
Trong các mùa lễ hội, mùa đón khách du lịch, người dân có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đặc thù của địa phương như: Mật ong bạc hà, các sản phẩm từ vải lanh, thịt bò khô ở huyện Mèo Vạc và Đồng Văn, hồng không hạt huyện Quản Bạ và Yên Minh, gà xương đen tại bốn huyện cao nguyên đá….
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho hay, những năm qua, du lịch đã góp phần giúp nhiều gia đình đồng bào dân tộc ở Hà Giang thoát nghèo, cuộc sống được cải thiện.
Trong hai năm qua, dù COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhưng Hà Giang vẫn đầy sức hút. Điều đó chứng tỏ du khách rất chia sẻ với địa phương và đang góp phần để Hà Giang nhìn lại mình, tiếp tục hoàn thiện để có những giải pháp đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách.
Mục tiêu của Hà Giang là nhằm đẩy mạnh phát triển ngành du lịch của địa phương; tiến tới đưa ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là nền tảng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Đặng Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang cũng cho biết, ngoài khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch, Hà Giang còn đẩy mạnh các chương trình hợp tác, quảng bá và xúc tiến du lịch với các thành phố lớn trong nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Vũng Tàu, Hải Phòng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…