Đồi Con Heo - điểm check in thu hút giới trẻ tại Vũng Tàu
(Dân trí) - Không chỉ có bãi tắm trải dài, những món hải sản ngon mà Vũng Tàu còn sở hữu nhiều điểm chụp hình cực đẹp khiến các tay săn ảnh đứng ngồi không yên. Bên cạnh những địa danh quen thuộc, đồi Con Heo chính là điểm đến mới được phát hiện gần đây nhưng đã nhanh chóng thu hút giới trẻ.
Đồi Con Heo tọa lạc ngay Bãi Sau, phường 2, TP Vũng Tàu, trước đây là nơi khai thác đá nên thường không có nhiều người lui tới. Nhưng hiện nay, nơi đây được xem là một “đồi hoang” độc đáo và thú vị nhất Vũng Tàu.
Ngoài Hồ Tràm, Hồ Cốc... thì Đồi Con Heo đang dần nổi lên như một “hiện tượng” trong lòng giới trẻ, bởi đây chính là điểm đến lý tưởng để sinh ra những bức ảnh “để đời” mà không phải ai cũng biết. Nếu mong muốn khám phá một Vũng Tàu hoàn toàn mới vẻ, độc và lạ thì Đồi Con Heo sẽ là một gợi ý tuyệt vời cho du khách.
Khi mới đặt chân đến đây, có thể bạn sẽ bị hụt hẫng khi Đồi Con Heo thật ra chỉ là một ngọn đồi trọc trơ trọi. Tuy nhiên, khi tiến đến gần khu vực mép đồi, khung cảnh của đường cát dài Bãi Sau uốn lượn hòa cùng biển và trời xanh thăm thẳm hiện ra trước mắt sẽ không làm bạn thất vọng.
Đồi Con Heo được coi như “ngọn hải đăng trên cạn” của thành phố. Nhìn từ đỉnh đồi, du khách sẽ ngắm được cả một cung đường Thùy Vân, một góc đường Hạ Long và đảo Hòn Bà giữa biển. Có lẽ chính vì lý do trên mà Đồi Con Heo được nhiều website du lịch bình chọn là một trong những nơi ngắm toàn cảnh Vũng Tàu đẹp nhất.
Đứng trên cao nhìn xuống, đón trọn những cơn gió mát rượi và tận hưởng giây phút vô cùng yên bình, đó là trải nghiệm mà bất cứ “tín đồ” xê dịch nào cũng muốn trải qua. Nơi đây sẽ khiến du khách cảm nhận một cách đầy đủ và chân thực nhất hương vị biển của Vũng Tàu.
Con đường sỏi đá trên đồi như đưa lối cho du khách đến một thiên đường có thật. Cánh đồng cỏ trở nên xanh mơn mởn, những cánh hoa dại bên đường bắt đầu đâm chồi, những tảng đá vô hồn cũng trở nên hút mắt hơn.
Một điều thú vị là cảnh vật trên đồi Con Heo thay đổi theo mùa. Vào mùa khô, Đồi Con Heo chỉ còn toàn sỏi đá mấp mô, tạo nên không gian hoang sơ trơ trọi nhưng cũng không kém phần bí ẩn. Còn nếu ghé thăm nơi đây vào những ngày mùa mưa rả rích, khách du lịch sẽ có cơ hội được nhìn ngắm không gian thiên nhiên xanh mượt với những thảm thực vật đầy sức sống cùng non nước, mây trời đẹp hệt như tranh.
Hầu hết du khách đến đây đều lựa chọn đi vào mùa mưa để có dịp tận mắt chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp tại Đồi Con Heo. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để đón bình minh hay hoàng hôn trên vùng đất Vũng Tàu.
Ngoài phong cảnh hữu tình, Đồi Con Heo còn hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ và những ai mê “phượt” bởi đồi cỏ khô với màu cháy vàng đẹp mê hồn hệt như ở trời Tây. Bên cạnh đó, dải phân cách trắng - đỏ cũng là background được yêu thích.
Thiên nhiên ưu ái dành riêng cho Đồi Con Heo một khoảng không gian thật tuyệt vời. Ở đó, con người có thể mặc sức gửi những lo toan của cuộc sống thường ngày vào gió, biển, trời mà tận hưởng sự tự do.
Dạo trước, đây cũng là một trong những điểm cắm trại hấp dẫn. Nhưng hiện tại, chính quyền địa phương đã cấm cắm trại ở đồi Con Heo bởi tình trạng du khách xả rác bừa bãi và địa hình dốc cheo leo, nguy hiểm sẽ không đảm bảo an toàn cho việc cắm trại qua đêm.
Thông tin xung quanh nguồn gốc ra đời của cái tên “đồi Con Heo” có rất nhiều. Có người cho rằng vì trên ngọn đồi này thường có gió heo may xuất hiện, thế nên người ta gọi tắt là đồi “Heo”. Nhưng dần dần, tên gọi đồi Heo bị hiểu nhầm thành “Đồi Con Heo”. Dù lý giải như thế nào đi nữa thì cái tên “Đồi Con Heo” vẫn tạo cảm giác khá thú vị và ngộ nghĩnh, vừa gợi tò mò, vừa khiến du khách muốn khám phá ngay lập tức.
Đường đi đến Đồi Con Heo
Từ Bãi Sau Vũng Tàu, du khách chạy đường Thùy Vân theo hướng về Bãi Trước, khi gặp ngã ba đường Phan Chu Trinh, rẽ phải vào con đường này. Trên đường Phan Chu Trinh, chạy vào hẻm 220 và bắt đầu lên đồi.
Đường từ đầu hẻm 220 dưới đến khi lên đồi dài khoảng tầm 500m. Đường rất dốc và đứng, đoạn gần trên đồi có nhiều sỏi đá. Nếu di chuyển bằng xe máy, nên cẩn thận, chạy với tốc độ chậm và phải có tay lái vững. Để lên đồi du khách chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ vì đường khá hẹp, xe ô tô không thể lên.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp