Đối đầu Covid-19, ngành du lịch giảm sâu tới 50%

(Dân trí) - Để ứng phó với ảnh hưởng của dịch CoVid-19, Hiệp hội Du lịch TPHCM cùng các đơn vị trong ngành đã tổ chức giảm giá sâu tới 50%. Giảm giá để mời gọi, tiếp thị chứ không bán đổ, bán tháo.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch TPHCM cho biết, chương trình kích cầu nội địa năm nay có sự tham gia của 40 doanh nghiệp lữ hành với mức giá giảm từ 25 - 50%, ngành hàng không giảm đến 50%, đường bộ và đường sắt giảm 40%… Đây là động thái của các doanh nghiệp khi ứng phó với dịch bệnh Covid-19. 

Theo bà Khánh, đây cũng dịp để các doanh nghiệp tái cơ cấu lại, xác định mục tiêu trọng tâm là các thị trường trong nước, từ đó đẩy mạnh kích cầu các tour, tuyến du lịch tại thị trường trong nước.

Lễ ký thỏa thuận kích cầu du lịch giữa các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Du lịch TPHCM

Lễ ký thỏa thuận kích cầu du lịch giữa các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Du lịch TPHCM

Song song đó, với mong muốn triển khai chương trình đạt hiệu quả đồng bộ, mục tiêu của chương trình không chỉ đưa khách từ thành phố đến các địa phương mà còn thu hút khách từ các tỉnh thành đến TPHCM tham quan, mua sắm… 

Hiện nay, các doanh nghiệp thành phố đã chuẩn bị sẵn tour kích cầu để chào bán ngay khi hết dịch bệnh, các điểm đến ưu tiên để doanh nghiệp xây dựng chương trình tour có các tiêu chí: vùng an toàn, giá kích cầu hấp dẫn, sự đồng hành tích cực của địa phương. 

Theo đó, đang có những tour về vùng an toàn (các tỉnh chưa xuất hiện dịch bệnh) như: Pleiku - Ban Mê Thuột hành trình 5 ngày 4 đêm với giá 3,34 triệu đồng/khách (giảm 20% so với thời điểm chưa có dịch), tour đảo ngọc Phú Quốc, 3 ngày 2 đêm với giá 3,76 triệu đồng/khách (giảm 27%); tour Bình Định - Phú Yên 4 ngày 4 đêm (4,336 triệu đồng/khách (giảm 20%)… 

Còn theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, việc hình thành liên minh kích cầu du lịch được tung ra thời điểm này sẽ giúp các doanh nghiệp lữ hành yên tâm phát triển thị trường mới, vực dậy thị trường đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. 

Đối đầu Covid-19, ngành du lịch giảm sâu tới 50% - 2
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM

Để kích cầu du lịch nội địa đi vào thực tiễn, trước tiên cần phải triển khai kích cầu xuyên suốt trong mùa dịch và sau mùa dịch, với nguyên tắc đảm bảo sự an toàn cho du khách trong mùa dịch và sau mùa dịch. 

Thứ hai là các doanh nghiệp trong liên kết kích cầu không nên có sự trùng lắp khi xây dựng sản phẩm và phải đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức này… đồng thời, duy trì việc giảm giá sâu tại thị trường nội địa cũng tạo cho ngành du lịch Việt Nam sự cạnh tranh với các thị trường nước bạn như: Thái Lan, Malaysia… 

Thứ ba là kích cầu giảm giá sâu phải đảm bảo về chất lượng, giảm giá sâu nhưng chất lượng không đồng hành với cam kết thì đánh mất thị trường du lịch đang duy trì, khôi phục. 

Thứ tư là chúng ta cùng xác định trọng tâm trọng điểm trong từng chương trình kích cầu của chúng ta, tập trung phát triển thị trường nào đầu tiên, thị trường nào tiếp theo để có từng chính sách giảm giá phù hợp… 

Là địa phương đang liên kết với TPHCM để kích cầu du lịch nội địa, ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết: “Nha Trang đã huy động hơn 50 doanh nghiệp tham gia kích cầu, giảm sâu đến 40% và vẫn đảm bảo dịch vụ chất lượng dịch vụ tương đương khi chưa có dịch bệnh COVID-19. Trong đó, các cơ sở lưu trú khách sạn đăng kí kích cầu giảm giá 50%, tour lữ hành đăng kí giảm 30-40%… dành cho du khách khi đi du lịch Nha Trang, Khánh Hòa”.

Đối đầu Covid-19, ngành du lịch giảm sâu tới 50% - 3

Ban chủ nhiệm từ trái qua, ông Trần Thế Dũng (Giám đốc Du lịch Thế hệ Trẻ – Phó chủ nhiệm thường trực), bà Tạ Thị Tú Uyên (Phó giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ Vietravel – Phó chủ nhiệm), ông Nguyễn Ngọc Tấn (Tổng giám đốc công ty Vận chuyển và du lịch Saco, PCT Chi hội Lữ hành – phó chủ nhiệm) và ông Trần Lê Bảo Châu (Giám đốc công ty Nam Quốc – Phó chủ nhiệm)

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, dịch vụ ăn uống, khách sạn… cần liên kết với nhau, đồng lòng vượt qua khó khăn, lấy cái lợi lớn hơn là phát triển thị trường sắp tới để tham gia kích cầu du lịch. Từ trước đến nay, điểm yếu của ngành du lịch là sự liên kết liên minh.

Phạm Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm