Khách Tây lặng người trước một bức ảnh tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Mộc Khải

(Dân trí) - Lần đầu tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, không ít người cảm thấy nghẹn ngào, xúc động, thậm chí không nén được nước mắt.

Những ngày qua, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (quận 3, TPHCM) là một trong những điểm đến được người dân TPHCM cũng như đông đảo du khách trong và ngoài nước lựa chọn ghé thăm. Trong các khung giờ, bảo tàng luôn chật kín người dân xếp thành hàng dài chờ mua vé để vào tham quan.

Theo thông tin từ phía Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, tổng lượt khách đến tham quan trong 2 ngày 30/4 và 1/5 là gần 19.000. Trong đó, lượng khách quốc tế là hơn 9.000. Đặc biệt, riêng ngày 30/4, bảo tàng còn miễn phí vé tham quan cho những ai là người dân cư trú tại TPHCM. 

Khách Tây lặng người trước một bức ảnh tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - 1

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đón gần 19.000 khách trong ngày 30/4 và 1/5 (Ảnh: Mộc Khải).

Lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam và ghé thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh vào ngày cận lễ 30/4, anh Alexander (19 tuổi, Scotland) cho biết bản thân rất ấn tượng với không gian trang nghiêm, chứa đựng hàng chục ngàn tranh ảnh, hiện vật về thời chiến.

Anh nhận xét, không gian ở bảo tàng rất đặc biệt, vừa trang nghiêm vừa mang đến cho anh nhiều cảm xúc. Anh nói, trước đây, bản thân từng được nghe và học về chiến tranh Việt Nam, nhưng những gì anh thấy hôm nay rất khác.

"Những bức ảnh trong bảo tàng, đặc biệt là những hình ảnh đau thương về chiến tranh, khiến tôi lặng người đi. Có lúc tôi đứng rất lâu trước bức ảnh một người lớn và một trẻ em đã chết trước một ngôi nhà bị cháy. Tôi đã không nói nên lời.

Cảm xúc trong tôi là sự trộn lẫn giữa đau xót, thương cảm và thán phục. Tôi hiểu rằng người Việt Nam đã trải qua rất nhiều mất mát. Cũng từ đó, tôi thấy được tinh thần kiên cường, mạnh mẽ và lòng yêu nước sâu sắc của người dân ở đất nước này", Alexander nói.

Khách Tây lặng người trước một bức ảnh tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - 2

Alexander lặng người trước bức ảnh ghi lại sự đau thương của chiến tranh (Ảnh: Mộc Khải).

Chàng trai người Scotland cũng cho biết bản thân rất ấn tượng khi thấy nhiều người trẻ mặc áo dài truyền thống đến với bảo tàng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời gian qua, Alexander du lịch khắp các nước Đông Nam Á. Khi đến Việt Nam, anh cảm thấy mình được chào đón và rất vui khi được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc nhưng gần gũi tại đây.

Anh Trần Quốc An (SN 2009, Bến Tre) cho biết, được nghỉ học, anh đã dậy từ 5h40, đi xe khách từ quê lên TPHCM, rồi đón xe công nghệ đến bảo tàng để tham quan.

"Bước vào đây, tôi thật sự rất xúc động, tôi cảm nhận rõ ràng giá trị của hòa bình hôm nay là sự đánh đổi rất lớn của ông cha ta. Nhờ những hy sinh đó mà tôi mới có thể nhìn thấy ánh mặt trời một cách bình yên như thế này.

Nhìn những hình ảnh của chiến tranh, tôi tự nhủ mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tôi là thế hệ tương lai của đất nước, tôi cần học tập và rèn luyện tốt, để có thể góp phần đưa Việt Nam ngày càng phát triển", Quốc An chia sẻ.

Khách Tây lặng người trước một bức ảnh tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - 3

Anh Thư diện áo dài đến tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (Ảnh: Mộc Khải).

Chị Anh Thư (SN 2003) - sinh viên Trường Đại học Văn Lang - diện chiếc áo dài nền nã, từ tốn tham quan các khu vực trong bảo tàng. Chị cho biết bản thân từng đến bảo tàng để quay phim, chụp ảnh phục vụ việc học, song lần này đến tham quan, chị lại có một cảm xúc rất khác, thậm chí không nén được nước mắt.

"Trở lại đây đúng dịp 30/4, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi lại thấy bồi hồi. Chậm rãi nhìn những hình ảnh, hiện vật, đặc biệt là khi xem thông tin về các nạn nhân chất độc da cam, tôi nghẹn lòng", Anh Thư xúc động.

Anh Thư nghẹn ngào chia sẻ, chiến tranh đi qua, nhưng đau thương mất mát vẫn còn ở lại. Chất độc da cam không chỉ ảnh hưởng đến một người mà còn kéo dài qua nhiều thế hệ. Cũng bởi thế, nhiều người sinh ra đã không thể phát triển bình thường, không được đến trường và đi học.

"Tôi nghĩ để thêm trân quý hòa bình, hiểu hơn những hy sinh của ông cha ta ngày trước, mọi người nên đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh một lần. Có những trang lịch sử chúng ta chưa kịp đọc trong sách, nhưng lại có thể cảm nhận những điều đó rất thật ở nơi đây", Anh Thư nói.